Là một trong những vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hoá, lịch sử…đã khắc họa nên dấu ấn đặc sắc về đất và người Vĩnh Long, giúp Vĩnh Long nổi bật trong bức tranh phát triển năng động chung của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh
Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có
Nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, Vĩnh Long có khí hậu khá ôn hòa, thổ nhưỡng và đất đai màu mỡ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp với các loại nông sản chủ lực như lúa, trái cây đặc sản, hoa màu, cá tra thâm canh, thủy sản lồng bè, gia súc, gia cầm. Với diện tích lúa gần 60.000 ha, Vĩnh Long đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và chế biến.
Ngoài cây lúa, Vĩnh Long có diện tích cây ăn trái lớn thứ 2 khu vực ĐBSCL và thứ 4 cả nước với hơn 54.000 ha; các vùng chuyên canh trái cây đặc sản được canh tác theo quy trình an toàn, chất lượng như: vùng chuyên canh bưởi năm roi lớn nhất nước (thị xã Bình Minh, 7000ha); vùng chuyên canh cam sành (Huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm, 8.000ha); vùng nguyên liệu khoai lang lớn nhất cả nước với diện tích trồng hàng năm 10.000 – 12.000 ha.
Bên cạnh đó, Vĩnh Long còn có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch với những sản phẩm đặc trưng như du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, homestay, làng nghề truyền thống, du lịch danh nhân, di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng và tâm linh…
Với dân số hơn 1 triệu người, hơn 60% trong độ tuổi lao động, Vĩnh Long sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động. Hệ thống rộng lớn các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung học chuyên nghiệp…giúp Vĩnh Long có khả năng đào tạo và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Xác định lợi thế của mình, thời gian qua, Vĩnh Long ưu tiên mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, phân phối, chế biến nông sản, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp; văn hóa – du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng và hạ tầng đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại”.
Vĩnh Long hiện có 2 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với tổng diện tích trên 386 ha với tỉ lệ lắp đầy đạt 71%. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào 3 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch: KCN Đông Bình (thị xã Bình Minh, 350ha); KCN An Định (huyện Mang Thít, 200ha) ha và KCN Bình Tân (huyện Bình Tân, 400ha). Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã được phê duyệt quy hoạch. Với các khu và cụm công nghiệp sẵn có, Vĩnh Long đã sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và tin cậy
“Vĩnh Long luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; phấn đấu xây dựng Vĩnh Long trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của doanh nghiệp và nhà đầu tư”, Ông Nguyễn Văn Quang khẳng định.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ tìm thấy ở Vĩnh Long môi trường đầu tư – kinh doanh ổn định, thông thoáng, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý; cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời liên quan đến quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư và các số liệu cần thiết khác theo yêu cầu của nhà đầu tư trong phạm vi pháp luật cho phép…Sau lần thăng hạng ấn tượng trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, Vĩnh Long tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong năm 2017 với 66,07 điểm, xếp vị trí thứ 6 và nằm trong nhóm tốt của PCI 2017. Kết quả này cho thấy những nỗ lực không ngừng của Vĩnh Long trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh..đã được ghi nhận.
Trước đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh với chủ đề: “Vĩnh Long – chủ động hội nhập phát triển bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ kỳ vọng trong thập niên tới, Vĩnh Long sẽ trở thành một tỉnh phát triển năng động hàng đầu của cả nước, với quy mô nền kinh tế và thu nhập của người dân tăng gấp 4 lần; có mô hình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh và du lịch sinh thái. Đây là những thế mạnh riêng của Vĩnh Long mà không phải tỉnh nào cũng có.
Đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ cũng như niềm tin của nhà đầu tư, trong cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ quý I/2018 vừa qua, Ông Nguyễn Văn Quang lưu ý một số nội dung quan trọng, trong đó, tập trung thực hiện các Nghị quyết số 02 và 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, tổ chức đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vĩnh Long phải là tỉnh giàu, năng động của cả nước, một tỉnh phát triển bền vững thuộc nhóm đầu. Do đó, mục tiêu chiến lược hàng đầu của Vĩnh Long là phải phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về vốn và công nghệ, có tầm nhìn sáng suốt về tiềm năng và điều kiện độc đáo của Vĩnh Long để cùng hợp tác phát triển. Vì vậy, việc khơi dậy kinh tế tư nhân cần được đặt ra.
Theo nghị quyết của Tỉnh uỷ về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Vĩnh Long khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về số lượng, quy mô, chất lượng và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế địa phương. Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 4.200 doanh nghiệp; 5.700 doanh nghiệp vào năm 2025, và hơn 7.500 doanh nghiệp vào năm 2030. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư và 50 – 60% GRDP trên địa bàn tỉnh.
Hướng đến mục tiêu là tỉnh khá của ĐBSCL
Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về thực hiện các giải pháp phát triển bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Vĩnh Long, đưa tỉnh vào nhóm tăng trưởng khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020, nêu rõ: Vĩnh Long sẽ tập trung phát huy mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, tỉnh sẽ cơ cấu lại nền kinh tế hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế- xã hội Vĩnh Long đạt trình độ phát triển khá của vùng ĐBSCL. Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp quan trọng là về kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể, tỉnh sẽ kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh trên cơ sở tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật và từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Song song đó, tỉnh sẽ cơ cấu lại các ngành công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa chủ lực; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục cơ cấu lại đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính…
Tỉnh sẽ quan tâm phát triển hài hòa, bền vững giữa các địa phương; phát triển kinh tế đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới; kết nối thông suốt về kinh tế, xã hội và môi trường giữa thành thị và nông thôn; đô thị hóa nông thôn một cách hợp lý nhằm tạo sự phát triển bền vững ở cả nông thôn và thành thị. Theo định hướng đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực nhằm đưa thành phố Vĩnh Long đạt đô thị loại II, thị xã Bình Minh đạt đô thị loại III; thành lập thị trấn Tân Qưới, huyện Bình Tân; nâng cấp 4 xã của Tp. Vĩnh Long lên phường (Tân Hòa, Tân Hội, Trường An, Tân Ngãi)…