Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, VCCI đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ công tác chủ yếu Đại hội VCCI lần thứ VI đề ra và những nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao.
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ công tác chủ yếu Đại hội VCCI lần thứ VI đề ra và những nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao, hướng tới một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia Thịnh Vượng.
Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Khóa VI của VCCI. (Nguồn: DDDN)
Đáp ứng yêu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp
Qua các hoạt động chính của VCCI, công tác xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại – đầu tư, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,… đã được đẩy mạnh, nhìn chung tăng 20% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao. VCCI đã chú trọng tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực của các hiệp hội, đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc, cơ bản hoàn thành việc thành lập và triển khai hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động… Ngoài các hoạt động truyền thống, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động mới có tính sáng tạo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Vị thế, uy tín của VCCI được nâng cao ở trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, VCCI cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình trong điều kiện tự trang trải quỹ lương và chi phí thường xuyên, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho các chương trình, dự án xúc tiến thương mại – đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đó là một cố gắng rất lớn thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đối với đất nước, đối với cộng đồng doanh nghiệp của Ban Chấp hành và tập thể cán bộ, nhân viên VCCI.
Trong đó, hoạt động góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh được đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng. VCCI tích cực tham gia góp ý, xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng và có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, thường xuyên cử thành viên trực tiếp tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Hội đồng thẩm định xây dựng và thẩm định nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, trong đó có rất nhiều văn bản rất quan trọng và tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế; chú trọng triển khai nhiều hoạt động rà soát, nghiên cứu về việc xây dựng và thực thi văn bản pháp luật.
Đơn vị còn đề xuất nhiều sáng kiến góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh như: chủ trì điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm (được duy trì thường niên từ năm 2005); chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Cải cách thủ tục hành chính (Ban II) theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao; tập trung rà soát những bất cập trong quá trình thực thi chính sách của các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với bộ, ngành tiến hành khảo sát đánh giá mức độ CCTTHC trên một số lĩnh vực cụ thể quan trọng như Thuế, Hải quan, Xây dựng… VCCI cũng là đơn vị tiên phong trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư (PPP).
Các hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của VCCI ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng. Đơn vị đã tổ chức điều tra, khảo sát, công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp, báo cáo về quan hệ lao động, báo cáo về DNNVV, báo cáo về phát triển bền vững; xây dựng các báo cáo về tình hình thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp… Các báo cáo của VCCI đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương coi là các tài liệu tham khảo quan trọng, làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI tích cực, chủ động tham vấn và góp phần hoàn thiện các chính sách hội nhập đỉnh cao của đất nước. Hàng năm, VCCI thực hiện nhiều khuyến nghị, góp ý, bình luận chính sách về các vấn đề hội nhập, trong đó đáng chú ý là các khuyến nghị với Chính phủ về phương án đàm phán Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khuyến nghị với Chính phủ về cách thức hành động trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; về việc thực thi mở cửa thị trường các dịch vụ theo CPTPP…
Bên cạnh đó, công tác tập hợp, liên kết doanh nghiệp được tăng cường và mở rộng, đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ VCCI chủ động tập hợp và thúc đẩy liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến nay đã thành lập được Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp để thực hiện chức năng phối hợp, liên kết và hỗ trợ cho trên 400 hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nghiệp trong toàn quốc; hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động cho 53/63 hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh, thành phố. VCCI cũng xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam để tăng cường năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp. Trong giai đoạn đại dịch COVID- 19 bùng phát và tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất – kinh doanh doanh nghiệp trong hai năm 2020 – 2021, VCCI đã chủ động nắm bắt tình hình doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các hội nghị giao ban trực tuyến với doanh nghiệp, HHDN; tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát để tổng hợp, phân loại, đề xuất giải quyết trên 600 kiến nghị của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.
Hoạt động đào tạo, phát triển doanh nghiệp được VCCI bám sát nhu cầu thực tiễn và đón đầu các xu hướng mới. Hoạt động gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong đào tạo nghề cũng được chú trọng thông qua các hoạt động phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. VCCI đã chủ động xây dựng, phát triển các quan hệ hợp tác với các tổ chức đối tác để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp như WB, GIZ, ILO, USAID, UNIDO, UN, WEF, WBCSD…
Có thể nói, VCCI là tổ chức đi đầu trong việc phát động “Chương trình Quốc gia khởi nghiệp” và xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ DNNVV, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong cả nước. Với sự lớn mạnh nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp trong các năm gần đây, VCCI cũng đã chủ động xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Việt góp phần chinh phục khách hàng Việt và phục vụ xuất khẩu; phát động và đẩy mạnh chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. VCCI cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị và hoàn tất các đề xuất trình Chính phủ Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030.
