Quỹ Lê Lựu

Mùa Xuân mùa của thi ca  

5:11 sáng | 16/01/2022

VHDN.VN  Mùa Xuân theo lịch trăng của Dân tộc Việt Nam chúng ta còn là mùa của thi ca – Mùa Thơ.

Nhớ về những mùa Xuân, về những Tết chưa xa mấy nỗi mà bà con cả nước luôn gọi thật tự hào và thân thiết Tết Ta trước khi đại dịch Covid-19 tràn vào cuộc sống của nhân loại toàn cầu; Ngày Thơ Việt Nam đều được long trọng tổ chức khắp miền trong cả nước vào dịp Nguyên Tiêu – Rằm Tháng Giêng; Trang văn học nghệ thuật của các báo, tạp chí, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, nơi nào cũng ăm ắp thơ Xuân, rộn ràng cảm nhận, rực tươi sắc màu, trang trọng chữ nghĩa.

Xuân Nhâm Dần 2022 này, dù chúng ta vừa bỏ lại phía sau bao nhiêu là tổn thất, tử sinh của những ngày nhiều địa phương trong nước thực hiện giãn cách xã hội và hiện đang hãy còn phải kiên trì, năng động, mưu lược kịp thời chống chọi đại dịch khó lường với những biến thể mới về chủng loại virut nhưng cây Thơ, vườn Thơ, cánh đồng Thơ, bình nguyên Thơ Việt vẫn đầy đặn nụ chồi, ngào ngạt hương sắc. Thế mới biết “Cuộc sống không bao giờ chán nản” (Xuân Diệu)! Thế mới biết mùa Xuân là mùa của thi ca!

Văn hóa Doanh nhân, diễn đàn của những khát vọng xây dựng một nền văn hóa nền nã trong môi trường danh lợi cũng là địa chỉ để các doanh nhân, các nhà văn, nhà thơ, độc giả yêu thơ hướng tới đều đặn và chân thành. Trang thơ Xuân kỳ này, BBT hân hạnh giới thiệu đến Quý vị độc giả chùm thơ trữ tình phản ánh nhiều bình diện cuộc sống, nhiều cảm xúc trước hiện thực đầy sôi động và thử thách.

Tình cảm thơ Xuân ấn tượng nhất là các tác giả hướng tới những người chiến sỹ đang bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Nhà thơ Vương Thiên Nga hình dung ra người thân yêu nhất của chị đang: Anh cong mình trước gió/ Mỗi lúc nhớ về em/ Biển ồn ào trăn trở/ Thì thầm suốt cả đêm (Sài Gòn nhớ biển). Chính vì vậy mà tác giả rất đỗi cồn cào nữ tính: “Từ Sài Gòn em lòng dạ xôn xao/ Miền biển đảo có anh yêu thương nhất/ Hít sâu vào lòng dư ngân mùa hạnh phúc/ Căng tràn một vòng tay. (Sài Gòn nhớ biển). Quan sát “sinh hoạt” của người em là sỹ quan hải quân từ đảo xa về phép tết, nhà văn Lê Ngọc Minh chiêm nghiệm: “…Nhìn cách sáng ngày em rửa mặt/ Cách em luôn thức dậy lúc ba giờ/ Và, cả cách em trầm tư ngày gió trở…/Tôi mặn lòng người biên trấn biển khơi xa” (Em về phép Tết); Thể hiện nỗi lòng của người mẹ có con trai đang làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, nhà thơ Hà Thủy Phong Lan tha thiết: “…Tiếng sóng xô/ Lời con trai gọi zalo… chập chờn/ Nén từng tiếng nấc chúc con…” (Zalo lúc giao thừa).

