Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XI trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng các cấp, các ngành và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ đó, đưa Hàm Thuận Bắc tiếp tục vươn lên một vị thế mới trong nền kinh tế chung của Bình Thuận.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XI, bức tranh kinh tế – xã hội Hàm Thuận Bắc tiếp tục phát triển khá mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết (nắng hạn trong năm 2016 và mưa trái mùa năm 2017). Cụ thể, giai đoạn 2011-2017, tốc độ thu nhập bình quân đầu người tăng 15,40%; năm 2011, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm; đến năm 2015 đạt 30,2 triệu và đến năm 2017 đạt 36,8 triệu.
Trong phát triển nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, Hàm Thuận Bắc đã phát huy hiệu quả các giao thông nông thôn, công trình thủy lợi,… Năm 2017, huyện đã triển khai thực hiện đề án khơi thông dòng chảy các sông, suối tự nhiên với nguồn vốn nhà nước (1 tỷ đồng) và huy động nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, lao động… tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô, từ đó nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng. Đặc biệt là công tác quy hoạch về diện tích sản xuất nông nghiệp tập tung vào các cây trồng có lợi thế như thanh long, rau đậu các loại: theo đó, diện tích gieo trồng lúa trên 27.000ha, sản lượng lương thực đạt 168.496 tấn năm 2017. Diện tích cây thực phẩm tăng mạnh (năm 2011 là 2.738ha, đến năm 2017 là 3.412ha). Diện tích cây thanh long từ 4.777ha năm 2011 tăng lên 9000ha năm 2017. Đặc biệt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm và chỉ đạo thực hiện tốt, qua đó góp phần nâng cao giá tri nông sản. Bên cạnh đó, huyện tập trung kêu gọi thành lập các HTX và tổ hợp tác sản xuất thanh long an toàn, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích trên trái thanh long…Bước đầu có 2 dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hồng Sơn và Đa Mi đang đầu tư xây dựng; từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, nông nghiệp sản phẩm sạch, đạt năng suất, chất lượng cao.
Cùng với phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp – thủ công nghiệp có nhiều khởi sắc. Huyện đã tích cực chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện để các chủ đầu tư triển khai các dự án tại các cụm công nghiệp như: Ma Lâm, Phú Long, Hàm Đức và khu thương mại-dịch vụ Hàm Thắng-Hàm Liêm…đã mang lại hiệu quả kinh tế. Huyện Hàm Thuận Bắc đạt tốc độ tăng trưởng khá với trên 4.430 tỷ đồng, tăng 0,52% so với năm trước và đạt 100,3% kế hoạch đề ra; giá trị đầu tư phát triển trên địa bàn huyện năm 2017 được 2.250 tỷ đồng, đạt 112,5% KH năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 2.880 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm trước…Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã và đang tập trung các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, cấp nước, cấp điện…
Bên cạnh đó, về công tác cải cách thủ tục hành chính, Hàm Thuận Bắc đang sử dụng phần mềm một cửa điện tử đã chuyển hóa và khai báo vào phần mềm với 13 lĩnh vực, 122 thủ tục hành chính như: Lĩnh vực đất đai: 44 thủ tục, lĩnh vực môi trường 05 thủ tục, lĩnh vực xây dựng: 15 thủ tục, lĩnh vực đường bộ: 06 thủ tục, lĩnh vực quy hoạch: 07 thủ tục, lĩnh vực đăng ký kinh doanh: 04 thủ tục, lĩnh vực đăng ký kinh doanh HTX: 05 thủ tục…nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng phát triển nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nói về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng – Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Hiện nay, các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn quá ít, quy mô nhỏ; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; mô hình liên kết chưa nhiều, thu nhập của người dân trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp. Do đó, trong những năm tiếp theo, huyện sẽ đẩy mạnh mời gọi đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Xây dựng vùng thanh long tập trung đạt tiêu chuẩn GlobalGap; Đầu tư nhà máy chiếu xạ, chiếu nhiệt xử lý trái thanh long và rau, quả khác; Xây dựng vùng rau đạt tiêu chuẩn GlobalGap tại thị trấn Phú Long phục vụ tiêu dùng thành phố Phan Thiết và khu du lịch Hàm Tiến, Mũi Né…nhằm nâng giá trị nền nông nghiệp lên một tầm tương xứng”.
Để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế huyện trong giai đoạn tới, huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm: cải cách hành chính; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống… theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Từ đó, đưa Hàm Thuận Bắc có những bước tiến xa hơn góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Kim Băng