Nỗ lực không ngừng trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…đã giúp Vĩnh Long thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn. Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm.
Đảm bảo các chỉ số kinh tế
Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 31.035 tỷ đồng, tăng 5,62% so với năm 2016. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp – thủy sản tăng 2,14%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,25%; giá trị các ngành dịch vụ tăng 6,54%. Sản xuất nông nghiệp từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp – thủy sản ước đạt 22.127 tỷ đồng, tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng khá (9,25% so với cùng kỳ). Nhiều ngành công nghiệp tiếp tục trên đà phục hồi và phát triển tích cực với mức sản xuất tăng cao so với cùng kỳ. Lĩnh vực thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 40.878 tỷ đồng, tăng 9,93% so với năm 2016; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 420 triệu USD, tăng 11,22% so với năm 2016; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 201 triệu USD, tăng 0,56% so năm 2016.
Năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tình hình thu hút đầu tư đạt được kết quả đáng khích lệ; công tác huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng được tập trung. Tổng vốn đầu tư phát toàn xã hội đạt 12.373 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Năm 2017, tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho 300 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 1.317 tỷ đồng; tăng 31 doanh nghiệp so với cùng kỳ; có 134 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký mới, tăng mạnh so với năm trước.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch vốn do Nhà nước địa phương quản lý thực hiện đạt 591 tỷ đồng, đạt 21,7% kế hoạch năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017. Có 03 dự án FDI được cấp phép mới với tổng số vốn đăng ký là 25,44 triệu USD (cùng kỳ năm 2017 không có dự án FDI được cấp phép mới, có 01 dự án đăng ký bổ sung vốn 61 triệu USD). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 126,4 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Vĩnh Long Trương Đặng Vĩnh Phúc, chủ trương chung của tỉnh là tập trung phát triển kinh tế, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và bắt kịp trình độ phát triển chung của cả nước; xây dựng Vĩnh Long phát triển theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Đặc biệt, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực; hình thành và phát triển rõ nét những ngành, sản phẩm mũi nhọn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô sản xuất hàng hóa lớn; phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nguyên liệu của ngành nông nghiệp – thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn.
Tiềm năng lớn cho phát triển công nghiệp chế biến
Mỗi năm, Vĩnh Long sản xuất 1 triệu tấn lúa, nửa triệu tấn trái cây và 200 ngàn tấn thủy sản. Đây là điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư quan tâm tới lĩnh vực chế biến nông sản. Sản xuất lúa ở Vĩnh Long hiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và chế biến. Vĩnh Long có diện tích trồng cây ăn trái lớn thứ 2 ở khu vực ĐBSCL và các vùng chuyên canh trái cây đặc sản được canh tác theo quy trình an toàn, chất lượng nổi tiếng như: bưởi năm roi, cam sành. Đây còn là địa phương có vùng nguyên liệu khoai lang lớn nhất cả nước với diện tích trồng hàng năm từ 10-12 ngàn ha. Bên cạnh đó, Vĩnh Long đã hình thành một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như giày da, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, dược phẩm, bia, thức ăn chăn nuôi…
Thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh với chủ đề: “Vĩnh Long – Chủ động hợp tác và phát triển” vừa qua, tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng; ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn hơn 13.000 tỷ đồng; trao hợp đồng tài trợ tín dụng của các Ngân hàng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Vĩnh Long cũng đã ký kết hợp tác triển khai Đề án “Liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng Sông Cửu Long” với 3 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang. Đề án nhằm đậy mạnh tiêu thụ nông sản, xúc tiến đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên môi trường, liên kết phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực…
Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc cho biết thêm: “Để thực hiện tốt phương hướng thu hút đầu tư đến năm 2020, tỉnh chú trọng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm khai thác thế mạnh nguồn tài nguyên sẵn có, kêu gọi đầu tư vào các dự án công nghiệp chế biến nông sản nhằm sử dụng nguồn nguyên liệu nông sản từ các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các nguồn nguyên liệu khác, thực hành tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và bảo vệ môi trường. Hiện Vĩnh Long tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chế biến nông sản, thương mại, dịch vụ, du lịch; các dự án hạ tầng công nghiệp…”
Từ đặc điểm tình hình của tỉnh, những hạn chế, khó khăn trong thời gian qua như chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tỉnh xác định, đến năm 2020, các khâu đột phá cần tập trung thực hiện: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính. Các gỉai pháp này nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiến tới phát triển nhanh hơn và kéo theo các tiểu vùng phát triển. Theo đó, Vĩnh Long đã ký kết chương trình hợp tác với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển của các địa phương. Đồng thời, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Anh Thi