Những sắc thái muôn màu của mùa xuân cũng được các tác giả trang thơ biểu hiện bằng những nét đời thơm thảo, tinh tế. Về quà biếu tết thời @, TS, nhà giáo Trần Đoan Trang viết thật chân thành, cảm động: “Trò môn Sinh tết thầy thùng rau quả/ Đủ thứ tươi nguyên còn lấm chấm đất vườn (Tết thầy); Góp thêm vào sự kỳ diệu của mùa xuân, tác giả này đã tìm ra bí quyết khiến sen nẩy chồi, trổ hoa trái mùa, dù:  “Rét đậm đại hàn thành rét hại/ Sen vườn em vẫn trổ nụ, miên miên” (Sen đông); Còn nhà thơ, doanh nhân Vương Thiên Nga giữa cái náo nức Tết đô thành vẫn dư ba hoài niệm: “Sài Gòn se se lạnh/ Giữa ngày đầu tháng Giêng/ Thảo thơm tròn đôi bánh/ Cúi đầu nhớ Tổ Tiên!”(Thành phố vào xuân)…

Trên trang thơ Tết Nhâm Dần 2022, BBT xin trân trọng giới thiệu đến Quý vị Độc giả thi phẩm Cây Bạch Dương của thi hào Nga nổi tiếng Sergei Yesenine, bài thơ được nhà văn Lê Ngọc Minh chuyển theo thể thơ lục bát.

VHDN xin kính mời Quý vị đọc thơ cùng lời chúc Năm mới – Cơ duyên mới, Thành công mới!

                                                    Lê Ngọc Minh tuyển chọn và giới thiệu

Sergei Yesenine (Thi hào Nga

h

 CÂY BẠCH DƯƠNG

Bạch dương đứng đó lâu rồi

Bên ngoài cửa sổ nhà tôi trắng ngần

Như là dát bạc thanh tân

Như càng trắng muốt mỗi lần tuyết rơi

 

Hiên ngang chĩa nhánh đâm chồi

Sáng lên như thể góc trời pha lê

Ấp iu bông tuyết đam mê

Điểm trang chồi nụ khác gì hoa đăng

 

Bạch dương đứng đó mơ màng

Âm thầm tích tụ vô ngần sức xuân

Chiều buông, tuyết sáng như vàng

Rực lên một khoảng không gian yên bình

 

Sáng ngày ấm áp bình minh

Ánh lê dương cứ quẩn quanh, không rời

Lại thêm bông tuyết rơi rơi

Đậu trên cành nhánh ánh ngời bạch dương

(LNM chuyển ngữ từ Tiếng Nga)

 

Vương Thiên Nga (Nhà thơ, Doanh nhân, Tp Hồ Chí Minh)

THÀNH PHỐ VÀO XUÂN

Phố rộn ràng hân hoan

Gửi cành mai ra Bắc

Hoa đào nở phương Nam

Bụi hồng thơm khoe sắc

 

Sài Gòn đêm tháng Giêng

Khúc nhạc xưa vang mãi

Sóng lòng đau đáu quê

Bao dung người ở lại

 

Niềm tin còn ấp ủ

Lời chúc lành hỏi han

Dịu niềm đau năm cũ

Thành phố Tấm lòng vàng

 

Sài Gòn se se lạnh

Giữa ngày đầu tháng Giêng

Thảo thơm tròn đôi bánh

Cúi đầu nhớ Tổ Tiên!

 

 SÀI GÒN NHỚ BIỂN

Anh ngoài đảo

Em đất liền

Chỉ gặp nhau qua câu chúc bình yên

Trên trang mạng xã hội

Mà nên duyên nên nợ

Nên vợ nên chồng

Anh gởi ước vọng vào hư không

Em thắm tươi nhờ chị gió

Trao món quà vô hình

Nhẹ như hoa cỏ

Như ngày không thể thiếu bình minh

 

Anh cong mình trước gió

Mỗi lúc nhớ về em

Biển ồn ào trăn trở

Thì thầm suốt cả đêm

 

Nơi em ở

Sài Gòn ngập nắng

Sài Gòn mưa

Những chiều gió mát

Những đêm ánh đèn màu lấp lánh tựa trời sao

Từ Sài Gòn em lòng dạ xôn xao

Miền biển đảo có anh yêu thương nhất

Hít sâu vào lòng dư ngân mùa hạnh phúc

Căng tràn một vòng tay.

