Ngày xuân, tôi và nhà thơ Hải Minh đi thăm, tặng sách nhà thơ Trần Tất Trừ ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Nhà thơ tiếp chúng tôi trong ngôi lều thống gió lợp cọ lá dày chống nóng cạnh một cái ao lớn mà ông gọi vui là Quán Chiêu văn. Nhìn khung cảnh nước mây thoáng đãng mát rời rợi, tức cảnh sinh tình, tôi ngâm nga hai câu thơ trong bài Đêm chưa hề cũ của thi sỹ chủ nhà về một nỗi day dứt tình quê “thời xa vắng”: “Đầu hôm đan cái hẹn hò/ Long lanh ánh mắt giăng đo xuân thì…”. Đang khi ấy thì có một phụ nữ dáng vẻ mặn mà khoảng gần bốn mươi tuổi đeo kính cận, nhưng lại đi ủng cao màu trắng lấm láp vẻ cần lao vào để chăm lo việc trà nước mời khách văn. Chủ nhà giới thiệu, đó là con gái ông, Tiến sỹ sinh học Trần Đoan Trang, người đang là chủ cơ ngơi của 4700 m2 vườn tược ao hồ với hàng chục loại cây lưu niên và nhiều chủng loại rau hoa gia dụng hàng ngày, thứ nào cũng xanh ngăn ngắt, còn ông thì chỉ là ngụ cư ở cái Quán Chiêu văn này thôi.
TS sinh học Trần Đoan Trang
Sự giới thiệu của nhà thơ Trần Tất Từ khiến tôi chú ý, bởi hơn năm trước, nhân bạn bè tụ bạ nhắc lại câu chuyện làm phim về bác sỹ Nông học Lương Định Của mà chúng tôi thực hiện từ năm 1990, một nhà Sinh học trẻ có nhắc đến Thanh Hóa quê tôi đang xuất hiện một nữ tiến sỹ, người có thể nói chuyện được với cỏ cây thảo mộc.
Tiến sỹ Trần Đoan Trang rất kiệm lời. Nhưng khi tôi gợi đến những hiểu biết của mình về sinh học Nhật Bản, Đài Loan và Israel và cái gốc triết lý về sinh học thì chị trở nên sôi nổi và khẳng định. Gốc của Đời (Đời sống con người) là Đạo. Gốc của sinh học cũng là Đạo. Đạo gốc sinh Duyên bao gồm Nhân duyên và Cơ duyên. Thảo mộc cũng có đời sống riêng theo Duyên sinh ra Đạo gốc. Bởi thế nên người đời đã biết đến một số “thần mộc” như cây đa, cây chò, cây gạo… trăm năm tuổi, nghìn năm tuổi. Càng nghiên cứu sâu, càng gần gũi với thảo mộc thì việc nhận ra, chúng cũng có hồn. Không dưng thi hào Nguyễn Du đã viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”; Trong truyện dân gian Thạch Sanh cũng có những câu rất hay về mối thâm tình giữa Thạch Sanh và cây đa có nghĩa: “vắng chàng cành lá ủ ê”, khi chàng về thì “cây xanh lá tốt đề huề lại tươi!”. Nói đến đấy vị nữ Tiến sỹ trẻ hạ một câu: “Cỏ cây có bản sắc như thế, tại sao con người lại không nói chuyện với chúng được?”.
