Ninh Thuận được xem như “trái tim” của du lịch Nam miền Trung, Ninh Thuận sở hữu nhiều lợi thế thu hút du khách đến khám phá, tạo nền móng cho sản phẩm, dịch dụ, trải nghiệm mới mẻ trên mảnh đất này.
Với địa thế nằm trên giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc – Nam, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, cách sân bay quốc tế Cam Ranh một giờ đi ôtô… là lợi thế của tỉnh trong việc di chuyển, giao thương, nhất là đối với khách du lịch. Hạ tầng cùng mạng lưới giao thông nội địa cho phép du khách có thể dễ dàng đến Ninh Thuận bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Chiều dài bờ biển tới 105km, Ninh Thuận còn gây ấn tượng nhờ những vịnh biển nguyên sơ, từng rặng san hô cổ hàng nghìn năm tuổi. Ninh Thuận còn được thiên nhiên ban tặng cho các vùng sinh thái đặc thù, là lợi thế để phát triển du lịch biển với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như: Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng của quốc gia. Trong đó, Vườn quốc gia Phước Bình có hệ sinh thái đa dạng, thảm thực vật nguyên sinh, động vật đa dạng, phong phú, nhiều loại đặc hữu, quý hiếm cùng hệ thống sông suối mát trong quanh năm hình thành nên những thác nhỏ là tiềm năng để khai thác du lịch sinh thái như: thác Đá Hàn, thác Ba Tầng, thác Gia Non, thác Đá Đen, thác Hầm xe lửa… Còn Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi hội tụ cả 3 không gian rừng – biển – sa mạc, động thực vật phong phú. Nơi đây có các thắng cảnh rừng như Hồ Treo, núi Đá Vách, suối Lồ Ồ, Hang Rái, suối Kiền Kiền, rất có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Trong năm 2018, Vườn quốc gia Núi Chúa đón khoảng 200.000 lượt khách.
Văn hóa các dân tộc cũng là một thế mạnh trong phát triển du lịch của Ninh Thuận. Kiến trúc tháp Chăm gắn các lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực, âm nhạc… độc đáo của người Chăm, Raglai, Kơ-ho, Churu…tạo sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Ngoài ra, điều kiện khí hậu của Ninh Thuận phù hợp cho cây trồng và vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, trở thành thương hiệu, điểm nhấn cho sắc màu Ninh Thuận như: nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam, cừu, dê, dông cát…được du khách ưa thích.
Tập trung nguồn lực
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, năm 2018 hoạt động du lịch của tỉnh phát triển vượt bậc, thu hẹp dần khoảng cách với các tỉnh có tốc độ phát triển du lịch cao; ước lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt 2.190.000 lượt, tăng 15,2% so năm 2017, vượt 4,28% so kế hoạch. Trong đó: lượng khách quốc tế đạt 80.000 lượt, tăng 31,1% so năm 2017, đạt 80% so kế hoạch; khách nội địa đạt 2.110.000 lượt, tăng 14,7%, vượt 5,5% so kế hoạch. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 18,9% so năm 2017, vượt 5% so kế hoạch đề ra.
Để thu hút đầu tư và du khách, lãnh đạo Ninh Thuận đã xác định, yếu tố đầu tiên là hoàn chỉnh hệ thống giao thông. Đường mở tới đâu, sẽ kéo theo du lịch và đô thị phát triển tới đó.
Tuy vậy, để tạo được sức hút, ngành du lịch Ninh Thuận cần tiếp tục đầu tư từ hạ tầng giao thông cho đến hạ tầng lưu trú, các điểm tham quan, nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần tạo được sự khác biệt, kết hợp hài hòa việc phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven các vùng biển tiềm năng như Bình Tiên – Vĩnh Hy – Ninh Chữ, du lịch sinh thái với văn hóa dân tộc, ẩm thực đặc sắc của địa phương.
Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ tại các điểm đến du lịch hiện có, tỉnh Ninh Thuận phát triển thêm các loại hình du lịch mới như du lịch homestay, trải nghiệm trang trại nông nghiệp, tham quan các dự án điện gió, điện mặt trời, kết nối tour tham quan thắng cảnh với các di sản văn hóa bản địa./.
Yến Dương