Với quy mô dân số ngày càng đông, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, Đồng Nai hướng tới mở rộng mạng lưới dịch vụ và khuyến khích xã hội hoá y tế.
Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Văn hoá Doanh nhân đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ.
Đồng Nai có giải pháp tăng cường nguồn nhân lực như thế nào nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng mạng lưới dịch vụ y tế?
Nguồn nhân lực có vai trò quyết định đối với ngành y tế nói chung và của Đồng Nai nói riêng, tỉnh đã ban hành kế hoạch số 1386/KH-SYT ngày 18/4/2017 nhằm triển khai thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Y tế.
Cụ thể, kế hoạch tập trung vào ba nhóm: cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn nghiệp vụ; chăm sóc điều dưỡng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đề ra một số giải pháp như:
– Cử cán bộ (trình độ CKI, CKII, khoa lâm sàn và cận lâm sàn) đi đào tạo, phối hợp với các trường ĐH Y dược mở lớp đào tạo ĐH và sau ĐH.
– Đào tạo liên thông ĐH Y dược: liên kết đào tạo cử nhân điều dưỡng các cấp, cử viên chức làm việc tại các cơ sở y tế địa phương.
– Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 21/2014/HĐND tỉnh về đào tạo sinh viên ĐH y, dược chính quy giai đoạn 2014-2020.
– Liên kết với các trường, viện, trong khu vực Đông Nam Á, châu Á đào tạo bác sĩ, kỹ thuật viên, tổ chức cán bộ tham gia các khoá đào tạo ở nước ngoài.
– Tăng cường kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng tin học và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ y tế.
Ngành Y tế Đồng Nai có những bước đi cụ thể nào nhằm nâng cao y đức và tay nghề của đội ngũ ngành y?
Đứng trước trách nhiệm nâng cao y đức từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, ngành Y tế Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đội ngũ ngành y thông qua các hoạt động như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về y đức; nâng cao thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp và ứng xử; đẩy mạnh công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính, duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý, nâng cao hiệu quả bộ phận tiếp dân, tăng cường kiểm gia và giám sát, đơn giản hoá thủ tục hành chính; chống quá tải bệnh viện, nâng cao hiệu quả bệnh viện vệ tinh; thực hiện quy chế dân chủ, chăm lo đời sống (vật chất và tinh thần) cho cán bộ viên chức, tiết kiệm và công khai minh bạch tài chính; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu.
Công tác xã hội hoá y tế được Đồng Nai triển khai như thế nào nhằm mở rộng mạng lưới y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân?
Các chính sách từ Trung ương và của tỉnh đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư vào công tác cung ứng dịch vụ y tế. Cơ sở vật chất và thiết bị y tế đã được tăng cường đáng kể, nhiều kỹ thuật cao và loại hình dịch vụ y tế đã được triển khai.
Ngoài ra, hệ thống y tế tư nhân cùng với y tế nhà nước đã hình thành mạng lưới y tế rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa. Các phòng khám đa khoa và bệnh viện tư nhân đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ. Công tác xã hội hoá y tế đã giúp giảm thời gian và chi phí cho người bệnh, tăng khả năng tiếp cận kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị…
Sở Y tế đã triển khai cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cả trong và ngoài công lập, phối hợp với các ngành liên quan triển khai quy định miễn giảm tiền sử dụng và thuê đất cho các cơ sở thực hiện xã hội hoá tại Đồng Nai theo nghị định 69 của chính phủ; tuyên truyền và công khai hoá thông tin về xã hội hoá; mở lớp tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề y; kêu gọi đầu tư nước ngoài vào dự án bệnh viện đa khoa kỹ thuật cao tại huyện Long Thành; đưa vào hoạt động bệnh viện đa khoa Đồng Nai (quy mô 1.400 giường) trong đó có 700 giường xã hội hoá; đầu tư mở rộng dịch vụ y tế bệnh viện Nhi Đồng; phát triển dịch vụ xã hội hoá tại bệnh viện đa khoa Thống Nhất và bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.
Công tác xã hội hoá đã giúp nâng tỷ lệ giường bệnh xã hội hoá tại địa phương; triển khai 7.985 giường bệnh nội trú (27,9 giường/vạn dân); 6.475 giường bệnh y tế công lập (21,5 giường/vạn dân); 1.860 giường bệnh tư nhân (6,0 giường/vạn dân).
Đến nay, Đồng Nai có trên 3.120 cơ sở hành nghề dược tư nhân gồm 06 bệnh viện tư nhân, 46 phòng khám đa khoa, 700 phòng phám chuyên khoa, 02 phòng bác sĩ gia đình, 110 phòng chẩn đoán y học cổ truyền, 01 phòng hộ sinh, 20 cơ sở chẩn đoán hình ảnh, 80 cơ sở dịch vị y tế, 75 cơ sở dịch vụ răng giả, 10 dịch vụ kính thuốc, 05 phòng khám nhân đạo, 20 điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ và 2.210 cơ sở kinh doanh dược. Nhiều cơ sở y tế đã được đầu tư thiết bị bằng nguồn vốn xã hội. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở y tế công lập đã huy động hơn 200 tỷ đồng mua sắm thiết bị y tế kỹ thuật cao giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác xã hội hoá y tế còn gặp một số khó khăn như thiếu bác sỹ và đội ngũ chuyên gia, chảy máu chất xám từ hệ thống công lập sang tư nhân, thiếu phòng khám cho người lao động tại các khu công nghiệp; công tác triển khai các dự án bệnh viện tư nhân chỉ tập trung tại Tp. Biên Hoà, các Huyện thị chưa có bệnh viện tư nhân; các dự án bệnh viện ngoài công lập triển khai chậm…
Ngoài ra, các dự án xã hội hoá cũng gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư do chưa đáp ứng các tiêu chí về quy mô, tiểu chuẩn để được hưởng chính sách ưu đãi xã hội hoá. Trong khi đó, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ…
Đâu là những nhiệm vụ ưu tiên của Đồng Nai nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng trong thời gian tới?
Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp theo tiêu chí đề ra đến 2025 và 2030 như: cũng cố và phát triển hệ thống y tế cơ sở; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, nâng cao thái độ phục vụ của cán bộ y tế; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, nâng cao kiến thức y tế; tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế; cải cách thủ tục hành chính; tuyên tuyền chính sách và pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; thúc đẩy phát triển xã hội hoá y tế, đảm bảo 100% trạm y tế có bác sĩ, mở rộng các hình thức liên kết đào tạo cán bộ y tế…
Bảo Châu