Trung tâm Y tế huyện Lai Vung được thành lập từ ngày 15 tháng 01 năm 2018, theo Quyết định của UBND tỉnh trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế-Dân số huyện và bệnh viện đa khoa huyện để thực hiện song song nhiệm vụ điều trị và dự phòng. Trong những năm qua, Trung tâm Y tế huyện Lai Vung (TTYT) đã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện và vùng lân cận.
BSCK.II Võ Thành Thái – Giám đốc TTYT huyện Lai Vung cho biết: “Khi sáp nhập, bộ máy của các trung tâm được tinh gọn hơn rất nhiều. Đặc biệt, việc sáp nhập đã giúp trung tâm chủ động, linh hoạt trong điều động nhân viên khi cần thiết phải ưu tiên cho khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng ở các thời điểm nhất định; không còn sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ. Đội ngũ cũng được tăng cường hơn”.
Theo đó, đơn vị đã sắp xếp lại các khoa, phòng. Số lượng cán bộ, viên chức ở các trung tâm, bệnh viện tuyến huyện được giữ nguyên nhưng sẽ giảm ít nhất 02 khoa (Sức khoẻ sinh sản; Xét nghiệm) và 02 phòng (hành chính tổng hợp, Tổ chức- Hành chính). Cùng với đó, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được quy về một mối nên cũng giảm nhu cầu đầu tư so với trước. TTYT huyện Lai Vung cũng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ, mua sắm trang thiết bị y tế nâng cao năng lực khám chữa bệnh. Việc triển khai các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng được thực hiện thường xuyên hơn, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ y tế. Đẩy mạnh thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, nhờ đó, số lượt khám, chữa bệnh tại đơn vị ngày càng tăng. Hiện TTYT huyện Lai Vung có 150 giường bệnh kế hoạch, 190 giường thực kê, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt trên 80%, và trên 500 lượt người đến khám ngoại trú trong một ngày.
Bên cạnh những mặt đạt được thì TTYT tuyến huyện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn mà vấn đề đang đặt ra hiện nay chính là làm sao để có thể trong thời gian tới tự chủ thành công, khi ngân sách cho hoạt động thường xuyên không được cấp và thông tuyến KCB trong thời gian tới. Mặt khác, để phát triển bệnh viện, yếu tố con người là rất quan trọng, ngoài tự chủ về tài chính, còn các cơ chế chính sách để thu hút bác sĩ giỏi lại chưa có và không có khả năng.
Theo BSCK.II Võ Thành Thái, khả năng tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên giữa các bệnh viện đang có sự chênh lệch lớn. Các bệnh viện ở thành phố, ở tuyến tỉnh thực hiện việc tự chủ tài chính thuận lợi hơn do đông bệnh nhân, thu hút đầu tư dễ dàng hơn, trong khi đó, tự chủ lại là thách thức đối với nhiều bệnh viện tuyến dưới, nhất là các vùng nông thôn, vùng miền núi, khó khăn, gây nên sự mất bình đẳng trong thu nhập của cán bộ y tế giữa các vùng, miền và giữa các tuyến bệnh viện. Các bác sĩ ra trường không muốn làm tại các cơ sở tuyến dưới dẫn tới tình trạng nhiều bệnh viện vừa thiếu nhân lực, vừa thiếu cơ sở vật chất, việc thu hút bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.
“TTYT huyện Lai Vung hiện chưa thể triển khai khám dịch vụ và phòng bệnh dịch vụ vì chưa đảm bảo được lực lượng y, bác sĩ, phòng bệnh nội trú… Hơn nữa, phần lớn người dân đến đây khám thuộc dạng khó khăn cho nên nhu cầu khám dịch vụ chưa nhiều”, BS Thái trăn trở.
Một thực tế hiện nay, việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa đảm bảo tiến độ, nhất là với các bệnh viện có vượt trần, vượt quỹ BHYT, phải giải trình, chờ đợi sự sự đồng ý của cấp thẩm quyền…gây nhiều khó khăn cho các bệnh viện về vấn đề tài chính.
Do vậy cần tính toán vai trò của nhà nước, Bộ Y tế tham gia hỗ trợ các đơn vị tuyến huyện, cũng như ban hành cơ chế riêng khi thực hiện tự chủ trong thời gian tới với từng hạng bệnh viện, nhất là đối với các bệnh viện vùng sâu, vùng xa về vấn đề ngân sách trong hoạt động thường xuyên, tránh gây áp lực cho bệnh viện mà người thiệt thòi chính là người bệnh. /.