Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang chính thức thành lập năm 1993. Chặng đường hơn 25 năm hoạt động, được sự quan tâm đầu tư và tạo cơ chế chính sách thuận lợi từ phía Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã tạo điều kiện để Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển Tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) và công cuộc xoá đói giảm nghèo của tỉnh nhà.
Góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Theo ghi nhận của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang – ông Hoàng Trung Kiên, thời gian qua phát triển hệ thống khuyến nông trên địa bàn có những thuận lợi cơ bản. Chính phủ tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách về hoạt động khuyến nông, cụ thể là ban hành Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông, trong đó nêu rõ chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông như: chính sách bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo; chính sách thông tin tuyên truyền; chính sách xây dựng và nhân rộng mô hình; chính sách khuyến khích hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông… Bên cạnh đó, hoạt động khuyến nông tại các huyện, xã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền, đoàn thể địa phương. Đây chính là những thuận lợi cơ bản tác động tích cực đến hoạt động của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang.
Nhờ vậy mà những năm qua, hoạt động khuyến nông tại Kiên Giang đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua công tác khuyến nông (xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền…), nhiều mô hình tiêu biểu, có hiệu quả đã được lan toả, nhân rộng; trình độ kỹ thuật của người sản xuất đã được nâng lên rõ rệt, khai thác nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy tiềm năng, điều kiện từng địa phương để phát triển một cách bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh thuận lợi về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, hoạt động khuyến nông đạt hiệu quả cao, mang lại giá trị cho nông dân một phần nhờ tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang luôn nỗ lực đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo tiền đề vững chắc để phát triển. Trong đó không thể không kể đến sự lãnh đạo có hiệu quả của Ban Giám đốc Trung tâm đã chủ động xây dựng và phát triển hệ thống khuyến nông tỉnh Kiên Giang không ngừng lớn mạnh cả về lượng lẫn chất. Song song đó hoạt động hợp tác phát triển lực lượng khuyến nông ngoài nhà nước, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động khuyến nông… cũng được chú trọng góp phần đa dạng hóa nguồn lực và phương pháp khuyến nông; nhiều kỹ thuật, công nghệ và mô hình mới tiên tiến được triển khai hiệu quả; các phương pháp khuyến nông hiện đại được giới thiệu và ứng dụng nhanh vào sản xuất, tạo điều kiện đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông Kiên Giang.
Hiệu quả cao từ các chương trình khuyến nông, mô hình Tổ kinh tế kỹ thuật
Với sứ mệnh đồng hành phát triển Tam nông tại địa phương, các chương trình khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang tập trung đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới. Nổi bật có thể kể đến: Chương trình phát triển cây lúa nhằm giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ KHKT mới, được sử dụng nguồn giống có chất lượng với giá thành hợp lý, từ đó giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; Chương trình phát triển rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp nhằm chuyển giao cho bà con các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp trên các vùng đất chuyển đổi theo hướng an toàn, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, đa dạng hóa cây trồng; Chương trình phát triển chăn nuôi nhằm hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học trong quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và kiểm soát hạn chế được dịch bệnh; Chương trình phát triển mô hình thủy sản nước ngọt và các mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa hướng đến mục tiêu xây dựng các mô hình thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế, qua đó giúp nông dân nắm bắt các quy trình kỹ thuật ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất; Chương trình phát triển mô hình nuôi thủy sản mặn, lợ biển phù hợp với đặc điểm sinh thái của vùng ven biển, hải đảo nhằm phát huy thế mạnh vùng và tăng thu nhập cho ngừơi dân; Chương trình cơ giới hóa và bảo vệ môi trường nhằm giúp nông dân tiếp cận các công nghệ mới, từng bước hạ giá thành sản xuất và góp phần đẩy mạnh CNH – HĐH sản xuất nông nghiệp nông thôn; Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp chủ lực đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị; Đề án ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (dự kiến triển khai 44 điểm, trên địa bàn các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất, An Biên, Vĩnh Thuận, An Minh và Tp.Hà Tiên).
Ông Kiên – Giám đốc Trung tâm cho biết sở dĩ các mô hình, các chương trình khuyến nông tại Kiên Giang luôn đạt hiệu quả cao là do Trung tâm Khuyến nông tỉnh rất chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở. Đến nay Kiên Giang là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL thực hiện thành công mô hình Tổ kinh tế kỹ thuật (KTKT) nông nghiệp xã nhằm đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở. Hiện tại Trung tâm Khuyến nông có 116 Tổ KTKT nông nghiệp được bố trí tại 116 xã trong tỉnh (gồm ba chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) và 12 khuyến nông viên ở các xã còn lại không thành lập Tổ KTKT. Đây là đội ngũ khuyến nông luân sát cánh cùng nông dân, chuyển giao KHKT, góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống cho bà con, làm thay đổi bộ mặt nông thôn bằng những việc làm thiết thực. Ngoài vai trò chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Tổ KTKT còn góp phần tham mưu cho lãnh đạo xã trong các lĩnh vực liên quan đến sản xuất nông nghiệp ở địa phương. “Từ những đóng góp quan trọng của Tổ KTKT nông nghiệp thời gian qua, có thể khẳng định vị thế, vai trò không thể thiếu của hoạt động mạng lưới khuyến nông ở cơ sở trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quan trọng hơn, hoạt động của mạng lưới khuyến nông cơ sở còn có ý nghĩa chính trị, an sinh xã hội to lớn, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa; góp phần rất lớn vào Chương trình MTQG xóa đói giảm nghèo, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Kiên Giang” – ông Kiên nhấn mạnh.
Hiền Quân