5 năm trở lại đây, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Kiên Giang luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt. Có được kết quả trên trước hết do tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và nổi bậc; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Kiên Giang – ông Trần Hữu Nghị khẳng định: “Với tinh thần đồng hành cùng DN, nhà đầu tư; luôn xem thành công của DN, nhà đầu tư chính là thành công của mình, trong thời gian tới Kiên Giang sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, cởi mở và thuận lợi hơn; góp phần tạo dựng một nền hành chính minh bạch, phục vụ, hiệu quả”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát một số công trình đang thi công tại Kiên Giang
Những lợi thế thu hút đầu tư cũng như thành tựu thu hút đầu tư nổi bật của tỉnh Kiên Giang tính đến thời điểm hiện nay, thưa ông?
Khác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, Kiên Giang là tỉnh đồng bằng nhưng lại có rừng, núi, biển, đảo… Chính đặc trưng này đã mang lại cho Kiên Giang nguồn tài nguyên đa dạng và đây cũng chính là lợi thế so sánh của Kiên Giang so với các tỉnh trong vùng.
Bên cạnh những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, Kiên Giang còn là 1 trong 4 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; có tuyến hành lang ven biển phía Nam thông thương với Campuchia và Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên mở ra nhiều cơ hội giao thương mới; đồng thời có Sân bay Quốc tế Phú Quốc và các cảng biển là cầu nối của vùng ĐBSCL với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bên cạnh nỗ lực khai thác hiệu quả những tiềm năng lợi thế sẵn có, thời gian qua Kiên Giang còn tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH; huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; thực hiện cải cách mạnh mẽ TTHC theo quy trình một cửa, một cửa liên thông có liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường. Ngoài ra tỉnh tăng cường giao lưu, đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; triển khai vận dụng có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển thương mại, du lịch và bước đầu đã phát huy được hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH tỉnh nhà.
Tính đến nay Kiên Giang thu hút được 712 dự án (bao gồm các dự án FDI), tổng vốn đầu tư 539.759 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận chuyển dầu khí, thương mại, dịch vụ… Trong đó, có 375 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 118.001 tỷ đồng, quy mô 27.130 ha. Có thể kể đến nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động như: Dự án KDL sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl; Nhà máy chế biến Thủy sản Trung Sơn; Nhà máy chế biến Thủy sản AOKI; Siêu thị Metro Cash & Carry VN; Nhà máy Bia Sài Gòn…, không chỉ tạo ra giá trị sản xuất mới mà còn thúc đảy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã thu hút đầu tư được 24 dự án mới với số vốn đầu tư đăng ký 40.313 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Đâu là những biện pháp căn cơ giúp Kiên Giang xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và nổi bật so với các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL?
Sở dĩ Kiên Giang trở thành “bến đỗ” của nhiều dự án quy mô lớn là nhờ tỉnh luôn chú trọng tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện dự án. Hàng năm khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (các Nghị quyết số 19), Sở Kế hoạch&Đầu tư đều tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, mới nhất là Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 19/6/2017 thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả, ở lĩnh vực thuế, thời gian nộp thuế của DN đạt bình quân 119 giờ/năm; tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt 100%, nộp thuế đạt 100% và hoàn thuế cho DN đúng thời gian quy định trên 95%. Thời gian nộp BHXH không quá 48 giờ/năm; thời gian thông quan giảm xuống còn 50% thời gian theo quy định.
Song song đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 319/CTr-UBND ngày 26/8/2016 phân công các Sở ngành thực hiện các nhiệm vụ để kết quả thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao.
Công ty TNHH MTV Thạnh Thới – Phà Thanh
Tỉnh Kiên Giang cũng tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính, thường xuyên rà soát, cập nhật sửa đổi các thủ tục, tăng cường áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong thực hiện các TTHC để các DN, nhà đầu tư thuận lợi thực hiện, giản chi phí về thời gian, tiền của. Riêng tại Sở KH&ĐT đã triển khai áp dụng cơ chế “một cửa liên thông” trong thực hiện đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư cho DN, nhà đầu tư. Song song với việc Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến các DN, nhà đầu tư về Chỉ số PCI thỉ tỉnh cũng tổ chức lấy ý kiến về các cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh; qua đó đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính và tinh thần, trách nhiệm các cơ quan của cả tỉnh trong việc giải quyết các TTHC cho DN, nhà đầu tư và có hướng chỉ đạo xử lý các sai phạm, chấn chỉnh các hạn chế thiếu sót…
Ngoài ra hàng năm, lãnh đạo tỉnh đều tổ chức họp mặt DN, nhà đầu tư để tôn vinh, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp cho tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan, chính quyền địa phương thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với các DN, nhà đầu tư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đồng hành cùng DN trong thực hiện dự án đầu tư.
Ông đánh giá như thế nào về kết quả Chỉ số PCI của Kiên Giang năm 2016 cũng như hướng nâng cao thứ hạng PCI trong thời gian tới?
Theo Bảng xếp hạng PCI 2016 do VCCI công bố, Kiên Giang đạt điểm số chung 60,81 điểm, xếp hạng 13/63 tỉnh, thành cả nước (giảm 2 bậc so với năm 2015) và xếp hạng 5/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, nằm trong nhóm các tỉnh xếp thứ hạng Tốt. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố trong cả nước có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
Đạt được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng nỗ lực của các Sở, ban ngành cấp tỉnh và địa phương trong triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 -2017, định hướng đến năm 2020; qua đó góp phần nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh. Ngoài ra các Sở, ban ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN tiếp cận các chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương như: vay vốn tín dụng, thông tin thị trường, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại và du lịch, đào tạo lao động…Cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, tích cực đồng hành của lãnh đạo các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ; đã tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển thương mại và du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: sự phối hợp giải quyết TTHC giữa các cơ quan chưa thật sự “một cửa liên thông”, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận “một cửa” chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho DN, chi phí và thời gian thực hiện TTHC còn cao, hỗ trợ pháp lý cho DN còn hạn chế… ; từ đó đã làm ảnh hưởng đến các chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng của Kiên Giang trong Bảng xếp hạng PCI năm 2016 so với năm 2015.
Để khắc phục những yếu kém, tiếp tục duy trì và phát huy các chỉ số thành phần tăng hạng, từng bước nâng cao thứ hạng PCI trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tin học hóa; công khai, minh bạch các TTHC, đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực: thành lập DN, thủ tục xây dựng, đất đai, cấp phép đầu tư, kê khai và nộp thuế, thủ tục hải quan…Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, không phân biệt đối xử và tạo sân chơi bình đẳng cho các DN, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp cận các cơ hội đầu tư, TTHC, chính sách ưu đãi đầu tư, các nguồn lực đất đai, tín dụng…
Ngoài ra tỉnh cũng sẽ quan tâm xây dựng các chương trình hỗ trợ DN, nhất là đối tượng DNVVN, DN mới thành lập về: tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, quảng bá thương hiệu, cơ chế, chính sách ưu đãi…; qua đó giúp DN tiếp cận, vận dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường sự phối hợp trong giải quyết công việc giữa các Sở, ban ngành liên quan và địa phương; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo mô hình thống nhất một đầu mối nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ cho DN. Thực hiện công khai, minh bạch các TTHC, rút ngắn thời gian, giảm chi phí; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ phục vụ cho DN, nhà đầu tư. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, đề xuất của DN trong quá trình lập thủ tục, triển khai dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại DN, nhà đầu tư để tiếp nhận thông tin và giải quyết kịp thời các kiến nghị, tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN, nhà đầu tư phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Minh Kiệt (thực hiện)