Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam cho biết như trên trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân, Võ Kiệt thực hiện.
Ông vui lòng cho biết hiệu quả trong công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Nam nhằm hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh khá trên cả nước?
Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Nam có diễn biến tích cực. Cụ thể, trong năm 2017, tỷ trọng khu vực nông, lâm và thủy sản trong GRDP chỉ còn chiếm 11,63%; công nghiệp và xây dựng chiếm 35,8% (công nghiệp chiếm 29,65%), dịch vụ chiếm 33,68%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Một số ngành công nghiệp có năng lực mới tăng như sản xuất đồ uống, sản xuất điện… góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, số lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ ngày càng tăng, thu nhập cho người lao động tăng lên, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, từng bước đưa Quảng Nam trở thành tỉnh khá trong cả nước và sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra.
Đâu là kết quả của Quảng Nam trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, thưa ông?
Công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 có nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, trong năm 2017 các KCN đã thu hút được 29 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD (07 dự án đầu tư nước ngoài). Hoạt động thu hút vốn đầu tư năm 2018 cũng đang cho thấy những tín hiệu khả quan. Từ đầu năm đến nay, các KCN đã thu hút được 15 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1.506,139 tỷ đồng tương đương 66,35 triệu USD (06 dự án FDI và 07 dự án trong nước; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 02 dự án).
Kết quả này cho thấy hiệu quả tích cực của việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác thu hút vốn đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế – xã hội.
Những kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong 2 năm 2016-2017 cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển vùng Đông với các nhóm dự án trọng điểm như Khu đô thị, du lịch Nam Hội An, dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ, dự án khí – năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí…sẽ là động lực, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Quảng Nam có quyết sách như thế nào nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2018?
Năm 2017, Quảng Nam vươn lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm 2016 và năm thứ 3 liên tiếp tỉnh nằm trong top 10. Kết quả cho thấy cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đánh giá cao nổ lực của chính quyền trong năm 2017, tâm lý lạc quan của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh cũng như môi trường kinh doanh tại Quảng Nam.
Trong năm 2018, chúng tôi tiếp tục có những quyết sách cụ thể như sau:
Một là, bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cũng như tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Hai là, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn; tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức triển khai Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp tại các Trung tâm hành chính công (HCC) cấp tỉnh và cấp huyện; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm HCC và xúc tiến đầu tư tỉnh.
Ba là, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước cho các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, một cửa liên thông, nhất là các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, lao động; đẩy mạnh cải cách TTHC, giảm thủ tục, thời gian và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2018 có 90% TTHC được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm HCC và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp, 70% TTHC được giải quyết ngay tại Trung tâm HCC, 95% thủ tục được giải quyết đúng và trước hạn, có 30% TTHC được giải quyết ở mức độ 3,4 và gia tăng tỷ lệ người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử, kết nối liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã một cửa điện tử…
Bốn là, tăng cường các kênh tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp trên từng lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất sạch theo từng giai đoạn cho các nhà đầu tư; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp được tiếp cận với các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của từng ngành, từng địa phương; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, tham dự hội chợ, giới thiệu bán sản phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường trong và ngoài nước; phổ biến kiến thức cho DN để nâng cao năng lực canh tranh của DN trong tỉnh so với địa phương khác: về hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết của Việt Nam với WTO, các hiệp định FTA (ASEAN, ASEAN+, CPTPP, Liên minh hải quan…).
Năm là, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam (DDCI), nhằm tạo động lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị, địa phương, góp phần vào việc nâng cao PCI của tỉnh.
Bảo Minh Quân