Cần Đước là vùng đất văn hóa, giàu truyền thống cách mạng; được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” và là huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh Long An. Trong hơn 300 năm hình thành và phát triển, nhiều thế hệ người dân nơi đây đã cùng đoàn kết gắn bó, vượt khó đi lên, chung tay phát triển kinh tế, dựng xây và kiến thiết quê hương Cần Đước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Hội tụ tiềm năng lợi thế
Bên cạnh nền tảng về truyền thống văn hóa thì lợi thế phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của huyện Cần Đước còn nằm ở vị trí đắc địa, tài nguyên đất đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng hiệu quả nhu cầu của nhà đầu tư. Đặc biệt với vị trí địa lý gần Tp.HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước; thuận lợi cả về giao thông thủy (hệ thống sông Vàm Cỏ, Rạch Cát, Kênh Nước Mặn,…) lẫn giao thông bộ (QL 50, các ĐT 826, 830, 835C, 835D,…); kết nối thuận lợi với QL1A, các bến cảng lớn, các khu – CCN trong tỉnh và Tp.HCM… nên sức hút đầu tư của huyện Cần Đước nói chung – các khu, CCN trên địa bàn huyện nói riêng khá tốt.
Về nguồn nhân lực, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 67% dân số toàn huyện (lao động của huyện được xem là tỷ lệ vàng hiện nay). Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, huyện đã hoàn thành các chương trình phổ cập, đặc biệt là phổ cập bậc Trung học. Công tác đào tạo nghề được thực hiện khá tốt, hàng năm cung cấp hàng ngàn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trong và ngoài huyện; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 68%.
Đất đai của Cần Đước thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại hình kinh tế bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp – TTCN lẫn thương mại, dịch vụ. Ngoài diện tích gieo sạ lúa hàng năm, nông nghiệp của huyện còn thế mạnh phát triển vùng rau mà đặc biệt là rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao, lúa chất lượng cao… Bên cạnh đó nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp và nuôi gà đẻ cũng là một lợi thế kinh tế nổi bật của huyện nhà.
Hiện nay Cần Đước đã quy hoạch trên 3.000 ha đất công nghiệp, đã xây dựng và đưa vào hoạt động 4 KCN thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngoài ra các ngành nghề truyền thống như đóng ghe, dệt chiếu, chạm khắc gỗ và một số ngành nghề mới như đóng sà lan, gia công may mặc, cơ khí… cũng được chính quyền huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.
Ngoài những lợi thế đặc thù trên, huyện Cần Đước còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Long An và được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển. Huyện đã xây dựng thành công huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh vào năm 2015; được Đảng và Nhà nước phong tăng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2016.
Dẫn đầu toàn tỉnh trong xây dựng Nông thôn mới (NTM)
Huyện Cần Đước bước vào triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM vào năm 2010. Thời điểm đó, toàn huyện có 16 xã xây dựng NTM, số tiêu chỉ đạt bình quân/xã của toàn huyện 7,6 tiêu chí; chưa có xã đạt 12 tiêu chí, có 10 xã đạt từ 8 – 11 tiêu chí, 5 xã đạt từ 5 – 7 tiêu chí và 1 xã đạt 4 tiêu chí. Ngoài ra một số chỉ tiêu phản ánh chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn đạt thấp như: thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo 6,46%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 78,54%…
Với sự chung sức đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, qua 9 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Cần Đước đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ, khơi dậy vai trò chủ thể và tinh thần tự giác tham gia của người dân, cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Đặc biệt huyện đã có những cách làm hay, mô hình tốt, mang lại hiệu quả thiết thực và được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Long An trong xây dựng NTM.
9 năm qua, kết cấu hạ tầng KT – XH khu vực nông thôn đã có bước tiến vượt bậc; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển ổn định; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục ngày càng tăng; công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt…Nhờ vậy mà đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, diện mạo nông thôn huyện nhà thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh.
Đến nay trên địa bàn huyện có 8 xã được công nhận xã NTM; số tiêu chí đạt hình quân/xã 16,5 tiêu chí (tăng 8,9 tiêu chí so với năm 2010); không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,9%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,93%.
Năm 2019, huyện Cần Đước phấn đấu 2 xã Long Sơn, Long Định đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên ít nhất 10 xã. Đến năm 2020, huyện phấn đấu có 12/16 xã đạt chuẩn NTM, xã Tân Lân phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương trong huyện tiếp tục nâng chất các tiêu chí đã đạt chuẩn, đồng thời tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Song song đó huyện tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn lành mạnh, văn minh.