Hoạt động xây dựng đội ngũ doanh nhân có chuyển biến mạnh mẽ. VCCI đã tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngoài các chương trình đào tạo cho doanh nhân, nâng cao năng lực cho người sử dụng lao động, VCCI đã triển khai nhiều chương trình góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh như: tổ chức và vận động doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động…
VCCI còn thực hiện tốt vai trò đại diện giới sử dụng lao động cấp quốc gia, hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa; tham gia tích cực vào Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia, Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng An toàn vệ sinh lao động quốc gia, Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm Xã hội; tham gia vào quá trình xây dựng chính sách hoàn thiện bộ máy tổ chức của cơ quan đại diện người sử dụng lao động tại Việt Nam. Lần đầu tiên, vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động đã được luật hóa, quy định cụ thể tại Bộ luật Lao động năm 2019.
VCCI đáp ứng được yêu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: A.N)
Hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập, phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội
Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư được VCCI đẩy mạnh tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga…; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư thông qua các diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác chiến lược và hội đồng kinh doanh; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện một số các chương trình đề án, dự án xúc tiến thương mại – đầu tư quan trọng do Chính phủ giao như Đề án xúc tiến thương mại – đầu tư với các đối tác chiến lược, thị trường trọng điểm theo Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ, các đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nâng cao năng lực cạnh tranh…
VCCI cũng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các sự kiện đối ngoại nổi bật. Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI đã tham gia đóng góp ý kiến tại các kỳ họp của các tổ chức quốc tế và khu vực như Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tại Hoa Kỳ, Indonesia và Trung Quốc; Hội đồng Doanh nghiệp GMS tại Thái Lan, Philippines, Nhật Bản…; đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham gia các Uỷ ban song phương và đa phương về hợp tác kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực. Sự kiện nổi bật trong nhiệm kỳ là VCCI đã tổ chức thành công các sự kiện của doanh nghiệp trước và trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, trong đó, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS); Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (APEC CEO Summit); tổ chức thành công các hoạt động lớn trong năm ASEAN 2020.
Công tác hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp trong kinh doanh và hội nhập được VCCI quan tâm và đẩy mạnh. Trong điều kiện thị trường thế giới khó khăn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tăng lên, VCCI đã thực hiện nhiều hoạt động trực tiếp để hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ thương mại quốc tế thông qua các cơ quan do VCCI thành lập gồm: Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại, Ủy ban Tư vấn về chính sách thương mại quốc tế, Văn phòng Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (tổ chức bên cạnh VCCI).
Tiên phong trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội, VCCI đã đề xuất và thực hiện thành công “Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững” thường niên (từ năm 2014-2017), được Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao Năng lực cạnh tranh giao làm đầu mối tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững (các năm 2018 – 2020); Xây dựng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức thường niên Chương trình “Đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam”. VCCI đã xây dựng và triển khai Dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững; Là một trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD); thành viên Tổ công tác của Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững (DWCP) trong khuôn khổ hợp tác giữa ILO và Việt Nam giai đoạn 2017 – 2021.
Vì một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia Thịnh Vượng
Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VI, 2015-2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VII, 2021-2026 của VCCI cũng đề cập đến các nội dung được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện mới. Dự thảo mới bổ sung tiêu đề: “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh và thực hiện chuyển đổi số. Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hiệu quả hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”.
Theo đó, tầm nhìn và sứ mệnh, bổ sung tầm nhìn và sứ mệnh của cộng đồng doanh nghiệp và VCCI với thông điệp: “Với quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, tầm nhìn của VCCI là: Doanh nghiệp vững mạnh – Đất nước thịnh vượng. Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới. Cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc”.
Cùng với đó, dự thảo đặt ra 5 mục tiêu chung và đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ tới như: Tổ chức đánh giá, xếp loại hàng năm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố; Thu hút 5.000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững, xây dựng và triển khai bộ chỉ số xanh, thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các địa phương, doanh nghiệp; Tổ chức mỗi năm ít nhất 20 chương trình sự kiện hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử đạo đức kinh doanh, hình thành hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam; Tăng từ 10% đến 15% số lượng hội viên chính thức và thu hút 40% các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tham gia vào hội viên tập thể của VCCI.
Để đạt được mục tiêu trên, Dự thảo mới cũng xác định 3 đột phá chiến lược.
Thứ nhất, tham gia sâu và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo sức hút cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài và động lực cho việc thành lập phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng, khuyến và thực hiện các quy ước chuẩn mực đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử của doanh nhân, doanh nghiệp.
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh. Tập trung hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ số, các ngành có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn an ninh mạng, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số…
An Nguyên (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)