Nhân vật

Doanh nhân Lê Viết Hải: Quan điểm “Hành xử chính trực” trong văn hóa doanh nghiệp

4:44 sáng | 19/10/2022

VHDN – LTS: Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP. HCM, Chủ tịch Danh dự Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là doanh nhân nổi tiếng thành công trong lĩnh vực xây dựng. Không những thế, ông là người có thế giới quan sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, tầm nhìn mới vô cùng sâu rộng và trí thức hiếm thấy. Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, Tạp chí Văn hóa Doanh nhân đã có buổi trò chuyện thú vị với người kiến trúc sư tài năng này…

Chân dung Doanh nhân Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP. HCM, Chủ tịch Danh dự Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Phải nhìn xa mới đi xa được

PV: Thưa ông, đã nhiều năm trôi qua, câu nói “Doanh nghiệp Việt Nam và hành trình bơi ra biển lớn” hình như vẫn chỉ là… khát vọng của thì tương lai. Vậy theo ông, đâu là rào cản của doanh nghiệp ( DN) Việt trong thời đại hội nhập quốc tế?

Ông Lê Viết Hải: Tôi cho rằng, ngày nay nói đến kinh doanh, chúng ta không còn khu biệt ở thị trường trong nước. Tất nhiên là tôi đang nói đến những DN và doanh nhân có hoài bão và tâm huyết cống hiến cho đất nước, thậm chí là cho nhân loại. Và để thực hiện được hoài bão của mình, đòi hỏi các DN doanh nhân phải thay đổi tầm nhìn chiến lược, hay nói rõ hơn là phải có cái nhìn toàn cầu…

Doanh nhân Việt Nam nên mạnh dạn hướng tới  8 tỷ người trên thế giới là đối tượng khách hàng cần phục vụ, chứ không chỉ dân số trong nước. Nói thì dễ, nhưng thực hiện không phải dễ.

Nhiều năm sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, người Mỹ đã thốt lên rằng, nếu trước đây họ hiểu được cội nguồn văn hóa nước ta thì chắc chắn không gây ra cuộc chiến sai lầm….

Văn hóa là nền tảng! Quốc gia bang giao cũng bắt nguồn đầu tiên từ văn hóa! Này nhé, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trước khi đưa thương mại qua họ cùng lúc hoặc đưa văn hóa đi trước bằng con đường nghệ thuật… Kinh doanh cũng vậy thôi, văn hóa quyết định thành công! Không thể muốn phát triển kinh tế là tung tiền, đổ của vào đầu tư mà quên mất yếu tố bảo vệ môi trường đầu tư, xa hơn nữa là bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự sinh tồn của nhân loại.

Tôi cho rằng, DN Việt muốn bơi ra biển lớn, trước hết phải bỏ qua những lợi ích trước mắt, mà thay vào đó phải biết nhìn xa mới đi xa được. Chúng ta tự tin, coi Đại dương năm châu bốn biển là đại lộ mà ai cũng có quyền bước đi thì cũng phải biết coi trái đất là quê hương ta, phải bảo vệ môi trường cho trái đất, hồng bơi ra biển lớn. Và đây cũng chính là văn hóa trong kinh doanh thời hội nhập.

KTS Lê Viết Hải kiểm tra bản thiết kế công trình…

PV: Vâng! Xin cảm ơn ông đã phân tích rất sâu sắc về văn hóa kinh doanh toàn cầu. Thật vậy, sự cạnh tranh và hội nhập thành công trên trường quốc tế luôn đòi hỏi phải có quá trình và sự chuẩn bị toàn diện của DN Việt Nam. Song, nói như vậy không phải DN Việt không có những ưu điểm vượt trội! Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông!

Ông Lê Viết Hải:  Chúng ta đừng quên điểm xuất phát của nền công nghiệp Việt Nam nói chung khi bắt đầu hội nhập là rất thấp, kỹ thuật công nghệ vô cùng nghèo nàn lạc hậu. Nhưng đó không phải là điều quan trọng mà tôi muốn nói ở đây. Điều tôi muốn nhấn mạnh là, dân tộc ta có khả năng rất cao trong việc học hỏi, tiếp thu cái mới để thay đổi. Dân tộc ta cũng giàu óc sáng tạo, có nhiều phẩm chất cao quý vượt trội.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có tốc độ đổi mới vượt bậc trong khu vực. Theo bảng xếp hạng quốc tế về Năng lực đổi mới sáng tạo (Global Innovation Index 2021 ranking) thì Việt Nam đã vượt Phillipine và Inđonesia rất xa và trở thành nước có vị trí đầu bảng trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Tinh thần quốc gia dân tộc như vậy, nên không có lý do gì mà tôi không cảm thấy tự hào và tin tưởng vào con người Việt Nam, đặc biệt là đối với đội ngũ DN doanh nhân. Tôi còn cảm nhận được một nét riêng cao cả của người Việt. Đó là đức hy sinh! Nhân dân ta bình thường không khác thường, nhưng khi dân tộc gặp thử thách, nhân dân gặp thiên tai địch họa thì tất cả đều hy sinh lợi ích cá nhân để cùng hướng tới cộng đồng, nghĩ về Tổ quốc. Điều này đã được minh chứng qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, và gần đây là đại dịch Covid 19.