Một góc vườn Sinh học
Sinh ra ở miền quê biển nên con đường học vấn thích thú sau phổ thông của của cô nữ sinh Trần Đoan Trang là thi vào Khoa Sinh – Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, ra trường đi dạy, vẫn hằng nuôi khát khao học hỏi tích lũy thêm những kiến thức đồ sộ ở các bậc thầy là những sư phụ cao minh đức độ như là một cơ duyên, Trần Đoan Trang đã thi làm nghiên cứu sinh tại Khoa Sinh, Trường Đại học Sư Phạm I. Khỏi nói những khó khăn của một phụ nữ, một nách hai con, chồng công tác trong lực lượng vũ trang phải khắc phục như thế nào trong những năm nghiên cứu Tiến sỹ. Nhưng rồi tình yêu khoa học, cơ duyên gặp được các bậc thầy hiền giả thụ giáo đã như bệ đỡ, đã như kim chỉ nam để cô hoàn thiện công trình nghiên cứu khoa học về “Di truyền học phân tử” và bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ “Nghiên cứu tính đa dạng di truyền của một số quần thể Tu hài (Lutraria spp) ở Việt Nam tại Hội đồng chấm thi Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Lao động
Nhận bằng Tiến sỹ tháng 3.2019 và trở về với công việc giảng dạy sinh học, Trần Đoan Trang không ít lần hồi cố những ngày thân gái dặm trường từ Thanh Hóa đi tầu, đi xe ca, xe ôm… ra tận Quảng Ninh để điền dã, thu nhập tư liệu thực tế để viết tiểu luận rồi làm luận án. Thấu hiểu nỗi gian nan của mình và không ít đồng học đồng nghiệp, chị luôn nuôi dự định, với môn sinh học mà chị đang làm thầy, làm sao học trò chỉ cần học trên lớp 20% thời gian, số còn lại sẽ học ở vườn thực nghiệp, ở các cánh đồng và vùng biển của quê chị. Như thế thì rất cần một mặt bằng sinh học trong thời đất đai quý hơn cả vàng…
Chị chợt nhớ ở quê chồng, đất hương hỏa, đất cho thuê dài hạn, đất khai khẩn gồm vườn ao đầm rộng đến gần năm ngàn m2 nhưng khuất nẻo nơi đường cùng, bãi cạn…, hoang hóa đến mức có đồng nghiệp đã gọi đó là tiểu U Minh, và hiện đang…bỏ hoang. May sao, gia đình chồng và chồng chị đã nhiệt tình ủng hộ.
Thế là việc mở cửa cho tiểu U Minh bắt đầu. Đất đai được bồi dưỡng chế độ mầu mỡ; giống cây sinh lợi được đưa vào thâm canh nên khi thảo mộc có ích chiếm thế thượng phong màu xanh thì cỏ dại và côn trùng tạp cũng lặng lẽ biến dần. Đoan Trang rất mừng, chị thầm nghĩ, có được cái tỷ lệ đầy hy vọng này, đương nhiên do bàn tay và trí lực của con người điều chỉnh nhưng trong thẳm sâu hình như có một năng lượng thần bí nào đó chi phối, nếu không, tại sao từ xa xưa đã có câu: “Người là hoa của đất!”.
Cơ duyên nối tiếp cơ duyên. Do sự mở mang của một vùng đất đang hướng tới một nền kinh tế du lịch sinh thái, trong hàng chục con đường xương cá nối quốc lộ 4 với vùng đông nam huyện Quảng Xương trổ ra hướng biển, có một tiểu lộ rộng hơn mười mét chạy vuông góc mặt tiền với khu đất 4700 m2 của nhà chị, và “nó” thành đất vàng.
Nhà thơ Trần Tất Trừ và vợ giúp con gái làm vườn
Đã là đất vàng ven tiểu lộ có du lịch sinh thái và tâm linh thì chỉ cần “thiến” tạm một khoảnh một, hai trăm m2 cho người ta làm đại lý mua bán hoa và đồ lễ, làm cửa hàng tạp hóa…. cũng dư số tiền lương của một Tiến sỹ đứng lớp Trung học phổ thông nhưng không, Tiến sỹ Trần Đoan Trang vẫn tiếp tục đầu tư vừa hoàn thiện thành một vườn hộ gia đình vừa là nơi nghiên cứu khoa học để thỏa cái chí “Học hai, hành tám” mà chị hằng ao ước. Cùng với đó là sinh lợi. Làm khoa học là phải sinh lợi như bất cứ một lĩnh vực kinh tế nào. Lời của một ông thầy khả kính ngành thủy sản luôn vẳng bên tai Đoan Trang như nhắc nhở…
Chưa hết, từ kiến thức làm vườn hộ gia đình, Tiến sỹ Trần Đoan Trang đang nghiên cứu các dự án vườn đứng, vườn treo để trồng rau quả sạch và nghiên cứu cả phương pháp tự tạo Phân bón sinh học để giảm chi phí cho người dân.
Quê hương Quảng Lưu của chị là vùng đất cát cằn, dư thừa nắng gió. Đây là đất của dưa hấu. Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa, song bà con trồng dưa thu nhập không đặng với đầu tư công sức, giống má, phân bón.
Nghiên cứu xây dựng vườn đứng và trồng các loại cây lưu niên có trái quả chất lượng cao là phá thế độc canh cây dưa hấu, tiết kiệm diện tích đất, tận dụng được không gian khí trời, dung nạp được nắng gió vùng cửa biển. Nói đến điều này tâm thái của nhà khoa học trẻ Trần Đoan Trang toát lên nét anh hoa bản lĩnh quyến rũ như một hấp lực từ hào quang.