 

Trần Đoan Trang (TS. Sinh học, Nhà giáo, Doanh nhân, Thanh Hóa)

TẾT THẦY

Trò môn Sinh tết thầy thùng rau quả

Đủ thứ tươi nguyên còn lấm chấm đất vườn

Từ chữ thầy, trò nên mùa hoa trái

 Sơ đơn mà nghĩa cử sánh tày non!

 

 

SEN ĐÔNG

Rét đậm đại hàn thành rét hại

Sen vườn em vẫn trổ nụ, miên miên

Người ngắm sen sẽ chẳng nhìn trắc ẩn

Nếu biết ngày ngày em trò chuyện cùng sen.

 

 

 SIM MIỀN ĐẤT CÁT

Em mang đóa sim trong hồn thơ thi sĩ

Từ miền đồi biền biệt tím chiều hoang*

Trồng ở vườn nhà tuyền đất cát

Sim rì rầm trổ nụ … sắc Hữu Loan.

*Mượn ý bài thơ Màu tím hoa sim của thi sĩ Hữu Loan

 

SÓNG NGẦM

Kính tặng Nhà văn Lê Lựu, sau khi đọc tiểu thuyết Sóng ở đáy sông của Ông

 

Mặt ao phẳng lặng không gờ gợn

Mà chân bờ có hèm nước ẩn hình

Anh hỏi em, đáy sâu dường có sóng?

Câu muôn đời khắc khoải nghiệp nhân sinh!

 

Hà Thủy Phong Lan (Nhà thơ, Dịch vụ thẩm mỹ, Thanh Hóa)

 

                                                  ZALO LÚC GIAO THỪA

                                                  Lẫn ầm ào tiếng sóng xô

                                                  Giọng con trai gọi zalo… chập chờn

                                                  Nén từng tiếng nấc chúc con

                                                  Giao thừa ấm áp, tân xuân an lành

                                                  Trùng khơi muôn dặm nước mình

                                                  Có con giữ bức trường thành – Biển Đông

 

Lê Ngọc Minh (Nhà văn, TS. Nghệ thuật học, Hà Nội)

 

                                                  EM VỀ PHÉP TẾT

 

Đất nước mấy ngàn dặm đường biên với bể

Triệu cây số vuông, nghìn vạn đảo Biển Đông

Gìn giữ nửa giang sơn tiên tổ Lạc Hồng

Năm sáu tuổi, em vẫn trùng dương trấn ải.

 

Tết này, em về nghỉ phép

Mười năm rồi huynh đệ cúng tất niên

Đêm giao thừa mâm cỗ dâng trời đất

Rượu em pha thêm chút muối đại dương

 

Em giải thích làm giùm đồng đội

Ở Trường Sa gửi mặn tặng đất liền

Cách em khấn dài gấp ba, tôi khấn

Chắc có thêm lời nhờ từ phía đảo xa

 

Giao thừa thức tràn sang năm mới

Đầu canh tư, em đã dậy, rời màn

Tôi thắc mắc, sao vừa nằm đã thức

Em cười, giờ này, phiên đốc gác của em

 

Sáng ra nước giếng xuân ăm ắp

Rửa mặt xong, em tưới vườn tận chỗ cặn trong thau

Tôi chợt hiểu, đảo san hô hiếm nước

Em không phí hoài dù một giọt của quê hương

 

Đêm mồng hai, tin gió mùa đợt mới

Em gọi phôn, dặn bộ đội nhà giàn

Thế rồi thức ngồi lì bên laptop

Chắc là mai với đồng đội, sẻ san…

 

Thật lạ, suốt hơn mười ngày nghỉ phép

Anh em gác chân nhau, chuyện vãn hết đêm trường

Em không hề một lời kể khổ

Nơi chân mây góc bể, tiền phương

 

Nhưng nhìn cách sáng ngày em rửa mặt

Cách em luôn thức dậy lúc ba giờ

Và, cả cách em trầm tư ngày gió trở…

Tôi mặn lòng người biên trấn biển khơi xa.