Tính đến ngày 22/12/2018, Tổng công ty 28 đã hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 trên cả ba lĩnh vực: dệt may, xăng dầu và bất động sản với doanh thu hơn 4.700 tỷ đồng .
Ông Nguyễn Văn Cần – Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển
Dệt may – lĩnh vực kinh doanh cốt lõi
Được thành lập vào tháng 5 năm 1975, từ tiếp quản xưởng may của quân đội chế độ cũ và chỉ tập trung may hàng quân trang phục vụ cho quân đội. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, đơn vị đã liên tục nâng cấp, thay đổi, mở rộng lĩnh vực hoạt động sang may xuất khẩu, thu ngoại tệ góp phần phát triển đất nước. Để tiếp tục phát huy thế mạnh và làm chủ nguyên phụ liệu đầu vào cho ngành may truyền thống của mình Tổng Công ty 28 đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền kéo sợi, dệt – nhuộm, hoàn tất vải hiện đại, đồng bộ của châu Âu… khép kín quy trình sản xuất dệt – may – phân phối sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Cũng trong thời gian này, Tổng công ty đã mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và bất động sản nhằm phát triển Tổng công ty theo hướng đa ngành nghề.
Tính đến trước ngày 22/12/2018, Tổng công ty 28 đạt doanh thu hơn 4.700 tỷ đồng, lợi nhuận 150 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 200 tỷ, đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, riêng doanh thu từ lĩnh vực dệt may đạt 2.700 tỷ và hơn 80% là từ xuất khẩu sợi, vải, trang phục sang thị trường EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Ở thị trường nội địa, thương hiệu thời trang nam Belluni của Tổng công ty 28 đã mở rộng mạng lưới với gần 100 cửa hàng tại các trung tâm mua sắm sầm uất, các đô thị lớn trên toàn quốc với lượng tiêu thụ hơn 500,000 sản phẩm và đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng trong năm 2018.
Thương hiệu thời trang cao cấp Blluni của Tổng công ty 28 đã vinh dự được bình chọn và nằm trong top 10 sản phẩm “Tin và Dùng Việt Nam”, Top 50 “nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam, sản phẩm vàng và dịch vụ vàng Việt Nam”.
Thành công của Tổng công ty 28 không chỉ đóng góp vào mục tiêu kim ngạnh xuất khẩu 35 tỷ USD của ngành dệt may Việt Nam năm 2018, mà còn tạo việc làm ổn định cho hơn 5,000 lao động với thu nhập bình quân gần 10 triệu VND/người/tháng.
Đón đầu cơ hội từ các FTA
Nhận định về cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Eu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Ông Nguyễn Văn Cần – Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển của Tổng Công ty 28 cho rằng các hiệp định này một mặt tạo ra thời cơ mở rộng thị trường cho các sản phẩm Việt Nam, thu hút được lao động có tay nghề cao cũng như nguồn vốn và công nghệ hiện đại cho các doanh nghiệp, mặt khác cơ, chế, chính sách của Nhà nước cũng thông thoáng hơn và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Cần, các hiệp định thương mại này cũng đồng nghĩa Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hoá của nước ngoài, cạnh tranh trong nước sẽ quyết liệt hơn và thị phần có thể bị thu hẹp. Vì thế, doanh nghiệp trong nước cũng cần phải xác định các quyết sách để đối phó với những thách thức và tận dụng tốt các cơ hội.
Về đối sách, để được hưởng lợi về giảm thuế suất theo CPTPP và VEAFTA với yêu cầu xuất xứ từ sợi hoặc từ vải, ngay từ năm 2014, Tổng Công ty 28 đã chủ động hợp tác với đối tác nước ngoài để liên kết sản xuất sợi, vải chất lượng cao để may hàng xuất khẩu. Một phần sản xuất vải xuất khẩu sang thị trường Nhật, phần khác cung cấp vải cho các doanh nghiệp may khác trong nước sản xuất hàng thời trang xuất sang thị trường Nhật cũng như các thị trường khác.
Cải cách toàn diện
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dệt may vẫn được xác định là một trong những ngành xuất khẩu lớn thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, ngoài hỗ trợ từ phía Nhà nước, Tổng công ty 28 cũng nhận thức được các thách thức và cơ hội của mình đồng thời quan tâm đặc biệt đến công tác tự sắp xếp, đổi mới, có tầm nhìn và phương án riêng để tận dụng được các cơ hội cũng như tránh được các thách thức.
Cụ thể, theo ông Cần, Tổng công ty 28 đã bắt tay xây dựng chiến lược phát triển toàn diện Tổng công ty giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, phát huy truyền thống 43 năm xây dựng và phát triển, dệt may vẫn là lĩnh vực kinh doanh nền tảng cốt lõi, phát triển kinh doanh xăng dầu và bất động sản là 2 lĩnh vực hỗ trợ. Năm 2019, Tổng công ty 28 sẽ tiến hành tái cơ cấu tòan diện về tổ chức, nhân lực, công tác quản trị, xác định lại sản phẩm chủ lực và thị trường mục tiêu.
Bên cạnh đó, để đón đầu cơ hội từ các FTAs thế hệ mới và tiếp tục phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên kinh tế số, Tổng công ty 28 sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa cao, thông minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (cả đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân viên trực tiếp sản xuất) đồng thời mở rộng mạng lưới kinh doanh cả thị trường trong và ngoài nước.
Lê Phương