Đồng Nai xác định nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ là khâu trọng yếu trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp.
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN liên quan đến công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Theo ông, đâu là lợi thế và tiềm năng phát triển nông nghiệp của Đồng Nai?
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có khí hậu ôn hoà, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, thổ nhưỡng đa dạng phù hợp phát triển các loại cây ăn trái và vật nuôi.
Ngoài ra, tỉnh có hệ thống giao thông thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hoá, nằm kề bên Tp.HCM – một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn. Bên cạnh đó, tỉnh có ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển, có sự gắn kết cao giữa hoạt động chế biến và vùng nguyên liệu.
Ông vui lòng cho biết một số thành tựu phát triển nông nghiệp của tỉnh trong những năm gần đây?
Giá trị sản xuất nông nghiệp (SXNN) bình quân của tỉnh luôn cao hơn mức trung bình của cả nước khoảng 1% hàng năm.
Cụ thể, giá trị SXNN đến năm 2017 đạt 31.187 tỷ đồng, tăng 3,15% so với năm 2016. Trong đó, chăn nuôi đạt mức cao nhất (19.648 tỷ đồng), kế đến là trồng trọt (14.424 tỷ đồng), thuỷ sản (1.896 tỷ đồng), lâm nghiệp (266 tỷ đồng). Gía trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt 117 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 47,62 triệu đồng/người/năm.
Tỉnh đã hình thành các khu sản xuất tập trung như: 44.000 ha cao su, 34.000 ha điều, 19.000 ha cà phê, 9.000 ha tiêu, 10.000 ha chôm chôm, 10.000 ha xoài và gần 3.000 ha sầu riêng.
Đồng Nai cũng đứng đầu cả nước về số lượng trang trại (3.830 trang trại), giá trị mang lại từ các trang trại nông – lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 16.000 tỷ đồng năm 2017 (doanh thu 4,2 tỷ đồng/trang trại) chiếm 43% GDP ngành nông nghiệp.
Về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tỉnh có 18 dự án được phê duyệt với tổng diện tích 6.104,3 ha với 5.244 hộ; 4 dự án đã được tổ chức thẩm định (2.564 ha và 883 hộ); 11 dự án được chấp thuận chủ trương (1.139,5 ha và 860 hộ).
Ngoài ra, tỉnh có 21 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 22 tổ hợp tác và 80 trang trại thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với 47 chuỗi liên kết tiêu thụ trên quy mô 721 hộ dân. Kết quả thu được sau 3 năm thực hiện là 43.902 tấn sản phẩm được tiêu thụ, góp phần đảm bảo đầu ra cho 4.952 hộ nông dân.
Theo ông, đâu là vai trò và tầm quan trọng của công tác tái cơ cấu nông nghiệp, kết quả tỉnh thu được sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp là gì?
Công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Đồng Nai, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi tình hình khí hậu diễn biến phức tạp.
Nông nghiệp của tỉnh tuy có phát triển nhưng chưa bền vững, thu nhập của người nông dân chưa cao. Ngoài ra, chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch chưa phát triển mạnh; thị trường tiêu thụ và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa ổn định; công tác xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế. Trong khi đó, năng lực của các HTX nông nghiệp còn hạn chế, chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp còn chịu tác động của biến đổi khí hậu…
Sau gần 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Nai cũng đã đạt được một số kết quả cụ thể: tốc độ tăng trưởng giá trị SXNN bình quân hàng năm đạt từ 3,5-4%; hình thành các vùng chuyên canh và chăn nuôi tập trung với giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương; kinh tế trang trại tiếp tục phát triển cùng với việc xây dựng các dự án cánh đồng mẫu lớn…
Về sản phẩm chủ lực, Đồng Nai đã đầu tư và phát triển nhóm sản phẩm cụ thể nào?
Về chăn nuôi, hiện tỉnh đã xác định 2 sản phẩm chủ lực là heo và gà. Đối với ngành trồng trọt, Đồng Nai tập trung phát triển cây bắp, rau ăn lá, cà phê, cao su cùng các loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, bưởi, chôm chôm; phát triển các loại cây công nghiệp như tiêu, điều, cà phê, cao su.
Về thuỷ sản, tỉnh phát triển các loại thuỷ sản nước ngọt như cá lóc, cá rô, cá chép, cá lăng và các loại thuỷ sản nước lợ như tôm thẻ.
Đồng Nai đã xác định thúc đẩy khoa học công nghệ và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất.
Cụ thể, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống trên diện tích 33.000 ha cây trồng lâu năm, nhân rộng 52 mô hình sản xuất hiệu quả trên diện tích 19.641 ha cây ăn trái như sầu riêng, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ; triển khai biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nhằm giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường…
Tỉnh đã xây dựng vùng áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cùng các chứng nhận tương đương như VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm. Tổng diện tích đạt chứng nhận GAP đến cuối năm 2017 là 339,28ha.
Bên cạnh đó, Đồng Nai thực hiện xây dựng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) rộng khắp trên địa bàn nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch.
Hướng tới nắm bắt cơ hội và ứng phó biến đổi khí hậu, Đồng Nai sẽ tập trung vào những trọng tâm nào trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp?
Xét điều kiện cụ thể, Đồng Nai xem tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm là khâu trọng yếu, có ý nghĩa cách mạng trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Việc này giúp nâng cao giá trị sản xuất của ngành, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn với chất lượng cao hơn. Tất cả biện pháp trên nhằm đưa ngành nông nghiệp Đồng Nai vào quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Châu – Kiệt