Cùng với việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu và các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động ngân hàng, trong năm 2017 các TCTD trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tập trung đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng cho vay… Từ nỗ lực này, nguồn vốn của các TCTD đã luôn đồng hành và phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.
Cung ứng hiệu quả nhu cầu vốn sản xuất
Tính đến ngày 30/11/2017, tổng vốn huy động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt 29.255 tỷ đồng, tăng 15,13% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt 37.626 tỷ đồng, tăng 16,38% so với đầu năm (cả nước tăng 15,68%), so với các năm trước thì tín dụng năm 2017 tăng trưởng đều hơn qua các tháng trong năm, trong đó nợ xấu chiếm 1,01% tổng dư nợ.
Gắn với tăng trưởng tín dụng, các TCTD đã tích cực tham gia thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng của ngành và địa phương, đảm bảo vốn tín dụng được phân bổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm trên 73% tổng dư nợ); đồng thời tập trung vào lĩnh vực ưu tiên như: xuất khẩu (866 tỷ đồng);doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (6.570 tỷ đồng); nông nghiệp nông thôn (19.922 tỷ đồng); Chương trình phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (747,5 tỷ đồng); khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao theo Nghị quyết Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ (353 tỷ đồng); hỗ trợ nhà ở (41 tỷ đồng); các đối tượng chính sách xã hội (2.261 tỷ đồng)….
Trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên địa bàn còn gặp khó khăn, các TCTD đã thực hiện các giải pháp giảm được mặt bằng lãi suất cho vay so với năm trước (0,5% – 1%/năm); điều chỉnh lãi suất trên hợp đồng đã ký về mặt bằng lãi suất hiện hành (4.747 tỷ đồng); đồng thời xem xét cơ cấu lại nợ (358 tỷ đồng); miễn giảm lãi (3,5 tỷ đồng), tạo điều kiện cho khách hàng gặp khó khăn khách quan không phải chịu gánh nặng về chi phí và có vốn tiếp tục sản xuất.
Tiếp sức cho DNNVV
Giám đốc NHNN tỉnh Bình Thuận – ông Bùi Xuân Chỉnh cho biết đồng hành cùng quá trình hội nhập của đất nước, đội ngũ DNNVV ngày càng có tác động lớn và trực tiếp hơn đến tăng trưởng kinh tế; tuy nhiên do hạn chế về nguồn vốn, năng lực quản lý, công nghệ, thị trường, phương án kinh doanh…nên việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng còn nhiều khó khăn. Tại Bình Thuận, để giúp các đối tượng DN này dễ dàng hơn trong tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp liên quan đến việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng theo Thông báo kết luận số 332/TB – NHNN ngày 3/11/2016 của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh về triển khai Đề án 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó nổi bật là Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được quan tâm triển khai đã góp phần tích cực vào tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế địa phương ngay từ những tháng đầu năm 2017.
Cụ thể trong 11 tháng đầu năm, ngoài việc chủ động tiếp cận, đàm phán ký kết hợp đồng tín dụng, ngành Ngân hàng Bình Thuận đã chủ động phối hợp tổ chức 2 đợt kết nối Ngân hàng –DNtại Thị trấn Phan Rí Cửa – huyện Tuy Phong và huyện Hàm Thuận Nam; tổ chức 1 đợt đối thoại các Hiệp hội DN, ngành nghề; 1 đợt đối thoại chuyên đề về tín dụng nhà ở xã hội. Ngoài ra các đơn vị trong ngành cũng đã chủ động tham gia Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2017; Hội nghị Đối thoại với DN, người dân hoặc các đợt tiếp xúc cử tri do tỉnh tổ chức.
Nhờ đa dạng hoá các hình thức triển khai thực hiện chương trình kết nối nên các DN, người dân nắm bắt thông tin đầy đủ và nhanh hơn, tiếp cận các gói sản phẩm tín dụng với mức lãi suất thấp hơn; đơn cử như Chương trình ưu đãi DN xuất nhập khẩu đến ngày 30/6/2017 với quy mô 300 triệu USD, lãi suất 2,25 – 2,75%/năm của HD Bank… Các TCTD còn chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn, những khó khăn vướng mắc mà DN đang đối mặt để có biện pháp cùng tháo gỡ, trên cơ sở đó mở rộng được tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác.
Tính đến ngày 30/11/2017, dư nợ cho vay DN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt 12.176 tỷ đồng, chiếm 32,36% tổng dư nợ; trong đó dư nợ cho vay DNNVV đạt 6.570 tỷ đồng, chiếm 54% dư nợ cho vay DN. Các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN như: rà soát điều chỉnh giảm lãi suất các hợp đồng tín dụng cũ về mức lãi suất hiện hành của đơn vị với dư nợ là 1.159 tỷ đồng/373 DNNVV; cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ là 130 tỷ đồng/7 DNNVV… Ngoài ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận năm 2017, các đơn vị trong ngành cũng đã tiếp cận, ký kết hợp đồng nguyên tắc cho 6 dự án với tổng số vốn dự kiến tài trợ lên đến 5.399 tỷ đồng.Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng – DN, nhiều DN được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý để phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Về phía các Ngân hàng, Chương trình đã giúp các ngân hàng tăng trưởng chỉ tiêu dư nợ tốt hơn.
Ông Chỉnh cho biết để tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – DN cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở bám sát văn bản chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh, trong thời gian tới ngành Ngân hàng Bình Thuận sẽ chủ động phối hợp với Sở, ban ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện các Chương trình kết nối vớicác hình thức đa dạng như: qua chương trình hỏi đáp trên trang thông tin điện tử NHNN tỉnh. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong Chương trình kết nối của Trung ương đề cập tại Công văn số 2174/NHNN – VP ngày 30/3/2017 của NHNN Việt Namnhằm góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, phát triển KT – XH tỉnh nhà.
Kim Băng