Từ lâu Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã là điểm sáng trong thực hiện mô hình rừng gỗ lớn. Phải nói, trong hành trình phát triển đó, đơn vị đã luôn chú trọng vào các giá trị rừng – giá trị doanh nghiệp – giá trị ngành nguyên liệu nhằm khẳng định vị thế trong Ngành. Tất cả hướng đến mục tiêu đẩy nhanh và mở rộng phạm vi sản xuất; đưa ngành Lâm nghiệp phát triển trong công cuộc trồng rừng, cũng như góp phần tích cực đến phát triển nông thôn nói chung và miền núi nói riêng.
Tận dụng tối đa
Tọa lạc ngay tại địa bàn Thành phố Quy Nhơn, Công ty TNHH Lâm Nghiệp Quy Nhơn là đơn vị sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp có nhiều thuận lợi trong việc trao đổi, giao dịch và mua bán giống cây trồng lâm nghiệp dưới sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, Công ty còn chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng; chế biến gỗ và lâm sản khác; sản xuất, chế biến và mua, bán hàng nông, thủy sản; kinh doanh giống cây trồng và cây, hoa cảnh; dịch vụ nông lâm, ngư, công nghiệp. Cùng nhiệm vụ công ích thực hiện dự án “Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020” ở TP.Quy Nhơn.
Nhớ lại những ngày đầu đi vào hoạt động, ông Trần Nguyên Tú – Chủ tịch Hội đồng quảng trị, Giám đốc Công Ty TNHH Lâm Nghiệp Quy Nhơn nói “Năm 1977, Lâm trường Quy Nhơn được thành lập theo Quyết định số 1445/QĐ-TC hoạt động trên địa bàn thị xã Quy Nhơn. Năm 1986, thực hiện Quyết định số 348/QĐ-TC UBND tỉnh Nghĩa Bình sát nhập hai Lâm trường Phước Vân và Lâm trường Quy Nhơn lấy tên thành Lâm trường Quy Nhơn. Qua nhiều lần chuyển đổi, hơn 40 năm hoạt động, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn là cái tên hiện hữu. Đến nay doanh thu đơn vị đạt trên 50 tỷ đồng/năm và đang quản lý hơn 9.300ha rừng (gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất)”
Hiện đơn vị đã có trên 500ha rừng gỗ lớn và định hướng đến năm 2020 Công ty sẽ phát triển khoảng 800 – 1000ha cây gỗ lớn, trong đó có 200ha rừng chuyển hóa. Với diện tích rừng đang nắm giữ, việc PCCCR được xem là “bản lề” cho sự phát triển ổn định của đơn vị. Bởi thế, ngoài việc đầu tư về con người – phương tiện – lực lượng tại chỗ, mỗi năm doanh nghiệp cũng đầu tư 200 -300 triệu đồng cho công tác PCCCR. Trong 3 năm gần đây đơn vị không để xảy ra cháy rừng làm thiệt hại đến rừng trồng. Đặc biệt, trong năm 2016 và 2017 Công ty đã triển khai hiệu quả sáng kiến mô hình thí điểm cộng đồng tham gia PCCCR tại núi Bà Hỏa – Đây là Mô hình được các cấp, ban ngành đánh giá cao và đã được UBND Tỉnh Bình Định công nhận là Sáng kiến cấp Tỉnh. Cũng trong năm 2017 vừa qua, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo mô hình, đơn vị đã tổ chức 8 buổi tập huấn cho gần 300 người dân, cấp phát 100 cuốn sổ tay tuyên truyền công tác PCCCR.
Ngoài việc làm tốt các kế hoạch chỉ tiêu do Nhà nước và đơn vị đề ra, Công ty còn áp dụng nhiều biện pháp tổ chức đúng đắn. Đơn vị đã cho sản xuất giống cây con nhằm chủ yếu tự cung ứng trồng rừng cho quỹ đất mà Công ty đang quản lý. Không chỉ đáp ứng đủ giống cây con cho mình, doanh nghiệp còn có khả năng cung ứng cho các khách hàng bên ngoài. Điều đáng tự hào khi doanh nghiệp đã được đối tác Hecwin.com đánh giá có mô hình thành công trong việc quản lý và thực hiện, cần nhân rộng cho các đơn vị tư nhân phải hướng đến. Với hệ thống quản lý áp dụng ứng dụng công nghệ sinh học và sản xuất cho 2 loài cây Keo lai mô và Bạch đàn mô; hàng năm sản xuất ra trên 1 triệu cây con nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng.
Không quản ngại khó khăn, gian khổ, miệt mài với sự nghiệp gìn giữ bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý giá, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã trở thành điểm sáng của ngành Lâm nghiệp đất nước. Đơn vị đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2014); được UBND Bình Định công nhận là 1 trong 14 Doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh (năm 2016); tặng Cờ thi đua năm 2013, 2016 và Bằng khen năm 2015, 2016, 2017. Đặc biệt, hai năm liền 2016, 2017, Công ty vinh dự được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Mối quan hệ hữu cơ
Dưới sự lãnh đạo của ông Trần Nguyên Tú, nhiều chủ trương mới đã được đề ra. Trong đó đơn vị đặc biệt quan tâm vào phát triển du lịch trong dự án rừng môi trường cảnh quan. Cụ thể địa danh núi Bà Hỏa đã dần thu hút người dân đến đây khám phá. Song, đi liền với sự phát triển đáng kỳ vọng trên, thì công tác PCCCR phải được thực thi hiệu quả và thường xuyên nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng cháy rừng trên địa bàn cũng như núi Bà Hỏa. Song song với đó, việc tái cơ cấu ngành NN, dần chuyển giống CNC sẽ là yếu tố quan trọng không kém. Như ông Tú cho biết, dự tính đơn vị sẽ đầu tư nhà máy chế biến gỗ, để dần nâng cao phát triển ngành gỗ, cũng như hình thành chuỗi hành trình sản xuất hiệu quả là gỗ – cây giống – trồng rừng – gỗ cây lớn.
Nhiều năm gần đây giá gỗ rừng trồng luôn ổn định ở mức 1,2 triệu đồng/tấn, người trồng rừng có lãi. Đặc biệt Bình Định lại là địa phương đang dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung Bộ trong phong trào trồng rừng. Song, một thực tế đáng buồn khi người trồng rừng lại thường “ăn non”, nghĩa là rừng vừa khoảng 4-5 tuổi đã vội đốn bán, mà không khai thác hết tiềm năng đó. Để phát triển bền vững, người trồng rừng đang hướng đến chuyện “nuôi” rừng để khai thác cây gỗ lớn, nhằm tăng hiệu quả kinh tế. “Theo đó, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào thực hiện cơ giới hóa, nâng cao chất lượng cây giống, có chính sách kịp thời đảm bảo tình hình hoạt động vai trò của rừng. Đặc biệt là triển khai xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Hướng đến khai thác hiệu quả đất đai, nguồn lao động, thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững” – Ông Tú nhấn mạnh./.
Minh Kiệt