Trước năm 1990, Lâm trường Thạch Thành, Thanh Hóa (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành) có hơn 600 cán bộ, công nhân, cùng một đội bảo vệ đông đến ba mươi lăm người nhưng vào các năm 1988, 1989, cứ mỗi tuần lại có thêm dăm ba công nhân nộp đơn xin về mất sức, không những thế mỗi ngày còn mất bay một quả đồi rừng; các vụ đâm chém, gây án mạng đã xảy ra như cơm bữa, còn bây giờ?…
1.Thạc sỹ Quách Thị Tươi, trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thành đưa chúng tôi đến thăm Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành đóng trên địa bàn thị trấn Kim Tân. Ông giám đốc Phạm Văn Hồ tự tay lái xe đưa khách chạy một vệt gần tám mươi cây số, từ thị trấn trung tâm huyện vào khu trồng trọt, chăn nuôi theo công nghệ cao ở thung lũng xã Thành Vân, rồi ngược lên các xã Thành Trực, Thành Vinh…; từ Phố Cát theo quốc lộ 15 đến tận đường Hồ Chí Minh để được mục sở thị những rừng thông, đồi keo tai tượng, những rừng cây lát hoa xanh ngắt nổi lên giữa các thung lũng trang trại, nơi thì cây ăn quả, nơi thì nuôi lợn, dê, trâu, bò; lại có nơi chỉ trồng tuyền cây sả… Ấn tượng ban đầu với chúng tôi, đó là sức sống phồn sinh từ đất đai yên bình, từ năng động của những con người yêu rừng có tri thức, có chí hướng làm giàu…
2.Trong câu chuyện lúc nghỉ dọc đường, ông Phạm Văn Hồ cho biết, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, có tiền thân là Lâm trường Thạch Thành, hiện đang quản lý hơn 7000 ha rừng phòng hộ tại địa bàn sáu huyện bán sơn địa và miền núi Thanh Hóa, gồm: Thạch Thành, Hà Trung, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Bá Thước với hai mươi bốn xã và bốn trăm hộ nhận khoán. Trong số bảy ngàn ha này có một trăm hai mươi ha là rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Nhớ về một thời quá khứ chưa xa, ông giám đốc Phạm Văn Hồ kể, Lâm trường Thạch Thành trước năm 1990 có hơn sáu trăm cán bộ,công nhân chia làm mười lăm đội sản xuất vừa làm nhiệm vụ khai thác, vừa trồng mới tại các địa bàn rừng mà lâm trường được giao quản lý. Ngày ấy rừng còn rộng, gỗ còn nhiều nên chủ yếu chỉ tập trung cho công việc khai thác. Và, tuy kinh tế thời bao cấp còn khó khăn nhưng các kỳ sơ kết, tổng kết mừng công của lâm trường luôn thường kéo dài hai, ba ngày. Những người tiêu biểu được mời về lâm trường bộ ở Kim Tân dự hội nghị; số còn lại ở các đội thì được chia gạo, thịt, bánh kẹo, thuốc lá… để liên hoan tại chỗ và giao lưu với đội bạn, với địa phương. Trong chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn chào mừng các việc đến kỳ, đến hẹn đó, bao giờ những ca từ: Rừng ơi ta đã về đây/ Mang sức của đôi tay…/ Cây đổ rộn vang như tiếng pháo/ Tiếng hò nhịp theo trâu kéo gỗ/ Áo thấm bao mồ hôi nhưng lòng rộn bao niềm vui… cũng được vang lên đầy tự hào, thôi thúc.
Nhưng rừng và gỗ của rừng không phải là nguồn vô tận.