Để minh chứng cho những kết quả ban đầu mà vị Tiến sỹ khiêm tốn gọi là mới mí mửng thôi, chị đưa chúng tôi đi một vòng xem ao chuôm vườn tược.
Chị chỉ vào chòm cây “được trò chuyện”, nghĩa là có “hơi người” và giải thích: Cam, bưởi giống mới cất từ Lương Sơn Hòa Bình về mới được hai năm, thế mà đã rưng rứng nhụy hoa thơm đằm, những chùm quả xinh xinh, cuống rất bụ đầy năng lực bám víu chắc chắn vào cành sẽ thành mùa trĩu trịt trong tết Trung thu Tân Sửu này…
Theo lời giới thiệu tiếp, tôi ấn tượng nhất là dãy mít ruột đỏ không hạt hai mươi gốc. Mỗi “gốc” không những là một thực thể thảo mộc mà còn một thực thể nghệ thuật của thiên nhiên: Măng tơ, bụ bẫm, xanh ngời nội lực, trái non chi chít. Là người biết trồng mít tôi nhẩm tính qua mùa bói quả này, mùa sau mỗi gốc mít sẽ cho hai, ba trăm kg thu hoạch. Giá bán sỉ tại vườn là 15k/ kí lô; Hai mươi gốc mít này sẽ cho một thu hoạch tấm món. Tôi hỏi vui Tiến sỹ Trần Đoan Trang: “Có đủ kinh phí cho nghiên cứu đề tài vườn đứng không?”. Chị chỉ khẽ cười: “Cũng còn tùy, nhưng con hy vọng ạ”.
Chúng tôi vòng ra hông nhà.
Cô giáo Tiến sỹ sinh học hồn nhiên giới thiệu: “Đây là công viên mi ni và khu hoa trái gia dụng”.
Ngay cạnh và trước mắt chúng tôi là hoa, rau quả luống luống, ken ken rất phù hợp với nhu cầu gia dụng như chủ nhà đã nói.
“Các trò của con đến học thêm!”
Theo tiếng “chợt nói” của cô giáo, một đàn khoảng hơn mười nam nữ học sinh tới.
Các cháu đi xe đạp điện, mỗi cháu mang theo một thứ “công cụ lao động”, phần đông là các loại xẻng, cuốc cào mi ni thứ nào cũng được bọc cẩn thận, sạch sẽ.
Thành quả ban đầu
Sau câu chào cô giáo và khách, các cháu ùa vào vườn và dường như đã biết công việc từ trước, tiếng rúc rích chìm dần trong những bóng áo xanh đang len lỏi giữa các hàng cây xanh!
“Học thêm!” Tôi thốt lên nhưng không phải là một câu hỏi. Tiến sỹ Đoan Trang trả lời như một sự giải thích: “Vâng, học thêm nhưng con không thu học phí ạ!”.
Thật là một học đường giữa thiên nhiên!
Những dòng cuối của bài viết, tôi muốn nói thêm về nhà thơ Trần Tất Trừ về chỗ ngụ cư của ông.
Ngay khi cô giáo Đoan Trang có ý định mở khu vườn hộ gia đình, ông đã động viên ủng hộ. Là một nhà thơ, một ông giáo làng thanh bạch nuôi lũ con đông đảo thành đạt, nhà có đến mấy Tiến sỹ, Thạc sỹ. Con trai là PGS. Tiến sỹ đang giảng dạy tại một trường danh giá của Hoa Kỳ, Trường Đại học South Florida, ông hiểu môi trường thiên nhiên có tác động đến tình cảm và ý chí của con người thế nào.
Ông bà không có tiền để cho con làm vốn đầu tư, nhưng cho những lời khuyên đầy kinh nghiệm, khích lệ động viên.
Và gần đây, ngày ngày ông bà bỏ ra vài giờ làm công ích cho khu vườn sinh học của con gái. Chính công việc này đã giúp ông bà có thêm sức khỏe niềm vui. Riêng ông đã viết được thi phẩm và ca khúc được đồng nghiệp ghi nhận.
Tạm biệt cơ ngơi của Tiến sỹ Trần Đoan Trang trong ngày tháng Giêng mùa kinh trập, cá nhân tôi coi đây là một cơ duyên năm mới, cơ duyên được gặp được một nhà khoa học trẻ, đang làm cái việc rất ích lợi cho nghiệp học, cho thiên nhiên bằng ngôn ngữ yêu thương, chăm bẵm, vun trồng. Chị là bông hoa đẹp của Đất./.
Lê Ngọc Minh