Xoá bỏ cầu tạm bợ, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành giao thông vận tải Tây Ninh.
Đảm bảo tiếp cận an toàn
Sau 2 năm triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP), Tây Ninh đã hoàn tất và đưa vào sử dụng 10 cây cầu dân sinh thuộc 6 huyện trên địa bàn gồm Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu và Hoà Thành với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.
Dự án LRAMP được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào năm 2016 với nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn vốn đối ứng của địa phương.
Chương trình xây dựng cầu dân sinh giai đoạn 2014-2020 của Tây Ninh được Chính phủ phê duyệt từ năm 2015 với mục tiêu tạo điều kiện và đảm bảo tiếp cận quanh năm đến các trung tâm cộng đồng, làng bản tại các khu vực nông thôn. Chương trình cũng nằm trong mục tiêu phát triển giao thôn vận tải của chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020.
Tây Ninh là một trong 50 tỉnh thành trên cả nước tham gia hợp phần cầu dân sinh. Đến thời điểm này, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận danh mục cầu dân sinh với tổng số 28 cầu với tổng mức đầu tư là 56,04 tỷ đồng và được chia làm 03 dự án thành phần: TNI: 01 (5 cây cầu), TNI:02 (5 cây cầu) và TNHI:03 (18 cây cầu).
Theo đó, dự án thành phần TNI:01 và TNI:02 được khở công từ 2017 và 2018, hiện 09/10 vị trí cầu đã được đưa vào khai thác sử dụng, 01 cầu đang chuẩn bị đưa vào họat động (cầu Bến Đá, Tân Biên).
Đối với dự án TNI:03, ngày 5/3/2019, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt dự án đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng mức đầu tư là 38,83 tỷ đồng. Hiện Ban Quản lý dự án 8 đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình và đang trình Tổng Cục Đường bộ Việt Nam thẩm định. Dự án dự kiến khởi công trong tháng 7/2019.
Thiết thực và hiệu quả
Có thể khẳng định dự án LRAMP đã mang lại lợi ích rất thiết thực và hiệu quả. Các vị trí cầu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo an toàn giao thông và nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho người dân, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
Trước đây tại những vị trí xây dựng cầu là những cây cầu tạm bợ do người dân góp công sức, vật liệu cùng làm; những vị trí cầu bị hư hỏng nặng hoặc những vị trí chưa có cầu. Sau khi được đầu tư xây dựng, những cây cầu này đã góp phần không nhỏ xóa bỏ những cây cầu dân sinh tạm bợ, hư hỏng nặng, mất an toàn giao thông, đáp ứng được mong mỏi của chính quyền và nhân dân nơi đây, bởi vì việc đi lại thuận tiện và an toàn hơn, rút ngắn thời gian vận chuyển… giúp người dân có điều kiện đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, dự án LRAMP đã phần nào làm giảm gánh nặng cho địa phương trong việc huy động vốn, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Đặc biệt, việc thực hiện dự án góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Phương Lê