Đến những năm cuối thập niên 1980, rừng mỗi năm một cùng kiệt, công tác bảo vệ rừng vô cùng gian nan vất vả, phải đối mặt với nguy hiểm rủi ro từng giờ, từng ngày. Bởi thế, ban giám đốc lâm trường đã bố trí một đội bảo vệ hầu hết là anh em bộ đội chuyển ngành đã qua huấn luyện, chiến đấu, là Đảng viên trẻ, có sức khỏe, nhanh trí và chấp nhận gian khổ, hy sinh. Thế nhưng vẫn không thể nào giữ được rừng trước nạn lâm tặc hoành hành. Đặc biệt, trong hai năm 1988, 1989, tính bình quân mỗi ngày lâm trường mất gọn một ngọn đồi rừng; mỗi tuần có dăm lá đơn của công nhân xin về mất sức, xin về một cục. Đội bảo vệ phải căng quân ra như chão và luôn bị tai họa rình rập. Bản thân đội trưởng bảo vệ Phạm Văn Hồ vốn là một cựu chiến binh bộ đội đặc công cũng bị chém hai nhát chí mạng sâu mười phân, chỉ cách cột sống và bàng quang có một xăng ti mét. Những ngày nằm viện điều trị vết thương, anh thanh niên cựu chiến binh Phạm Văn Hồ suy nghĩ rất nhiều, tại sao lâm tặc lại đông đến thế và khó chế ngự đến thế? Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là vì dân đói quá! Lâm tặc, nhìn đi nhìn lại, thì phần đông là bà con trong vùng, là người dân tộc thiểu số, là cựu công nhân lâm trường, là người nghèo ngoài phố Cát và các làng bản lân cận đổ vào rừng kiếm sống. “Đói ăn vụng, túng làm càn!”. Ngay cả kẻ đã chém anh hai nhát dao chí mạng cũng là một thanh niên người dân tộc Mường, có bố là bộ đội trong chiến tranh chống Mỹ…
Vì thế, nếu chỉ tập trung đối phó cứng với đám phá rừng này là không thể mà phải kết hợp nhiều biện pháp. Trong đó biện pháp hàng đầu là làm sao để dân không còn bị đói.
Ông Phạm Văn Hồ trong trang trại gia đình. Ảnh: L.N.M
Hàng ngày đi gác rừng, anh bảo vệ trẻ Phạm Văn Hồ thấy giữa các ngọn đồi là những thung lũng bằng phẳng, đất đai khá mầu mỡ. Tại sao lại chỉ để cho cỏ tranh và cây sim, cây mua mọc hoang? Cách nghĩ của Phạm Văn Hồ may gặp đúng lúc cấp trên bật đèn xanh cho lãnh đạo Lâm trường Thạch Thành, đứng đầu là giám đốc Nguyễn Lam Sơn, đại biểu Quốc hội khóa 7 khoán rừng đến hộ công nhân như là một giải pháp đột phá nhằm phát huy sức dân, khẳng định quyền làm chủ của dân để giữ rừng, để sản xuất ra hoa lợi, cải thiện và nâng cao đời sống con người. Gia đình Đảng viên trẻ Phạm Văn Hồ là hộ đầu tiên nhận khoán chín quả đồi với diện tích ba mươi ha…
Kể đến đó, giọng ông giám đốc, bí thư Đảng ủy của Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành hôm nay bỗng trầm xuống: “Đêm đầu tiên vợ chồng tôi và hai con nhỏ ở rừng là một đêm mưa ngâu oi bức. Có một ngọn đèn dầu thì phải để ở hiên lều nhằm hút hết muỗi và các loại côn trùng về phía đó, tuy nhiên tôi không thấy hoang mang vì nhìn hai con nhỏ ngủ ngon lành, còn bà vợ thì thủ thỉ công việc làm ăn cho ngày tới với những toan tính hy vọng đổi đời. Ai bảo thời nay không còn một túp lều tranh hai trái tim vàng”? Nói vậy nhưng cuộc sống ở rừng ngày đó thật vô vàn vất vả, gian truân, đơn lẻ. Nhớ ngày đứa con nhỏ bị rắn độc cắn phải vác con chạy vào vùng bà con dân tộc nhờ hái lá thuốc cứu chữa trong đêm; nhớ ngày bị sốt rét mệt lử cò bợ, da nổi sần đỏ như bánh tráng gấc vẫn cố trụ lại nhà hai tuần lễ, đến lúc lên cơn co giật mới nháo nhào nhập viện cấp cứu… mà hãy còn thót tim. “Người là hoa của đất!”, các cụ dạy không hề sai! Hàng ngày, sáng ra, cứ thấy chín ngọn đồi xanh dần lên, lâm tặc bớt dần đi, rồi vắng hẳn, bụng dạ thấy vui, chân tay thấy muốn làm việc, đầu óc muốn nghĩ ngợi, tính toán về lâu về dài. Hai cặp bò mua ngày vừa vào rừng đã dần dà hình thành một đàn bò mười lăm con, con nào con ấy béo nây; tối tối vừa đi gác rừng, vừa đặt ống lươn, sáng ra đi đổ ống, không những có thức ăn tươi đủ trong ngày mà còn dư hàng mấy ki lô đem bán, gom góp đủ tiền mua được xe đạp tốt cho cả chồng lẫn vợ. Đến năm 1996 thì vợ chồng tôi làm được nhà kiên cố với kinh phí năm mươi triệu đồng, một ngôi nhà được coi là hoành tráng nhất dưới thung lũng rừng phòng hộ lúc bấy giờ”.
Có phôn gọi đến, ông Hồ xin lỗi phải đi, vì có cuộc họp đột xuất với lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Chúng tôi tạm biệt ông giám đốc với câu chuyện còn dang dở nhưng ông liền chu đáo phôn cho trạm Ngọc An, giới thiệu chúng tôi sẽ đến đó thăm một số gia đình hộ vừa giỏi giang nhiệm vụ phòng hộ rừng vừa có cách ăn nên làm ra.
3.Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thành Quách Thị Tươi, một người luôn xốc vác và khá am hiểu hệ thống rừng phòng hộ và trang trại theo công nghệ thời 4.0 trên địa bàn huyện xởi lởi nhận trách nhiệm đưa chúng tôi về trạm Ngọc An thuộc xã Ngọc Trạo, vốn là chiến khu đánh Pháp đuổi Nhật đầu tiên của xứ Thanh ( năm 1940). Ở đó, chúng tôi được thăm khu rừng phòng hộ toàn cây thông trưởng thành đang mùa cho lấy nhựa của hộ ông Đỗ Bôn. Ông Bôn nguyên là chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Trạo, người đã tiên phong nhận khoán hai mươi ha rừng phòng hộ với ngót năm ngàn gốc thông, một công việc mà hồi còn cơ chế quản lý cũ, lâm trường phải bố trí đến mười tám lao động và hai bảo vệ. Hộ ông Bôn không những bảo quản rừng tốt, thông phát triển đều, cho nhựa hoa lợi mỗi năm hàng chục triệu đồng mà còn tương trợ các hộ khác cách thức chăm sóc và bảo quản rừng thông phòng hộ, cách thâm canh cây ăn quả quanh chân đồi thông, đồi cây tai tượng, cách gây đàn ong mật, cách xây dựng trang trại trong thung lũng giữa các ngọn đồi để nuôi lợn, nuôi trâu, bò, gây đàn dê…
Nhân viên bảo vệ trẻ Tạ Hồng Biên là một hộ trong số đó. Biên là con trai của một gia đình công nhân lâm trường hồi khó khăn đã hưu theo dạng về một cục. Khi cơ chế khoán rừng đến hộ đi vào đời sống, người lao động trong lâm trường trở nên khấm khá, bố mẹ Biên từ quê trở lại lâm trường, “gãi đầu gãi gáy” gặp lãnh đạo, xin cho con trai được nối nghiệp rừng của họ. Biên không những được nhận vào làm bảo vệ mà còn được chia ba sào đất rừng cạnh đường liên thôn bản, vừa để làm nơi ở, vừa là thứ đất, giống như đất 5% của hợp tác xã nông nghiệp dưới xuôi trước đây, để đầu tư, canh tác hoa màu lúc nhàn rỗi góp thêm cho việc cải thiện đời sống thường ngày. Không có thế mạnh về vốn liếng, đất đai và nhân công như một số hộ vóc vạc khác, Biên chọn cách tư vấn của ông Bôn là nuôi ong mật. Hiện tại, đàn ong của hộ Tạ Hồng Biên đã có hơn ba trăm bọng, tuy năm nay mất mùa nhãn, lượng mật giảm đáng kể nhưng anh vẫn thu được tấn rưỡi mật; giá bán sỉ tại chỗ là 150 ngàn đồng/kg, Biên hy vọng sẽ lãi ròng khoảng trăm tám mươi đến hai trăm triệu đồng.
Hộ chị Lê Thị Hải thuộc diện có lực sẵn, chồng chị là người nhận khoán trồng năm đồi cây keo tai tượng rộng hai mươi ha. Chồng khỏe vợ mạnh, biết tính toán cách làm ăn lớn nên đàn lợn trang trại của chị Hải năm nay rất được giá, lãi ròng vài trăm triệu. Từ vốn liếng đó, chị đang gây một đàn dê hơn ba trăm con và bước đầu đã “xuất chuồng” hàng chục đầu dê cho các nhà hàng ở thành phố Thanh Hóa. Nhờ có thu nhập sung túc, đều đặn, gia đình hộ chị Hải đã làm được nhà to nhất nhì xã Ngọc Trạo, con cái được gửi lên huyện lên tỉnh học trường năng khiếu.
Những người như ông Đỗ Bôn, như anh Biên, chị Hải và các hộ ăn nên làm ra ở các trạm rừng phòng hộ khác là lực hút khởi sắc, là tác nhân quyết định đến kết quả ghi nhận ấn tượng: Hơn bảy ngàn ha rừng phòng hộ trên địa bàn sáu huyện được bảo vệ an toàn, được mở mang phát triển và sinh lợi; bốn trăm hộ nhận khoán rừng giờ đều từ khá giả trở lên.
4.Rời trạm Ngọc An, chúng tôi nhận được phôn của giám đốc Phạm Văn Hồ, hẹn chiều muộn ông về sẽ đón mấy anh em đến nhà riêng trong trang trại ở xã Thành Vân ăn bữa cơm dưa muối mà ông nói, đã chỉ đạo từ xa cho bà vợ ở nhà chuẩn bị. Sau đó, ông Hồ dặn thêm, đêm nay chúng tôi sẽ ngủ lại trong trang trại của ông để sáng mai đến vùng trồng sả Thành Vinh cho gần. Ông vắn tắt giới thiệu như một sự quảng bá rằng, tại khu vực trạm Thành Vinh, nhờ có cây sả trồng đại trà trong các thung lũng rừng phòng hộ mà cả xã không còn hộ nào nghèo, trong mười ba thôn, thôn nào cũng có tỷ phú VNĐ trồng sả, đặc biệt có một kỹ sư trẻ học ngành công nghệ chế biến cây quả nông nghiệp tên là Hoàng Trần Minh đã tự chế ra máy ép dầu từ thứ lá sả bỏ đi sau thu hoạch. Nhờ công nghệ này, bà con nông dân bán mỗi tấn lá sả được ba, bốn trăm ngàn đồng, thứ mà trước đây nhiều vô thiên lủng, nhưng phải chờ khô, đốt tại ruộng, vừa phí của vừa gây ô nhiễm môi trường. Dầu sả của Minh đã có thị trường ở nhiều tỉnh. Bản thân kỹ sư Hoàng Trần Minh đã mở được một cửa hàng đại lý tại đường Lạc Long Quân, Hà Nội….
