Lợi thế của ngành du lịch Bạc Liêu nằm ở giá trị văn hoá, di tích, sản phẩm du lịch sinh thái cùng đặc trưng của vùng đất rừng ngập mặn. Vấn đề là làm thế nào hoạch định và đầu tư chiến lược để khai thác những lợi thế này một cách hiệu quả.
Dư địa du lịch lớn
Với đặc trưng rừng ngập mặn, nhiều sông ngòi, vườn chim…Bạc Liêu sở hữu dư địa lớn phát triển du lịch sinh thái, văn hoá. Điển hình nhất là các giá trị văn hoá như dạ cổ Hoài Lang, đờn ca tài tử Nam Bộ, văn hoá giao thoa giữ 03 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa…
Ngoài ra, Bạc Liêu còn được biết đến qua các sản phẩm hiện đại như trụ điện gió khổng lồ, kiến trúc Quảng trường Hùng Vương, nhà hát 03 nón lá, cây đờn kìm cách điệu…
Nhiều dự án hạ tầng cấp quốc gia (theo quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long) dự kiến đầu tư vào Bạc Liêu như tuyến cao tốc Hà Tiên – Bạc Liêu, cao tốc Cần Thơ – Bạc Liêu, cảng biển quốc tế…sẽ đưa Bạc Liêu thành trục kết nối cả về đường bộ và đường biển, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn như kỷ niệm 100 năm ra đời Dạ cổ Hoài Lang, 100 năm xây dựng khu nhà công tử Bạc Liêu trong năm 2019, kỷ niệm 60 năm kết nghĩa giữa Bạc Liêu và Ninh Bình (năm 2020), các hoạt động hưỏng ứng năm du lịch quốc gia Ninh Bình năm 2020 cũng như phối hợp đăng cai Festival di sản văn hoá phi vật thể thế giới tại Việt Nam…
Về tổng thế, Bạc Liêu còn dư địa lớn để phát triển du lịch, nhiều tiềm năng để bức phá trong thời gian tới.
Gỡ bỏ những “điểm nghẽn”
Hạn chế lớn nhất của Bạc Liêu trong nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch nằm ở nhận thức. Hiện du lịch vẫn chưa được coi là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên nghành, liên vùng. Bên cạnh đó, hiệu quả quản lý du lịch cũng còn hạn chế, chính sách thu hút đầu tư và khởi nghiệp du lịch chưa được quan tâm đúng mức.
Một số yếu tố khác như nguồn nhân lực, công nghệ thông tin phục vụ du lịch, giáo dục cộng đồng về du lịch còn yếu. Sản phẩm du lịch cũng chưa thật sự hấp dẫn, hệ thống dịch vụ du lịch hiện chưa đáp ứng được nhu cầu…
Nhận thức được các hạn chế này, ngày 17/12/2018, Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều quan điểm, mục tiêu và giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
Tăng cường liên kết
Nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết phát triển du lịch, Bạc Liêu đã tăng cường hoạt động này với các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng; tổ chức định kỳ các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về phát triểu du lịch với địa phương và doanh nghiệp.
Bạc Liêu cũng tham gia các đoàn xúc tiến du lịch, hội chợ, ngày hội du lịch nhằm quảng bá hình ảnh du lịch.
Tỉnh cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành tăng cường liên kết với các đơn vị khác trong khu vực, hình thành hệ thống liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thường xuyên tổ chức các chuyến khảo sát và trải nghiệm mô hình du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng vốn đang phát triển mạnh tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Phát triển du lịch bền vững
Quan điểm của Bạc Liêu là đưa du lịch trở thành một trong năm trụ cột phát triển kinh tế-xã hội và là động lực thúc đẩy phát triển các ngành khác.
Mục tiêu của tỉnh là đón 3 triệu lượt khách vào năm 2020, doanh thu đạt 3 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 15 nghìn lao động. Đến năm 2025, Bạc Liêu đón 7 triệu khách du lịch, doanh thu 10 nghìn tỷ Đồng, giải quyết việc làm cho 30 nghìn lao động. Vào năm 2030, con số này lần lượt là 12 triệu du khách, 28 nghìn tỷ đồng và 50 nghìn lao động.
Để đạt được tham vọng này, Bạc Liêu đang đánh giá lại nguồn tài nguyên du lịch và đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: tuyên truyền và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và giáo dục cộng đồng; huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch theo phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đồng hành phát triển du lịch; tăng cường chỉ đạo các cấp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Tất cả mọi nỗ lực, mục tiêu và giải pháp của Bạc Liêu nhằm sớm đưa du lịch phát triển bền vững, đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Minh Kiệt