Dù có lợi thế về phát triển các loại hình du lịch như nông nghiệp, sông nước miệt vườn, văn hoá, tâm linh…nhưng hạ tầng du lịch Hậu Giang vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hậu Giang Nguyễn Duy Tân chia sẽ với Tạp chí VHDN về những hạn chế tồn tại cũng như giải pháp thu hút đầu tư vào du lịch. Khánh Thi thực hiện.
Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển ngành du lịch Hậu Giang trong thời gian qua?
Có thể nói du lịch Hậu Giang phát triển theo đúng định hướng của Nghị quyết số 09-NQ/TU của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Qua 4 năm thực hiện, du lịch Hậu Giang có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hạ tầng du lịch đã được chú trọng đầu tư, nhiều điểm tham quan du lịch được đưa vào khai thác, lượng khách đến Hậu Giang ngày một gia tăng.
Theo ông, đâu là hạn chế của tỉnh trong công tác thúc đẩy phát triển du lịch?
Điểm hạn chế của tỉnh hiện nay là hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Tỉnh chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù mang bản sắc riêng.
Do xuất phát điểm thấp, kinh tế – xã hội còn khó khăn nên công tác đầu tư hạ tầng du lịch chưa được đầu tư nhiều, hệ thống giao thông vào các khu du lịch chưa thuận tiện, các khu vui chơi giải trí chỉ mang tính tổng hợp và quy mô nhỏ, chưa có khách sạn 3 sao trở lên. Điều này phần nào gây trở ngại cho công tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Ngoài ra, Hậu Giang chưa hình thành được công ty du lịch đầu mối để liên kết với các công ty du lịch đưa khách về Hậu Giang. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, cơ sở kinh doanh du lịch quy mô nhỏ. Tỉnh cũng chưa hình thành được khu du lịch có hoạt động vui chơi giải trí về đêm, đầu tư xã hội vào dịch vụ du dịch vẫn còn thấp…
Sở VH-TT-DL có những hoạt động cụ thể nào nhằm quảng bá và thu hút du khách?
Chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiên văn hoá, thể thao và du lịch quy mô lớn nhằm quảng bá hình ảnh Hậu Giang đến du khách trong và ngoài nước: lễ hội lúa gạo (2009), giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV-Bình Điền (2012), ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần VI và diễn đàn họp tác kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long-MDEC Hậu Giang (2014 và 2016)…
Là tỉnh thuần nông với nhiều lọai trái cây và nguồn thuỷ sản, giàu truyền thống cách mạng, Hậu Giang xác định sản phẩm du lịch chủ lực là du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch sông nước miệt vườn, du lịch văn hoá và tâm linh, phát huy các di tích lịch sử văn hoá gắn với du lịch. Hiện tỉnh đã hình thành một số di tích và khu du lịch tiêu biểu như: di tích Chiến thắng Chương Thiện, Đền thờ Bác Hồ, khu trù mật Vị Thanh-Hoà Lựu, Thiền viện Trúc Lâm-Hậu Giang, Chợ nổi Ngã Bảy, các làng nghề truyền thống cũng như nghệ thuật đờn ca tài tử…
Xin ông cho biết một số dự án du lịch mà Hậu Giang đang triển khai thực hiện trên địa bàn?
Hiện Hậu Giang đã và đang triển khai đầu tư một số khu du lịch (KDL) trọng tâm bao gồm: KHL sinh thái tại Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân (130ha); KDL sinh thái rừng tràm Vị Thuỷ đã hoàn thành hạng mục vườn cây ăn trái (13ha), vườn chim nhân tạo (4,9ha), khu nuôi các loại động vật hoang dã và thuỷ sản (11ha), dự kiến đầu năm 2020 sẽ đưa vào khai thác; dự án khai thác địa điểm Cây Lộc Vừng (đưa vào khai tháng tháng 4/2017); dự án bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy (dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2018)
Ngoài ra, Hậu Giang đã đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất cho tỉnh tham gia dự án phát triển hạ tầng du lịch do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ với 03 tiểu dự án bao gồm: xây dựng và vận hành Trung tâm giao lưu văn hoá, thông tin, tư vấn du lịch Hậu Giang (Tp. Vị Thanh); nâng cấp, mở rộng đường vào khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (H.Phụng Hiệp); dự án đường vào Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân.