Khu Công nghiệp Long Khánh tỉnh Đồng Nai
Đó là khẳng định của Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Đồng Nai về định hướng thu hút đầu tư của Đồng Nai trong thời gian sắp tới.
Minh Kiệt thực hiện.
Xin ông vui lòng cho biết bản thành tích của Đồng Nai sau hơn 30 năm thực hiện luật đầu tư, tầm quan trọng của nguồn vốn FDI đối với tăng trưởng kinh tế Đồng Nai?
Ông Hồ Văn Hà: Năm 1985, Đồng Nai không có doanh nghiệp nước ngoài nào, khi đó khu vực kinh tế nhà nước chiếm 34,2%, khu vực dân doanh chiếm 65,8%. Đến năm 2010, khu vực kinh tế Nhà nước giảm còn 16,7%, khu vực dân doanh còn 32,43%, và khu vực FDI chiếm 41,92%. Đến năm 2019, tỷ lệ này lần lượt là 13,44%, 33,83% và 43,94%.
Khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GRDP của Đồng Nai, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giúp nâng cao trình độ công nghệ, quản lý cũng như hiệu quả sản xuất, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Khu vực FDI đóng góp 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Sự tăng trưởng mạnh của công nghiệp và dịch vụ đã lan toả phát triển các lĩnh vực kinh tế -xã hội của tỉnh, tạo điều kiện tích luỹ nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội. Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã giúp nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Đồng Nai, đặc biệt là khu vực FDI tại các KCN.
Đâu là định hướng thu hút FDI của Đồng Nai nhằm hướng đến phát triển một nền công nghiệp bền vững, thưa ông?
Ông Hồ Văn Hà: Chủ trương của chúng tôi là tập trung phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Với các lợi thế như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cùng các tuyến cao tốc kết nối vùng, Đồng Nai có cơ hội lớn để phát triển. Hiện tỉnh đang chuẩn bị công tác quy hoạch tỉnh, điều chỉnh bổ sung phát triển KCN, CCN, cụm khu đô thị-thương mại-dịch vụ…
Về công nghiệp, theo định hướng đầu tư của tỉnh, chúng tôi ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp thuộc các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới, dự án thân thiện với môi trường, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Về nông nghiệp, tỉnh ưu tiên phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về dịch vụ, tỉnh ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư cầu đường, cảng và các dự án giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao.
Nhìn chung, tỉnh thu hút đầu tư chú trọng chất lượng dự án, nhằm thực hiện đúng định hướng phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh.
Ông đánh giá như thế nào về kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai năm 2019 cũng như kỳ vọng thứ hạng PCI trong năm 2020?
Ông Hồ Văn Hà: Năm 2019, Đồng Nai xếp hạng 23/63 tỉnh thành với 65,82 điểm, tăng 3 bậc so với năm 2018, tổng điểm các chỉ số thành phần tăng 1,98 điểm.
Tuy có bước phát triển nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các giải pháp tuyên truyền và khắc phục về hành vi giao tiếp, thái độ ứng xử của cán bộ công chức.
Kỳ vọng năm 2020, tổng điểm PCI tăng từ 2-4 điểm so với năm 2019 (từ 67,15 lên 68,15 điểm), nằm trong top 20.
Để đạt mục tiêu nằm trong top 20 tỉnh thành đứng đầu, tỉnh ưu tiên cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ, đào tạo lao động, chi phí không chính thức, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Đặc biệt là triển khai các giải pháp đã đề ra tại Kế hoạch số 4530/KH-UBND ngày 21/4/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Xin ông cho biết thêm về mục tiêu và giải pháp của tỉnh trong việc triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
Ông Hồ Văn Hà: Mục tiêu đến năm 2020, chúng tôi đạt mục tiêu đạt một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế, trong đó, thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan là dưới 70 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp dưới 33 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản dưới 10 ngày; thời gian nộp thuế là 110 giờ/năm và bảo hiểm xã hội là 45 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng dưới 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp tối đa 20 tháng…
Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan nắm bắt thông tin, xây dựng giải pháp, cung cấp thông tin để các tổ chức phân tích đánh giá đúng thực trạng của tỉnh.
Bên cạnh việc phân rõ nhiệm vụ và thẩm quyền của mỗi bộ phận và cá nhân, chúng tôi cũng sẽ xử lý một cách linh hoạt các vấn đề mới phát sinh đề xuất giải pháp phù hợp; điện tử hoá thủ tục, chia sẽ kết nối thông tin, kiểm tra chuyên ngành, hướng tới mục tiêu phi giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Tiếp đến là vận hành và nâng cao hiệu quả công thông tin tiếp nhận, xử lý và công khai kết quả giải quyết TTHC; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giải quyết TTHC; cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử, xử lý hồ sơ một cửa hiện đại tập trung cấp tỉnh, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia…
Một mặt đổi mới công tác tổ chức cung ứng dịch vụ công, xoá bỏ tình trạng độc quyền, nghiên cứu và đề xuất những dịch vụ có thể cho tư nhân cung cấp, mặt khác đảm bảo công bằng và bình đẳng đối với cơ hội kinh doanh các dịch vụ này, đảm bảo quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19.