Năm 2016, trao đổi thương mại hai nước đạt 174 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Tanzania 28,6 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm dệt may và nhập khẩu lại bông, điều…
TS. Lộc cho biết, ngoài những thị trường truyền thống, các DN Việt Nam cũng quan tâm mở rộng đầu tư tại các thị trường mới tại khu vực châu Phi nói chung và Tanzania nói riêng.
Với môi trường chính trị tương đối ổn định so với các nước trong khu vực, cùng những ưu đãi về tài chính, thuế và nới lỏng các chính sách nhằm thu hút đầu tư, TS. Lộc khẳng định Tanzania sẽ sớm là một thị trường tiềm năng lớn cho các DN Việt.
“Việt Nam có nhiều DN, tập đoàn có thế mạnh trong ngành nông nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Tanzania trong lĩnh vực này thông qua hợp tác chuyên gia, kỹ thuật viên nông nghiệp hoặc trực tiếp đầu tư vào các dự án sản xuất lúa gạo, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất quan tâm đến những mặt hàng chủ lực khác của Tanzania như khoáng sản, gỗ. Qua Diễn đàn lần này, DN Việt Nam cũng như Tanzania sẽ có cơ hội tìm hiểu và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau để không chỉ có mặt hàng nông, thủy hải sản mà các lĩnh vực khác cũng có cơ hội phát triển” – Chủ tịch VCCI nói.
Đồng tình với Chủ tịch VCCI, ông Julius Kaijage – Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Đầu tư Tanzania cho biết, đây là thời điểm Tanzania và Việt Nam thúc đẩy, hỗ trợ thương mại phát triển mạnh mẽ. Tanzania hiện nay đang trong quá trình công nghiệp hóa, và mong muốn các DN Việt Nam đến Tanzania để chia sẻ công nghệ, kiến thức, cụ thể là trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Hạt điều và thuốc lá là hai mặt hàng chủ lực và có tiềm năng phát triển lớn nhất hiện nay“, Bộ trưởng cho biết. “Hạt điều tại Tanzania có chất lượng tương đối tốt. Việt Nam có thể tới Tanzania nhập khẩu trực tiếp hoặc xây dựng các nhà máy chế biến hạt điều thay vì thông qua nước thứ ba. Ngoài ra, chất lượng thuốc lá tại Tanzania đã được kiểm chứng tại nhiều thị trường lớn và cho kết quả khả quan, khi nhập khẩu trực tiếp thuốc lá từ Tanzania, DN Việt Nam sẽ bớt được các chi phí trung gian”.
Từ năm 1980, Tanzania thực hiện cải cách kinh tế theo hướng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và được Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đánh giá là 1 trong 8 nền kinh tế đang nổi lên ở châu Phi. Việt Nam và Tanzania có quan hệ truyền thống tốt đẹp. Các chuyến thăm cấp nhà nước được lãnh đạo hai nước tiến hành thường xuyên nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nhất là về nông nghiệp và chế biến nông sản.
Hiện nay, Tanzania đứng đầu thế giới về xuất khẩu sisal, ngoài ra còn có cà phê Arabica, bông, đinh hương, cùi dừa, hạt điều, thuốc lá, mía… Rừng cũng là một nguồn lợi lớn của Tanzania với sản lượng khai thác hàng năm hơn 30 triệu m3 gỗ. Đất nước Đông Phi này có nhiều tiềm năng về khai thác mỏ. Trong vòng chưa đầy một thập kỷ gần đây, Tanzania đã trở thành quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 của châu Phi. Bên cạnh đó, Tanzania còn có oxide uranium với trữ lượng lớn.
Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, thiếu máy móc nông nghiệp, sản lượng thấp nên hàng năm, Tanzania vẫn phải nhập khẩu khoảng 100.000 tấn gạo, 50.000 đến 100.000 tấn ngô và các mặt hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, quần áo, hóa chất, dược phẩm… Chính phủ Tanzania cũng có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Theo vcci.com.vn