Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần rất lớn vào phát triển KT-XH của địa phương, thời gian qua Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang (KIWACO) đã có những hướng đi đúng đắn và đạt được nhiều thành công đáng kể. “Trên nền tảng này, đơn vị sẽ không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để hướng đến mục tiêu đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho người dân. Thông qua công tác đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ mới, đào tạo cán bộ và đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề; tổ chức lại cơ cấu phòng, ban, chi nhánh, xí nghiệp, phân xưởng phù hợp mô hình quản lý theo cơ chế mới” – Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Công ty KIWACO nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Công ty KIWACO
Nhiều đóng góp lớn
Nước và lương thực là hai nhu cầu tối quan trọng của con người mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm và có chiến lược bài bản. Chính vì vậy từ sau thời điểm được chuyển đổi từ Công ty Cấp Thoát nước Kiên Giang (theo Quyết định số 1386/QĐ-UBND); KIWACO đã luôn đề cao tinh thần trách nhiệm để hướng đến những mục tiêu đặt ra. Đến nay đơn vị đã có những bước phát triển vượt bậc về năng lực cung ứng nước, giảm tỷ lệ thất thoát; đưa lợi nhuận năm 2016 tăng 10% so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu đầu người tăng 6% so với năm 2015. Hiện, Công ty đã có 10 trạm cấp nước, 6 chi nhánh cấp nước với tổng chiều dài mạng lưới cấp nước hơn 350km (đường kính từ D100 đến D400). Nhằm mở rộng hệ thống cấp nước trong toàn tỉnh, KIWACO cũng đã tiến tới hoàn thành các dự án lớn như cấp nước và vệ sinh môi trường TX. Hà Tiên (công suất 8.000m3/ngày) được chính phủ Úc tài trợ 70% vốn; cấp nước và VSMT TP.Rạch Giá từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á; mở rộng hệ thống cấp nước TP.Rạch Giá về phía Tây Bắc đến thị trấn Hòn Đất (công suất 5.000m3/ngày đêm).
Cũng trong thời gian qua, KIWACO đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng hệ thống cấp nước KCN Thạnh Lộc – Kiên Giang với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ đồng; công trình nâng công suất Nhà máy nước Rạch Giá từ 34.000 m3/ngày lên 50.000 m3/ngày tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ đồng; công trình phòng chống nhiễm mặn cho Nhà máy nước Rạch Giá tổng vốn đầu tư 4,8 tỷ đồng….. Song song với đó, đơn vị cũng đã đầu tư nâng cấp một số trạm nước tuyến huyện như ở Thị trấn Minh Lương (lên 2.000 m3/ngày) và Thị trấn An Minh (lên 2.400 m3/ngày)…
Song song với đó, đơn vị còn đang tìm nguồn vốn cải tạo và nâng công suất thực hiện dự án “Chống ngập úng, thu gom và xử lý nước thải cho các phường trên địa bàn TP. Rạch Giá” và dự án “Thoát nước và xử lý nước thải TX. Hà Tiên” với tổng vốn đầu tư 2 dự án trên 1,3 nghìn tỷ đồng. Theo đó trong năm 2016 vừa qua, trên địa bàn TP. Rạch Giá, tỉnh đã chỉ đạo Công ty đầu tư 15 tỷ đồng triển khai 8 trạm nước ngầm, với 16 giếng khoan, tổng công suất 16.000 m³/ngày đêm. “Ban lãnh đạo KIWACO cũng sẽ tích cực chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý, nhằm đảm bảo ổn định nguồn nước mặt cung cấp cho nhà máy nước. Đi đôi với việc tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm và có kế hoạch trữ nước dự phòng. Đồng thời, chuẩn bị các phương án dự phòng khi có diễn biến bất thường xảy ra, phân công tổ trực tại cống đầu nguồn 24/24 giờ, để theo dõi biễn biến nguồn nước” – Ông Phương nói.
Xác định tầm quan trọng
Hệ thống cấp nước có vai trò quan trọng đối với đời sống và các hoạt động phát triển KT-XH của đô thị. Mấy năm gần đây, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành một số văn bản pháp luật nhằm chuẩn hoá dần bộ máy tổ chức và cải cách cơ chế quản lý cho phù hợp trong thời kỳ đổi mới. Mặc dù kết quả hoạt động của KIWACO cũng như các doanh nghiệp trong ngành đã có nhiều bước khả quan, cố gắng phát huy hết công suất. Tuy nhiên thực tế những mô hình quản lý và chính sách hiện hành liên quan đến vấn đề quyền sở hữu, những phát sinh trong quá trình cổ phần hoá, tính tự chủ và trách nhiệm của các công ty cấp nước… vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt như ông Phương chia sẻ thì vấn đề “nổi cộm” nhất của KIWACO hiện nay chính là các Công ty thiếu đội ngũ cán bộ, công nhân được đào tạo đúng chuyên môn, trình độ quản lý và vận hành kĩ thuật. Việc chỉ đạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý và thông tin kinh tế kỹ thuật chuyên ngành cũng như việc chỉ đạo phối hợp đào tạo cán bộ, công nhân ngành nước còn chưa hoàn chỉnh.
Vậy đâu là hướng giải pháp thiết thực nhất của ngành hiện nay? Có thể nói, sự phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý cấp nước – Chính là yếu tố cần thiết nhất. Đặc biệt, ngoài sự nỗ lực khắc phục những yếu kém còn tồn tại từ phía Nhà nước thì cũng cần có sự tham gia hưởng ứng từ phía người dân. Có thể nói đây chính là hai thành tố hỗ trợ lẫn nhau để KIWACO tự tin hoạt động và tiếp tục cống hiến bằng những phương hướng có hiệu quả nhất, mang lại lợi ích lâu dài cho nhân dân./.
Minh Kiệt