Bình Thuận

Bình Thuận: Điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam

9:43 sáng | 07/04/2018

Chính sách cơ chế cần thiết để phát triển ngành du lịch Bình Thuận. Các dịch vụ hỗ trợ, hạ tầng và quy hoạch ngành du lịch Bình Thuận có thể vươn lên xứng tầm Du lịch quốc gia và khu vực: Vươn tầm trung tâm du lịch – thể thao biển quốc gia

 

Sau gần 22 năm phát triển, thương hiệu du lịch Bình Thuận đang ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Với những bước tiến dài và bền vững, du lịch không chỉ trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Thuận mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Có thể thấy so với các trung tâm du lịch lớn của cả nước, du lịch Bình Thuận còn khá non trẻ. Tuy nhiên với tiềm năng dồi dào, các chính sách phù hợp và sự quan tâm đầu tư của địa phương đã giúp thương hiệu du lịch Mũi Né – Bình Thuận ngày càng phát triển và hoàn thiện, dần trở thành một đô thị du lịch quốc gia.

Trong quy hoạch chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Mũi Né được xác định như là một KDL quốc gia, Phan Thiết là đô thị du lịch để tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, quy hoạch chiến lược phát triển và xúc tiến quảng bá thương hiệu. Để hoàn thành các mục tiêu này, Bình Thuận sẽ tập trung đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các KDL trọng điểm, các điểm du lịch tiềm năng, nâng cấp, mở rộng các trục giao thông chính nối các KDL, các trục đường ven biển. Phát huy tốt hệ thống quốc lộ, đường sắt Bắc – Nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình như: cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết – Nha Trang, sân bay Phan Thiết, nâng cấp Quốc lộ 28, Quốc lộ 55, Quốc lộ 55B… Song song đó, Bình Thuận sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa – lễ hội, tâm linh, tham quan sinh thái tự nhiên…

Cùng với việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, Bình Thuận còn phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch của địa phương, hình thành các tour, tuyến tham quan du lịch giữa các vùng miền để phát huy các tiềm năng, tạo các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn mang tính chuyên biệt. Tăng cường sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các tỉnh bạn cũng như nước ngoài để khai thác và phát huy lợi thế về du lịch. Chủ động triển khai phối hợp thực hiện tốt các nội dung liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong khu vực như chương trình liên kết tam giác phát triển du lịch TP.HCM – Lâm Đồng – Bình Thuận, liên kết phát triển với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bình quân hàng năm lượng du khách đến Bình Thuận tăng từ 12 – 14%, doanh thu tăng từ 19 – 20%. Điển hình Trong năm 2017 toàn tỉnh ước đón được 5.109.659 lượt khách, đạt 100,13% kế hoạch năm, tăng 12,99% so cùng kỳ năm 2016, trong đó khách du lịch quốc tế đạt khoảng 595.044 lượt đạt 105,69% kế hoạch năm, tăng 18,11% so cùng kỳ 2016. Khách quốc tế chủ yếu đến từ Trung quốc (27,46%), Nga (21,67%), Hàn Quốc (11,97%), Đức (4,91%), Thái Lan (5,73%), Anh (2,79%), Mỹ (2,32%), Pháp (2,45%), Hà Lan (2,15%), Malaysia (2,45%), Úc (1,46%)…

Tổng thu từ khách du lịch đạt 10.917,697 tỷ đồng đạt 101,09% kế hoạch năm tăng 20,68% so cùng kỳ 2016.

Tự tin vươn xa

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) cũng đã nêu rõ: “Phát huy các tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh các biện pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, triển khai thực hiện tốt Đề án trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia; xây dựng và giữ vững thương hiệu quốc gia KDL Hàm Tiến – Mũi Né)”. Ngày 24/10/2016, Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020 với mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp; có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ và hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng và có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2020, Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia; Mũi Né là KDL quốc gia; từng bước xây dựng Phú Quý là điểm du lịch quốc gia, Phan Thiết thành đô thị du lịch, đón 7 triệu lượt khách, trong đó có 850.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân khách nội địa 10 – 12%/năm, khách quốc tế 12 – 14%/năm, đóng góp 10% GRDP của tỉnh.

Bên cạnh nỗ lực đầu tư đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang tính liên tỉnh, liên vùng, đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, Bình Thuận cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư du lịch; tăng cường quản lý về môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách… Bình Thuận tự tin hướng đến một một trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia vào năm 2020 và du lịch sẽ trở ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Với những bước tiến dài và bền vững, du lịch không chỉ trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Cùng với định hướng phát triển thị trường và tạo ra các sản phẩm du lịch biển mang tính liên kết, liên vùng Bình Thuận sẽ được ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch biển hấp dẫn. Bình Thuận sẽ là địa điểm để xây dựng Trung tâm du lịch – thể thao biển quốc gia và Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.

Phát huy những thành công đã đạt được trong thời gian qua, bước vào tuổi 22, du lịch Bình Thuận sẽ ưu tiên thực hiện 03 bước đột phá trong hoạt động thông tin xúc tiến quảng bá là: Tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước; Tăng cường công tác quảng bá, thông tin du lịch Bình Thuận; Duy trì hiệu quả công tác thông tin hỗ trợ du khách, tạo ấn tượng đẹp về điểm đến an toàn và chất lượng, góp phần phát triển bền vững, hình ành điểm đến Mũi Né –  Phan Thiết – Bình Thuận.

 
 

Cùng với những thuận lợi về giao thông đối ngoại dần hoàn thiện, tiếp tục đầu tư đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang tính liên tỉnh, liên vùng, Bình Thuận còn xây dựng cơ chế, chính sách đặc thủ để thu hút đầu tư du lịch mà còn nâng cao hiệu lục, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường quản lý về môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, hướng đến một khu du lịch trọng đểm, một trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia vào năm 2020, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.  

PV