Nghe câu chuyện qua phôn rặt những thông tin mới mẻ và khơi gợi của ông giám đốc Phạm Văn Hồ, tôi cứ trầm trồ lời có cánh về sự gắng gỏi về tri thức giỏi giang của ông, một ngưởi chỉ trưởng thành từ chân trắng bảo vệ, chị Quách Thị Tươi liền giải thích: “Anh Hồ có hai bằng đại học đấy anh ạ. Anh ấy là người rất tiến thủ, từ cái hồi còn là đội trưởng bảo vệ nhận khoán chín ngọn đồi, gồm sáu mươi mẫu đất vừa trồng rừng vừa làm trang trại, anh Hồ đã tính đến chuyện, muốn làm ăn hiệu quả, ngoài cần cù, siêng năng, ngoài biết tính toán trù liệu, còn phải cập nhật được kỹ thuật, công nghệ. Thế nên, vào năm 2001, khi đã 39 tuổi, anh Hồ vẫn còn nộp đơn, xin thi đại học và đỗ vào trường Đại học Lâm nghiệp ở Chương Mỹ, Hà Tây cũ.
Đi học xa là một thử thách lớn vì lãnh đạo lâm trường lúc đó chỉ đồng ý cho anh Hồ đi học, còn những thứ khác như nhiệm vụ của một đội trưởng bảo vệ, kinh phí học tập cho cả khóa…, cá nhân anh ấy đều phải tự sắp xếp. Sinh viên Phạm Văn Hồ đã đăng ký chương trình học theo lịch mỗi tháng mười ngày liên tục. Ở đơn vị bảo vệ của lâm trường, các đồng nghiệp cáng đáng công việc cho anh khi đi học vắng. Sau đợt học xong hàng tháng, anh Hồ về đội đảm nhiệm hai mươi ngày còn lại và nhận thêm nhiều suất gác đêm. Chi phí học tập thì đến bây giờ các anh ở Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành vẫn thường hay đùa rằng, giám đốc của họ là kỹ sư “sáu bò”! Bởi để có kinh phí cho bốn năm đi học đại học ngành lâm nghiệp, vợ anh Hồ đã bán đi cả thảy sáu con bò to nhất đàn.
Vào năm 2010, Lâm trường Thạch Thành được chuyển đổi chức năng nhiệm vụ thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thanh, kỹ sư Phạm Văn Hồ được bổ nhiệm làm giám đốc Ban này. Lại thấy cần phải học để có kiến thức về quản lý, anh ấy đăng ký học lớp đại học luật tại chức tại thành phố Thanh Hóa và năm 2015 đã có bằng đại học thứ hai”.
5.Khi về gần đến nhà giám đốc Phạm Văn Hồ ở xã Thành Vân, chị Tươi mời chúng tôi rẽ vào thăm trang trại của hộ gia đình ông. Trước khi vào bên trong vườn thanh long đang có mấy người làm công thu hoạch, chị Tươi nói thêm, trang trại của anh Hồ lúc đầu rộng lắm, giờ chỉ còn chừng một phần ba thôi, vì anh ấy đã san sẻ cho một số hộ công nhân của lâm trường Thạch Thành trước đây đã bỏ về quê nhưng ở quê khó bề sinh nhai, nên họ phải quay lại đơn vị cũ xin đất, xin rừng để tái lập nghiệp. Nhờ anh Hồ bao cho, nay họ đều trở thành những hộ trồng rừng, hộ làm trang trại vào loại khá giả.
Đi trên trục chính của khu trang trại rộng mười ba ha, chúng tôi cảm nhận ngay được rằng, đây là cơ ngơi của một chủ hộ biết làm ăn trong thời đại công nghệ 4.0. Các thửa vườn rộng rãi trồng cây ăn quả hữu cơ chất lượng cao được quy hoạch mạch lạc như những ô bàn cờ với hệ thống tưới tiêu, chống nóng, giữ ẩm hiện đại theo tiêu chuẩn sạch; hoa lợi thì ngời màu sung mãn trong ánh nắng thu vàng chiều hôm và trải đến tận chân đồi rừng phòng hộ xanh ngút ngàn, trồng toàn giống cây gỗ quí lát hoa đã có hơn chục tuổi./.
Bút ký của Lê Ngọc Minh, Trần Thị Hoài