Dịch vụ Logistics Việt Nam cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao cả về
kỹ năng thực tế, kiến thức chuyên môn
Công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng khiến Việt Nam đang trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương tạo thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Logistics là ngành dịch vụ giúp giải quyết cả đầu vào lẫn đầu ra cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, tối ưu hoá quá trình chu chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ…logistics giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Quản trị logistics là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong nền kinh tế số.
Triển vọng giao thương sau những hiệp định EV- FTA có hiệu lực
Sau Hiệp định CPTPP, việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định EV-FTA góp phần thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi với một số nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Điều đặc biệt là Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU.
Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Với chủ trương mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn và khi được ký kết, đưa vào thực thi, các FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.
EU hiện là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2019, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,76 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019;
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD). Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2020, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với đại dịch covid, kim ngạch xuất nhập khẩu sang thị trường các nước có xu hướng giảm nhưng kim ngạch hai chiều Việt Nam- EU vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Về xuất khẩu, hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn khiêm tốn. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ EV- FTA là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà EU vẫn đang duy trì mức thuế quan cao như: dệt may, giày dép, nông sản… Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD), Đức (6,56 tỷ USD), Pháp (3,76 tỷ USD), Italia (3,44 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD), Bỉ (2,55 tỷ USD)…
Về nhập khẩu, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và có lực lượng lao động trẻ năng động. Dự báo, EV- FTA sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong 20 năm tiếp theo. Theo đánh giá của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), việc thực thi và tác động của Hiệp định này sẽ đem đến những thay đổi vượt bậc về xuất nhập khẩu giữa EU và Việt Nam.
Cơ hội cho ngành Logistics
Logistics đóng góp quan trọng vào quá trình phân phối hàng hoá từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng và là cầu nối thương mại toàn cầu. Hoạt động logistics ngày nay không chỉ gắn liền với hoạt động kho vận, giao nhận vận tải, mà còn lên kế hoạch, sắp xếp dòng chảy nguyên, vật liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất, sau đó luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, tạo nên sự liên thông trong toàn xã hội theo những phương án tối ưu hóa, giảm chi phí luân chuyển và lưu kho.
Bên cạnh đó, dịch vụ logistics còn là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng, xử lý hàng hư hỏng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Nếu logistics làm tốt sẽ đảm bảo dịch vụ tốt hơn, chi phí thấp hơn nhưng lại hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện tại ở Việt Nam có hơn 4.000 công ty vận tải và logistics trong nước, cung cấp dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến đóng thuế hay thanh toán…; trong đó, 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài; địa bàn đặt trụ sở chủ yếu tập trung chủ yếu ở ba thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải và logistics nội địa còn thấp so với doanh nghiệp FDI, số lượng doanh nghiệp ít hơn nhưng chiếm 70-80% thị phần. Dịch vụ chủ yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng cho khách hàng là các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho… còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistics mặc dù có một số doanh nghiệp cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa được quan tâm phát triển.
Theo công bố năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016, với điểm số LPI (Logistics performance index – chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể ở tất cả các chỉ số, đặc biệt là nhóm năng lực và chất lượng dịch vụ, từ 2,88 điểm lên 3,4 điểm. Kết quả này đạt được nhờ những nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống hạ tầng.
Quản trị logistics thời công nghệ số
Với sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics, đặc biệt là công nghệ số. Hiện nay, các nước phát triển đang từng bước thực hiện E-Logistics, green logisitics, E-Documents… và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo hay robot vào thực hiện một số dịch vụ, như dịch vụ đóng hàng vào container hay dỡ hàng khỏi container, xếp dỡ hàng hóa trong kho, bãi… Tuy hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và internet cơ bản.…
Theo nhận định của gần 80% các chuyên gia trong khảo sát của VCCI thì trước xu hướng số hóa, các doanh nghiệp trong ngành vận tải và logistics Việt Nam sẽ dần thích ứng, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics, nhằm chuẩn hóa quy trình vận hành, tối ưu chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp, giám sát và tăng cường khả năng quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ, và gia tăng sự trung thành của khách hàng.
Với tỷ lệ 70% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, truy cập bình quân mỗi người khoảng 28 giờ/tuần đã tạo điều kiện cho ngành thương mại điện tử phát triển mạnh. Năm 2019, theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam, thị trường thương mại điện tử đạt 9,5 tỷ USD, có mức tăng trưởng 30% so với 2018 và dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm tới, đạt 10,5 tỷ USD vào năm 2020.
Thương mại điện tử phát triển kéo theo nhiều người tiêu dùng chuyển qua mua sắm trực tuyến và sự phát triển của mô hình kinh doanh mới cho các công ty dịch vụ chuyển phát với tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn và độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành. Nhiều trang thương mại điện tử cũng đầu tư vào xây dựng nền tảng công nghệ và hệ thống logistics, mở rộng quy mô kho bãi, tăng điểm phân phối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Các chuyên gia trong khảo sát của VCCI đã đưa ra dự báo trong vòng 2-3 năm tới, làn sóng M&A vẫn tiếp tục sôi động trong lĩnh vực vận tải và logistics do áp lực cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và tác động của cuộc cách mạng 4.0.
Khả năng cạnh tranh chưa cao của các doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường logistics Việt Nam thông qua hình thức M&A để tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa. Trong năm 2019, đã có nhiều thương vụ M&A trị giá hàng triệu đô, như Tập đoàn Symphony International Holdings (Singapore) cổ phần của Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) từ Singapore Post với giá 42,6 triệu USD, SSJ Consulting đã chi gần 40 triệu USD để mua 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept.
Hoạt động M&A cũng tạo ra thách thức cho các DN trong nước phải cải tiến và đổi mới để tối ưu DN của mình. Đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp khác khi được học tập kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, tối ưu hóa chi phí logistics, tăng hiệu quả tài chính trong kinh doanh.
Trong dịch vụ Logistics, xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất, và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất. Tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào các thành tựu của công nghệ thông tin và Internet giúp kết nối hóa các nguồn lực, lược bỏ nhiều khâu trung gian và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, giảm thiểu chi phí. Để làm được điều này rất cần sự đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật lẫn pháp lý của nền kinh tế./.
Ths Trần Thị Hương
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam