VHDN – Làn sóng sáng tạo về văn hóa và chất liệu văn hóa đã bắt đầu từ lâu, nhưng đâu đó thời gian gần đây nó lại rộ lên một cách mạnh mẽ từ những dự án cá nhân nhỏ lẻ cho đến những chiến dịch lớn.
Thậm chí có nhiều tổ chức, doanh nghiệp còn định vị tầm nhìn và nhiệm vụ kinh doanh của mình như những đơn vị kinh doanh gìn giữ, lan truyền và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc ứng dụng văn hóa Việt vào thiết kế thương hiệu vì thế cũng trở nên đáng để tâm đến hơn.
Chất liệu văn hóa đang dần trở thành một trào lưu mới?
Giới làm sáng tạo nói riêng và cả Việt Nam nói chung, đang bước vào một giai đoạn chuyển mình, hay yếu tố văn hóa này lại trở nên hợp thời với toàn thế giới? Người làm sáng tạo và cộng đồng, họ tìm hiểu văn hóa là vì nó thật sự có những giá trị sâu xa hay vì nó là trào lưu nhất thời? Là những người lấy văn hóa Việt làm nguồn cảm hứng, chúng tôi luôn mong mọi thứ sẽ phát triển hơn, đạt đến nhiều cột mốc cao cấp hơn và đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng hơn.
Lạc – một thần thoại mới của người Việt bởi tác giả Nguyễn Thái Anh
Người Việt đang trên đường tìm kiếm bản dạng của dân tộc
Hình dung mỗi đất nước như một tổ chức khổng lồ, phóng chiếu vào hình ảnh các doanh nghiệp. Lúc một tổ chức vừa mới thành lập, họ tập trung vào phần cứng, phần cốt lõi về vận hành, doanh thu và các vấn đề để ổn định bộ máy.
Đến khi họ muốn vươn ra bên ngoài, bán hàng hay khẳng định sự hiện diện, họ cần thương hiệu, họ cần một hình ảnh trong mắt người xung quanh. Mỗi đất nước cũng tương tự thế, Việt Nam cũng thế.
Sau một thời gian dài xây dựng nền tảng về kinh tế, chính trị xã hội một cách đủ ổn định, người Việt bắt đầu có nhu cầu chứng tỏ mình. Câu hỏi người Việt bắt đầu trăn trở đó là: làm thế nào để thế giới biết đến Việt Nam, Việt Nam phải trông như nào trong mắt bạn bè quốc tế, làm sao để người ta có thể nhận ra ngay mình là người Việt Nam.
Chất liệu văn hóa là thứ chất liệu cao cấp
Qua rồi cái thời dân mình mong chờ “ai cũng có cơm ăn áo mặc”, người Việt Nam đã tiến lên “ăn no mặc ấm”, rồi đến khi bước vào thế kỉ XXI, người ta bắt đầu quan tâm chuyện “ăn ngon mặc đẹp”. Thời điểm này người Việt bắt đầu một nhu cầu mới cao cấp hơn: Ăn gì và mặc gì để thế giới biết tới Việt Nam? Và còn phải là một Việt Nam đáng tự hào.
Người tiêu dùng có sự quan tâm đến yếu tố văn hóa và chất liệu Việt Nam cũng sẽ là một cộng đồng với những nhu cầu cao cấp hơn khi những giá trị khác được thỏa mãn. Những yếu tố đính kèm về văn hóa, thương hiệu quốc gia và cảm giác tự hào sẽ là thứ tạo ra những giá trị cao cấp cho sản phẩm của các doanh nghiệp.
Nếu có sự xuất hiện của yếu tố văn hóa, những sản phẩm bình thường cũng trở nên đặc biệt.
Văn hóa Việt là niềm tin, là điểm kết nối, là thứ thương hiệu thuộc về cộng đồng
Chất Việt là một công trình chung, là niềm tin và là điểm kết nối của rất nhiều lớp người với đặc điểm khác nhau. Nó là dòng chảy, là sự bồi đắp, là quá trình lắng đọng chắt lọc. Cái thứ kết tinh cuối cùng là một chuỗi dài những niềm tin và những giá trị tinh thần, nó có tác dụng kết nối và làm nảy sinh ra rất nhiều cảm xúc, điểm kết nối một cộng đồng lớn – cộng đồng Việt Nam.
Trong bối cảnh của thời đại này, nhất là khi có rất nhiều chuyển biến đang diễn ra ngoài kia. Cái niềm tin đó đang có một vị thế cực kì to lớn để giúp chúng ta đạt được những thứ cao hơn, xa hơn và tốt đẹp hơn.
Lưu Trọng Nhân