Văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc chính vì tầm quan trọng này mà ngay từ năm 1943, Đảng ta đã có Đề cương về Văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo và công bố. Đây được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân.
Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu tiếp Nhà văn Phan Tứ, Trần Đình Vân từ chiến trường Khu V ra thăm Hà Nội trong thời kỳ chống Mỹ.
Thực tiễn cách mạng đã chỉ ra rằng, cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ chính là Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Từ gốc rễ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 77 năm qua đã luôn kiên trì lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta theo ba nguyên tắc vận động: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; luôn đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, để từ đó phát triển và cụ thể hóa thành các tư tưởng mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, tháng 7 năm1998 đã vạch ra: “Xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”
Nghị quyết Trung ương 5 đã đề cập đến Văn hóa Việt Nam một cách sâu sắc, toàn diện: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Nền Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hơn 50 dân tộc sống trên đất nước ta đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm phong phú nền Văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em.
Bản sắc Văn hóa dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Di sản văn hóa dân tộc là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa.
Đại hội 12 của Đảng, một lần nữa đã nâng tầm cao thời đại của nền Văn hóa Việt Nam: “Xây dựng nền Văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Báo cáo trình tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định chiến lược: “Xây dựng và phát triển giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” với nhiều nội dung bao quát, nhấn mạnh tầm vĩ mô xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Là Nhà văn, tôi nhận thấy việc Đảng đề cao, coi trọng các giá trị văn hóa – giá trị con người Việt Nam nâng tầm lên thành hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là bước tiến mới về tư duy và hành động trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa. Đồng thời Đảng cũng đã nhìn nhận đúng đắn sức mạnh của dân tộc Việt Nam cũng chính là sức mạnh của văn hóa, của lòng yêu nước truyền từ đời này mãi mãi sang đời khác của con người Việt Nam.1000 năm Bắc thuộc nhưng dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại, ấy chính là nhờ có Văn hóa của con người Việt Nam; Một nước nhỏ, nhưng lại đánh thắng được hai kẻ thù xâm lược hùng mạnh của thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ấy chính là nhờ có văn hóa yêu nước mãnh liệt của con người Việt Nam.
Góp phần quan trọng xây dựng nên hệ giá trị văn hóa dân tộc chính là những văn nghệ sĩ. Bằng tài năng, trí tuệ và sự tâm huyết của mình vì nhân dân vì đất nước, họ đã trở thành thư ký của thời đại ghi lại những chiến công hiển hách của cha ông ta, của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay thông qua những trang văn, áng thơ, bản nhạc, thước phim, bức ảnh vv… làm lay động lòng người. Nhiều văn nghệ sĩ là chiến sĩ đã viết bằng máu, bằng sự sống của mình dâng hiến cho Tổ quốc cho nhân dân những tác phẩm văn học đỉnh cao như Nam Cao, Trần Đăng, Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Vũ Đình Văn, Nguyễn Trọng Định vv…
Để tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có tính nghệ thuật cao, có tầm tư tưởng lớn; góp phần xây dựng một nền Văn hóa Việt Nam vừa tôn vinh các giá trị dân tộc vừa hội nhập được với thế giới thì Đảng cần quan tâm hơn nữa đến văn nghệ sĩ cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là sự tự do sáng tạo:
Cần có một đại diện của giới văn nghệ sĩ trong Quốc hội.
Nhà nước – thông qua Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, đặt hàng các nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, các tài năng trẻ viết các tác phẩm hay về văn học, nghệ thuật mang tầm dân tộc, thời đại.
Có chiến lược phát hiện, đào tạo các tài năng trẻ trong lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật.
Đầu tư có chiều sâu cho một số tờ báo, nhà xuất bản chuyên ngành về Văn học – Nghệ thuật Trung ương.
Tôn vinh, phát huy giá trị các di sản văn hóa nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản thế giới như Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế, vv…
Cần có giải thưởng quốc gia về văn học mang tên Đại thi hào Nguyễn Du; về Âm nhạc mang tên Văn Cao vv…
Nhà văn Vũ Đảm