Ngày 26-3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng. Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí đã thông tin cho báo chí nội dung liên quan đến sự việc mà trước đó, Báo Lao Động ngày 20-3 đã phản ánh tại chùa Ba Vàng xuất hiện tình trạng truyền bá vong báo oán, mỗi năm thu hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, TP Uông Bí và các sở, ban, ngành của tỉnh đã khẩn trương tiến hành xác minh các nội dung được phản ánh trên Báo Lao Động. Để làm rõ sự việc tại chùa Ba Vàng, thành phố Uông Bí có công văn: 646/UBND, ngày 20/3/2019, gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đề nghị trao đổi bốn nội dung về hoạt động của chùa Ba Vàng. Đó là: Ý kiến của Ban Trị sự về hoạt động “thỉnh vong” và “cúng oan gia trái chủ” có phù hợp với truyền thống của Phật giáo hay không? Hoạt động của phật tử Phạm Thị Yến có phù hợp với hiến chương và nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội hay không? Nghi thức “thỉnh vong” và “cúng oan gia trái chủ” có phải là giáo lý của Phật giáo hay không? Quan điểm của Ban Trị sự đối với sự việc trên.
Ngày 22/3/2-19, UBND thành phố đã nhận được công văn số: 33/CV-BTS, ngày 22/3/2019, của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động của chùa Ba Vàng. Theo công văn số 33/CV-BTS, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các quy định của Giáo hội đều quy định các hoạt động Phật sự, hành đạo, tu đạo tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo, do vị trụ trì cơ sở thờ tự đó chịu toàn bộ trách nhiệm. Việc công dân Phạm Thị Yến có các hoạt động tại chùa Ba Vàng do trụ trì chùa Ba Vàng chịu trách nhiệm”; “Nghi thức “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” không có trong giáo lý Phật giáo. Trong nghi Lễ Phật giáo Bắc truyền chỉ có nghi thức Triệu Linh và nghi thức “lập đàn cúng giải oan thích kết; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lên án các hành vi lợi dụng niềm tin của Phật tử, nhân dân, núp bóng nghi lễ Phật giáo để trục lợi….”.
Căn cứ vào Luật tín ngưỡng, tôn giáo và ý kiến chính thức của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng như các kết quả làm việc trước đó của Đoàn công tác của thành phố với trụ trì chùa Ba Vàng, ngày 22/3/2019, UBND thành phố Uông Bí đã ban hành văn bản số: 675/UBND, yêu cầu Trụ trì chùa Ba Vàng: Chấm dứt các hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo năm 2019 đã thông báo với các cấp chính quyền theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Có biện pháp chấn chỉnh việc giảng pháp của tăng ni, phật tử chùa Ba Vàng. Giáo dục tăng ni, phật tử thực hiện nghiêm giáo lý của nhà Phật và các quy định của pháp luật.
Trong các ngày 22 và 23/3/2-19, Sở Nội vụ đã làm việc với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đề nghị làm rõ thông tin những nội dung Báo Lao Động phản ánh liên quan đến hoạt động của chùa Ba Vàng; nhắc nhở, chấn chỉnh Trụ trì chùa Ba Vàng tuân thủ pháp luật nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nghiêm Hiến chương, Nội quy của Ban tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về vụ việc này, đề nghị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sớm có ý kiến chính thức về các hoạt động không đúng thuộc lĩnh vực Phật giáo và những việc làm chưa đúng của Sư trụ trì chùa Ba Vàng thuộc thẩm quyền của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam tỉnh Quảng Ninh.
Đối với công dân Phạm Thị Yến (trú quán tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long), nhân vật được phản ánh trong phóng sự điều tra của Báo Lao Động, là người thực hiện hoạt động “thỉnh vong” và “cúng oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng, thành phố Uông Bí thì trách nhiệm của chính quyền cấp phường và chính quyền thành phố Uông Bí đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Đồng thời, Công an thành phố Uông Bí đã có thông báo không chấp nhận cho công dân Phạm Thị Yến tạm trú và không được hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng.
Để tiếp tục làm rõ vụ việc nêu trên, các cơ quan Công an đã và đang thu thập tài liệu, nếu đủ cơ sở kết luận sai phạm như Báo Lao Động đã nêu thì sẽ xử lý nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. thành phố Uông Bí chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, xác minh và tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ sự việc, tránh mê tín dị đoan và đồng thời ổn định hoạt động của chùa Ba Vàng.
Tại buổi thông tin báo chí, các phóng viên đã đặt câu hỏi yêu cầu làm rõ một số vấn đề như: Số tiền thu được từ hoạt động thỉnh vong là bao nhiêu? Kinh phí xây dựng chùa có phải do doanh nghiệp đầu tư? Bà Phạm thị Yến tạm trú tại chùa một thời gian dài vì sao chính quyền không biết; Việc xử lý các vi phạm của bà Yến như thế nào? Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh có văn bản 125/CV-BTS gửi UBND tỉnh, Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ báo cáo về tình hình hoạt động của chùa Ba Vàng từ năm 2015 có nhiều điểm không phù hợp với truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam nhưng chưa được xử lý…
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu chùa Ba Vàng dừng các hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo năm 2019 và Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu chùa Ba Vàng dừng hoạt động các trang thông tin chưa được cấp phép.
Thông qua sự việc nêu trên tại chùa Ba Vàng, UBND thành phố Uông Bí đề nghị các cơ quan truyền thông, các phóng viên cùng với các cấp chính quyền tuyên truyền cho nhân dân bài trừ những hoạt động mê tín dị đoan và kiên quyết không tham gia hưởng ứng, cùng với những người thực hiện tuyên truyền mê tín dị đoan trong các cơ sở đền, chùa.
Ánh Nguyệt