Trường Đại học Quy Nhơn là ngôi trường đầu tiên của Việt Nam, đã được Bộ GD&ĐT đưa vào nhóm 11 trường đào tạo sư phạm trọng điểm trên cả nước, được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục; xếp thứ 19 trong Top 100 trường đại học Việt Nam (theo xếp hạng của Webometrics). “Nơi đây mang trong mình một truyền thống hiếu học nối liền 2 thế kỷ (XX và XXI). Chúng tôi tự hào vì những hành trình mình đã đi qua. Và Nhà trường sẽ còn cố gắng hơn nữa vì mục tiêu trở thành Trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực trong thời gian sớm nhất” – PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ – Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn nhấn mạnh.
“Bài toán” phân công nguồn lao động
Tiền thân của Trường Đại học Quy Nhơn là Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, được thành lập năm 1977 với cơ sở vật chất tiếp quản từ Trường Sư phạm Quy Nhơn của chính quyền cũ trước đó. Ngày 30/10/2003, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn được đổi tên thành Trường Đại học Quy Nhơn. Qua 2 thế kỷ, Trường chẳng những không ngừng lớn mạnh tiếp cận trình độ quốc tế, mở rộng quy mô mà còn đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tỏa về mọi miền đất nước, cả với các tỉnh Nam Lào. “Nếu nói đâu là yếu tố để đơn vị đạt được thành công trên, thì đó chính là nhờ Ban lãnh đạo nhà trường đã mạnh dạn đầu tư một cách tổng lực, lấy yếu tố con người là trung tâm và từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học và nghiên cứu khoa học” – Ông Mỹ niềm nở nói. Được biết trong năm 2018 này, Nhà trường dự kiến sẽ mở thêm các ngành đào tạo mới như Đông phương học; Thống kê; Toán ứng dụng; Kỹ thuật phần mềm; Sinh học ứng dụng; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành giáo dục – đào tạo càng có tác động tích cực đến quá trình phát triển và thích ứng của nước nhà trong cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đứng trước thực trạng trên, Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang đẩy mạnh công cuộc hợp tác cùng phát triển. Nhờ vậy đơn vị đã được Hiệu trưởng các trường trên thế giới đánh giá là một trường công lập rất mạnh trong các ngành tự nhiên. Đặc biệt vừa qua, đơn vị đã ký bản kết giao cùng Trường Đại Học Ryukoku (ở Nhật Bản). Thông qua đó các em sinh viên của Trường sẽ được tạo điều kiện được trao đổi văn hóa, học thuật với nước bạn (đặc biệt có nguyện vọng được hợp tác trao đổi sinh viên trong các ngành tự nhiên, nông học, hóa học, kỹ thuật…). Cùng với nhu cầu thực tế là các doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án đầu tư tại tỉnh Bình Định thì việc Đại học Quy Nhơn thực hiện đào tạo tiếng Nhật, cung cấp nguồn nhân lực đạt chuẩn yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư FDI từ phía Nhật Bản.
“Trường đã và đang lớn mạnh từng ngày, cả về quy mô, lĩnh vực đào tạo lẫn trình độ và chất lượng đào tạo, cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, viên chức… Đây là vinh dự lớn lao, góp phần làm rạng rỡ truyền thống hiếu học của người dân tỉnh Bình Định” – Ông Mỹ nói. Quả thực, thành công này không thể không kể đến đội ngũ cán bộ, luôn nêu cao tinh thần “vì sự nghiệp trồng người”; khi vừa qua, theo bình chọn của tạp chí Asian Scientist (Singapore), Việt Nam có hai nhà khoa học lọt vào danh sách 100 nhà nghiên cứu hàng đầu châu Á năm 2018, trong đó có PGS.TS Nguyễn Sum (ở lĩnh vực Toán học), thuộc trường ĐH Quy Nhơn. Đây chính là động lực lớn lao, là cơ sở để cá nhân cũng như tập thể đơn vị tự hào và tiếp tục phát huy nền giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
“Nguyên liệu dồi dào” cho nước nhà
Nhu cầu nguồn lao động chất lượng ngày càng đi lên theo chiều tiên tiến với sự phát triển của nước nhà và thế giới, đòi hỏi Trường Đại học Quy Nhơn phải không ngừng nỗ lực, tạo nên cú bức phá ngoạn mục. Bởi thế, đơn vị cũng đã đề ra mục tiêu tiên quyết là sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ là hoàn thiện Đề án quy hoạch phát triển tổng thể Trường Đại học Quy Nhơn giai đoạn 2016-2020, triển khai các lĩnh vực hoạt động mới (như công nghệ phần mềm, dịch vụ du lịch, kinh tế biển, khoa học sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao…). Song song với công tác đáp ứng các nội dung tự chủ về cơ cấu tổ chức, tự chủ về chuyên môn, tự chủ về tài chính; Trường cũng sẽ thực hiện công tác đào tạo tín chỉ – Đây là một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.
Ông Mỹ cũng chia sẻ thêm “Trong hành trình đó, chúng tôi không thể lơ là công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, chuyên viên, quản lý. Cũng như có những chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài. Đơn vị cũng sẽ luôn cố gắng đề xuất chiến lược phù hợp tình hình– đồng thời tạo sự đồng thuận nhịp nhàng với chính quyền địa phương. Làm tốt công tác đào tào, phát triển hài hòa giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ hoạt động của nhà trường với nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Vì mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2030, Đại học Quy Nhơn sẽ là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực định hướng ứng dụng có uy tín cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng của khu vực Đông Nam Á; có vị thế quan trọng về hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi học thuật, giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế”
Bước vào giai đoạn mới với những thách thức và cơ hội mới, Trường sẽ quyết tâm phấn đấu vượt qua những khó khăn, trở ngại, tiếp tục xây dựng và phát triển bền vững. Song để đạt được những mục tiêu đã đề ra, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên toàn trường cũng sẽ luôn giữ gìn đoàn kết, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, huy động trí tuệ, khơi nguồn sáng tạo, chủ động và mạnh mẽ hơn trong sự nghiệp đổi mới; quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi, xứng đáng danh xưng “Đất võ trời văn” của quê nhà./.
Minh Kiệt