VHDN – Tuổi trẻ luôn có nhiều khát khao, đam mê bất tận. Điều quan trọng là có dám làm và cháy hết mình vì những đam mê đó hay không. Trần Đặng Đăng Khoa – một phượt thủ 33 tuổi quê Tiền Giang đã ghi dấu ấn cho tuổi trẻ của mình bằng một hành trình vượt chặng đường dài 80.000 km, đi qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 1.111 ngày với con “chiến mã” Wave đời 2008, mang biển số 63.
Trở về Việt Nam sau hành trình vòng quanh thế giới vào ngày 16/06/2022. Trần Đặng Đăng Khoa đã có nhiều trải nghiệm trong cuộc đời phượt thủ của mình. Văn hóa Doanh nhân có cuộc trò chuyện với chàng trai đầy hoài bão này và lắng nghe chia sẻ xoay quanh hành trình đầy ấn tượng anh đã vượt qua.
PV: Trở về sau chuỗi ngày dài rong ruổi chinh phục chặng đường vòng quanh thế giới, Khoa có thể chia sẻ với Văn hóa Doanh nhân về những cảm xúc cũng như việc gặt hái được gì sau chuyến đi này?
Trần Đặng Đăng Khoa: Bất cứ ai xa quê khi trở về đều rất vui và dâng tràn bao cảm xúc hạnh phúc, đó là một tình cảm thiêng liêng và gắn bó máu thịt. Thời gian Khoa bị kẹt lâu nhất bởi dịch bệnh là ở châu Phi 6 tháng, nhưng thời gian chưa trở về quê hương đã là 3 năm. Khác với mọi người, chuyến đi này là đi du lịch, khám phá vùng đất mới, nó giống như một chuyến đi học xa nhà. Có nhiều khi xuất hiện suy nghĩ mình không về được bởi nhiều rủi ro không may xảy đến như: thời tiết (bão tuyết, nắng nóng của sa mạc, mưa gió..), khó khăn trong việc xin visa, … nhưng cuối cùng, Khoa vẫn khỏe mạnh trở về quê hương, trở về với gia đình, người thân, bạn bè, được ăn những món ăn mình yêu thích, được uống những ly cà phê của quê hương nơi mà mình thường hay lui tới. Đó là điều bình dị nhưng vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nữa là tận hưởng niềm vui chiến thắng khi mình đã thực hiện được giấc mơ, đã chinh phục được chính bản thân mình. Cảm xúc khi máy bay tới vùng trời cửa Việt Nam là một cảm xúc khiến Khoa không có từ gì diễn tả nổi.
Gặt hái lớn nhất mà có được từ chuyến đi này đó là thực hiện được giấc mơ ấp ủ từ rất lâu của Khoa. Được đi vòng quanh thế giới, đến tất cả các châu lục, những nơi mình muốn tới và gặp được những người bạn mới. Có vô vàn những kỷ niệm, những trải nghiệm thú vị để sau này kể cho bạn bè nghe về hành tinh xinh đẹp này. Được đặt chân tới nhiều vùng miền của thế giới, biết được nhiều hơn về cuộc sống xung quanh đồng thời cũng học thêm được rất nhiều cái mới.
PV: Điều gì đã thôi thúc Khoa “khoác ba lô lên và đi”?Khoa gặp những khó khăn trở ngại gì nhất trong chặng đường dài này?
Như đã chia sẻ ở trên. Khám phá vòng quanh thế giới là giấc mơ mà Khoa đã ấp ủ từ thuở nhỏ. Trước đây, chỉ biết các vùng miền trên thế giới qua màn hình, lúc đó đã thấy thế giới này rất là rộng lớn rồi. Và giấc mơ khám phá vòng quanh thế giới đã được nuôi dưỡng từ đó. Khi lớn lên, bước đầu khám phá trước tiên là các vùng miền ở Việt Nam, thế nhưng đối với Khoa thế vẫn chưa đủ, nó như một “lòng tham vô đáy”, đi không bao giờ là đủ.
Hành trình 1.111 ngày bắt đầu từ những chuyến đi gần, ở các nước Đông Nam Á, rồi đến châu Á, tiếp theo là đến các châu lục khác. Càng đi lại càng thấy thế giới bao la rộng lớn, và không ngần ngại đưa ra một quyết định táo bạo đặt dấu mốc ở tuổi 30. Khoa nghĩ “nếu không làm ở độ tuổi này thì không biết đến bao giờ mới có thể thực hiện được”. Có biết bao nhiêu là lý do để trì hoãn hành trình này, tuy nhiên, ddnhwungx lý do đó đã bị gạt bỏ tất cả và đặt lý do duy nhất để lên đường đó là thực hiện ước mơ lớn của cuộc đời mình.
Khi quyết tâm lên đường, Khoa cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là phải kể đến vấn đề làm thủ tục, xin cấp visa. Đối với người Quốc tịch Việt Nam thì thủ tục xin visa rất phức tạp. Hầu hết các nước đều phải xin cấp visa. Để giảm bớt rào cản thủ tục. Việc lên lộ trình, chọn những nước mà thủ tục ít phức tạp và dễ xin hơn là điều cần thiết và mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi bắt đầu lên đường, qua một vài nước, có Passport đóng dấu thì đến các nước tiếp theo đã đỡ phức tạp bởi họ biết mục đích và lộ trình của mình là đi du lịch.
Đồng hành với Khoa trong suốt chặng đường là chiếc xe máy. Vì vậy, với chặng đường dài như thế máy móc hư hỏng là chuyện không tránh khỏi, rồi lo chuyện đổ xăng, máy móc hao mòn phải tìm nơi để mua và thay sửa. Cũng không ít lần máy móc của xe hư hỏng nặng, lại gặp thời tiết khắc nghiệt mưa, nắng thất thường, gió, bão tuyết… ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình di chuyển bằng xe máy. Chi phí để sinh hoạt cũng là khó khăn không nhỏ. Khoa đã phải làm việc online để có thêm thu nhập làm lộ phí.
Trên chặng đường dài chỉ đơn độc một mình thì có hàng vạn lý do để dừng và trở về như: chờ đợi làm thủ tục quá lâu, phải loay hoay tìm chỗ ở tạm, bất đồng ngôn ngữ bởi không phải quốc gia nào cũng nói được tiếng anh, rồi việc đổi tiền để chi tiêu, đi lạc đường và nhất là sự ảnh hưởng khắc nghiệt bởi dịch bệnh COVID-19… Việc thực hiện một chuyến đi mà chưa ai đã từng thực hiện và có kinh nghiệm trải qua, vì vậy mà không có ai để hỏi mà Khoa đều phải tự mình xử lý. Đó cũng là những trở ngại lớn mà nếu như không có quyết tâm lớn thì sẽ không thể vượt qua.
PV: Khoa hãy chia sẻ những kinh nghiệm được đúc rút từ chuyến đi này cho các bạn trẻ đam mê khám phá những vùng đất mới? Cần chuẩn bị những gì mà Khoa cho là cần thiết nhất?
Về việc chuẩn bị thì trước tiên là xác định bản thân mình có muốn đi hay không thôi. Quyết tâm của mình là yếu tố lớn nhất. Có rất nhiều lý do để không đi nhưng chỉ cần một lý do duy nhất là mình muốn là có thể sắp xếp được. Bắt đầu thì nên đi ở các nước gần, vừa để thử nghiệm vừa để đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Passspots đóng càng nhiều dấu thì sẽ càng dễ xin được ở các nước xa xôi và khó xin visa. Nếu chưa đi đâu, chưa xin visa ở bất cứ một nước nào thì sẽ rất khó để xin visa ở những nước xa và có quy định nghiêm ngặt. Mặt khác, bắt đầu đi ở các nước gần thì các tình huống xảy ra sẽ dễ xử lý hơn, từ đó có các kỹ năng mềm cần thiết thì việc đi một mình ở nơi xa hơn cũng không đáng lo ngại.
Để đi được những bước đi lớn thì phải bắt đầu từ những bước chân nhỏ bé. Khi đã biết được sức chịu đựng của mình đến đâu thì sẽ lên kế hoạch cho những chuyến đi mới. Phương tiện di chuyển thì tùy sở thích và khả năng của mình. Và điều quan trọng là muốn đặt chân đến nơi nào, thì quyết định là ở mình, không cần phải copy lại hình ảnh và hành trình của bất cứ ai, đi như thế nào là tự mình lựa chọn, và tới được nơi mình thích chứ không phải tới nơi người khác thích.
PV: Khoa xoay sở thế nào để có đủ kinh phí cho hành trình chinh phục này?
Thực ra, khi thực hiện chuyến đi, Khoa không hề có nhiều tiền, mà vừa đi Khoa vừa làm online để có thêm kinh phí. Đầu tiên là việc xây dựng một Profile khá tốt. Khi thực hiện các chuyến đi trong nước thì đã có một lượng tương tác cao. Vừa đi vừa viết bài, review một cách chân thực và tạo độ hấp dẫn … từ đó tạo được độ tin cậy về kinh nghiệm cũng như trình độ viết của mình. Thực ra, ngay từ ban đầu Khoa cũng không nghĩ mình lại đi xa, nhưng càng đi thì lại càng cuốn hút, càng đi càng xa. Đặc biệt, chuyến đi khám phá bằng xe máy lại thu hút được đông đảo sự quan tâm và theo dõi. Cứ như vậy, đã tạo được uy tín và ký được nhiều hợp đồng quảng cáo từ chuyến đi của mình. Tất cả đều được thực hiện thông qua hình thức online. Một lợi thế nữa đó là, Khoa là người Việt Nam đầu tiên thực hiện hành trình này nên sẽ thuận lợi hơn các bạn sau này thực hiện. Thực hiện chuyến đi và thu hút được sự quan tâm là một lợi thế “đúng người” và “đúng thời điểm”.
PV: Trải nghiệm nào đáng nhớ nhất đối với Khoa trong cuộc “dạo chơi” vòng quanh thế giới này?
Mỗi ngày mình đi, mỗi người mình gặp, mỗi đất nước mình đặt chân tới đều có một cái dấu ấn riêng. Khoa là người khách từ xa tới, tất cả đều là số “0”, là lần đầu tiếp xúc và trải nghiệm, vì vậy mà tất cả đều nâng niu, tôn trọng mọi khoảnh khắc. Đó là lúc lang thang đi giữa sa mạc bỏng rát, hay một mình chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, bão tuyết, lang thang ở rừng Amazone, được tận mắt ngắm ngôi làng cổ ở châu Âu, có mặt tại Nam cực và được thấy những chú chim cánh cụt. Hay thời gian bị kẹt ở châu Phi do dịch bệnh, Khoa được gặp những người bạn mới, được đi ăn, đi chơi, được tiếp xúc với những nét văn hóa đặc trưng, phong tục của nước bạn…
Mỗi khoảnh khắc lại cho Khoa một cảm xúc riêng, cho dù khó khăn, thách thức hay những cảm giác chiến thắng, thăng hoa.. tất cả đều là những tài sản vô giá. Trong suốt chặng đường 1.111 ngày, ngày nào cũng là những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời, nó sẽ không bao giờ quay lại lần thứ 2 đối với Khoa.
Cảm ơn Khoa đã chia sẻ với Văn hóa Doanh nhân!
Nhật Mai