Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương chia sẽ với Tạp chí VHDN về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 05 đột phá phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Minh Kiệt thực hiện.
Xin Ông cho biết một số kết quả nổi bật từ đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk?
Giai đoạn 2013-2018, tổng sản phẩm nông-lâm-thuỷ sản tăng bình quân 3,8%/năm. Tỷ trọng ngành nông-lâm-thuỷ sản đạt 39,9% năm 2018, giảm 7,3% so với năm 2013. Về thuỷ lợi, đến tháng 9/2019, công tác đảm bảo tưới chủ động đạt 79,47% diện tích cây trồng.
Tỷ lệ dân cư nông thôn tiếp cận nước hợp vệ sinh đạt 90% năm 2018, tăng 9,0% so với năm 2013 và đạt 91,4% đến tháng 9/2019. Về công tác phát triển NTM, luỹ kế đến hết năm 2019 sẽ thực hiện được 50 xã đạt chuẩn NTM.
Chúng tôi phấn đấu đạt độ che phủ rừng khoảng 38,6% trong năm 2019 và trồng mới 1.500 ha rừng. Về cây ăn trái và rau, đến năm 2018, diện tích cây ăn trái đạt 20.489 ha, và 43.140ha rau và đậu.
Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các dự án liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện 112 dự án liên kết theo chuỗi (09 chuỗi cấp tỉnh, 103 chuỗi cấp huyện).
Đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đâu là những ngành hàng chủ lực của Đắk Lắk, thưa ông?
Qua 4 năm triển khai, chúng tôi đã cụ thể hoá các đề án tái cơ cấu các lĩnh vực chuyên ngành và chuyên đề. Theo đó, chúng tôi đã xác định 7 ngành hàng chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su, sắn, ong mật, bò sữa và bò thịt).
Mục tiêu của từng ngành hàng đến năm 2020 lần lượt là 18,7 nghìn ha hồ tiêu; 180 nghìn ha cà phê; 40 nghìn ha cao su; 235 nghìn đàn ong vào năm 2020 với sản lượng mật đạt 10,5 nghìn tấn và 300 nghìn đàn ong vào năm 2030 với sản lượng 15 nghìn tấn; 36 nghìn ha sắn với sản lượng 831,77 nghìn tấn năm 2020 và 999,95 nghìn tấn đến năm 2030; 82 nghìn con bò sữa với sản lượng sữa 221,4 nghìn tấn và đến năm 2030 khoảng 112 nghìn con, sản lượng sữa là 327,6,5 nghìn tấn; 281 nghìn con bò thịt sản lượng 30,9 nghìn tấn vào năm 2020, 380 nghìn con với sản lượng 42,6 nghìn tấn năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi cũng đã đề ra những giải pháp cụ thể cho từng ngành hàng, lập quy hoạch diện tích cho từng ngành hàng cùng các quy chế và chính sách hỗ trợ.
Theo ông, đâu là những điểm yếu tồn tại của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk?
Dù đã đạt được một số kết quả khả quan từ đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn đang đối mặt 04 vấn đề tồn tại.
Thứ nhất, sản xuất chủ yếu còn nặng về sản lượng, xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, chưa qua chế biến sâu, chưa có thương hiệu, giá trị thấp ngay cả đối với các mặt hàng chủ lực như cà phê, tiêu, điều, cao su, ca cao…quy mô sản xuất hiện còn nhỏ lẻ, manh mún và mang tính tự phát.
Thứ hai, thiếu sự liên kết giữa cơ sở sản xuất với các tổ chức thu mua, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ ba, dù có nguồn nguyên liệu lớn nhưng có rất ít nhà máy chế biến và bảo quản, đặc biệt là đối với các sản phẩm như rau, củ, quả và các nông sản chủ lực.
Thứ tư, công tác phân tích, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại trong nước và xuất khẩu vẫn còn hạn chế.
Đắk Lắk có sự chú trọng như thế nào trong vấn đề chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến…nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp?
Về trồng trọt, một số địa phương đã xây dựng các mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và thử nghiệm một số cây trồng mới với năng suất và chất lượng cao hơn; đẩy mạnh sản xuất theo mô hình chuỗi và tiêu chuẩn VietGap.
Về chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi hiện chủ yếu dừng lại ở các khâu cơ bản như máng ăn, uống tự động, sử dụng điều hòa để duy trì ổn định nhiệt độ phù hợp trong chuồng nuôi. Trong khi việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tiên tiến chưa thực hiện được do chi phí lớn. Công ác ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi cũng đạt được những kết quả tốt.
Về thuỷ sản, tỉnh đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ mới và sản xuất giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như cá rô phi đơn tính, thử nghiệm các giống mới có giá trị kinh tế cao như cá Lăng đuôi đỏ, cá Trắm đen, cá Chạch bùn…Sở NN-PTNT Đắk Lắk cũng đã tham mưu tỉnh phê duyệt đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cư Mgar tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar với quy mô 105,5 ha, vốn đầu tư 745,103 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thành lập thêm khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột với quy mô 25,48 ha. Khi đi vào hoạt động, các dự án sẽ thúc đẩy việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn và đưa các giống cây, con mới có chất lượng cao vào sản xuất đại trà.
Tiến tới thực hiện thành công đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp tỉnh cần tập trung vào những đột phá nào trong thời gian tới?
Chúng tôi sẽ tiếp tục công tác sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đây được xem là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, từng bước thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đời sống của người dân. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển bền vững 5 đột phá: (1) ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông lâm sản và ứng phó với biến đổi khí hậu; (2) tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị trị nông sản; (3) thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (4) đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; (5) xây dựng thương hiệu và nâng cao và chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và thế giới.