Kinh doanh là tạo ra con người

PV: Thưa ông, chủ đề cuộc trò chuyện hôm nay là văn hóa DN doanh nhân, tức cũng là văn hóa con người. Là người con của đất Kinh kỳ xứ Huế, phải chăng truyền thống gia đình và địa linh văn vật Cố Ðô đã tạo nên một Lê Viết Hải rất riêng, thưa ông!

Ông Lê Viết Hả: Vâng! Tôi sinh ra tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế – trong gia đình có 11 anh chị em. Cha tôi là ông Lê Mộng Đào, nguyên Hiệu trưởng Trường Bồ Đề Huế – ngôi trường đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được rất nhiều người biết. Cha mẹ tôi là người mộ đạo, nuôi dạy con theo nề nếp khả phong, coi trọng giá trị Chân – Thiện – Mỹ; tình nghĩa hơn tiền bạc, tinh thần hơn vật chất…
Sau này khởi nghiệp kinh doanh tôi luôn nhớ lời bố mẹ và coi đấy là mục đích cốt lõi để trở thành một doanh nhân biết phụng sự cho cộng đồng và xã hội…

PV: Theo ông văn hóa kinh doanh là gì? Ðâu là tiêu chí văn hóa DN của Tập đoàn Hòa Bình?

Ông Lê Viết Hả: Như tôi đã nói ở trên, văn hóa kinh doanh là tạo ra những lợi ích hài hòa và bền vững cho con người và xã hội. 35 năm hình thành và phát triển của doanh nghiệp chúng tôi là một chặng đường dài có thăng có trầm. Song tôi muốn nói đến một hành trình khác cũng lắm gian nan. Đó là hành trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa đó đến năm nay mới được đúc kết trong 4 từ. Đó là: Tử tế – Tiên phong –  Kỷ cương – Kiên cường. Bốn giá trị này thực ra là cách diễn đạt khái quát nhất. Hệ Giá Trị của Tập đoàn gồm 56 giá trị nằm trong 7 Nhóm Giá Trị: Ứng xử văn minh/ Hành xử chính trực/ Thực thi cam kết/ Tuân thủ kỷ luật/ Tích hợp tinh hoa/ Tích cực sáng tạo/ Chủ động hợp tác. Hệ giá trị này thực ra mới được hoàn thiện vào dịp kỷ niệm 30 năm của Tập đoàn.

Mỗi Nhóm Giá Trị trong Hệ Giá Trị đều cấu thành bởi 7 yếu tố để đạt được sự toàn diện. Ví dụ: chỉ có thể nói là

Hành xử chính trực khi đảm bảo thực hiện đầy đủ 7 chữ CÔNG: Công tâm trong phân xử, Công chính trong thu nhập/ Công bằng trong đối đãi/ Công minh trong thưởng phạt/ Công lý trong tư duy/ Công pháp trong hành động/ Công khai trong tài chính.

Nghiên cứu sâu nội dung chi tiết chúng ta sẽ nhận ra rõ hơn 4 giá trị cốt lõi bao trùm Hệ Giá trị của Tập đoàn:

TỬ TẾ: Biết ứng xử văn minh, hành xử chính trực, biết nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha, thành tâm cống hiến cho cộng đồng, phụng sự cho xã hội bằng tất cả tài năng cùng lòng nhiệt huyết của mình;

TIÊN PHONG: luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, khiêm tốn học hỏi tích hợp tinh hoa của nhân loại, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết phát huy năng lực sáng tạo của chính mình, biết nhìn xa, trông rộng để đi đúng hướng và giữ vị trí dẫn đầu.

KỶ CƯƠNG: luôn tuân thủ nghiêm nội qui của tổ chức, luật pháp của quốc gia, biết giữ gìn tôn ti trật tự, biết tôn trọng và luôn đem hết nỗ lực thực hiện đúng những gì mình đã cam kết;

KIÊN CƯỜNG: luôn bền gan, bền chí theo đuổi những ước mơ, hoài bão cao đẹp, dũng cảm đối diện với mọi nguy nan, biết biến thử thách thành cơ hội, biến trở lực thành động lực, không chùn bước trước khó khăn, thử thách và đi đến cùng trong việc thực thi sứ mệnh của mình.

PV: Cảm ơn ông đã có những khái niệm rất bổ ích không chỉ với DN doanh nhân mà còn rất giá trị trong văn hóa ứng xử hàng ngày.

Nền điện ảnh Hàn Quốc có một tác phẩm rất  nổi tiếng nói về tầng lớp doanh nhân mang tên Thương Gia. Nội dung của tác phẩm này đã đúc kết một câu rất hay: “Kinh doanh là để tạo ra con người” – còn ông nghĩ sao, thưa ông Lê Viết Hải!

Ông Lê Viết Hải: Vâng! Tôi hiểu đây là câu nói, chính xác hơn là một triết lý mang hàm ý sâu rộng và luôn đúng trong mọi thời đại. Trước hết phải nói rằng, con người là trung tâm, là chủ thể để phục vụ và hướng tới giá trị ngày càng cao hơn. Đối với DN, yếu tố con người còn là tài sản, là nguồn lực lớn quyết định sự thành bại của sự nghiệp.

Sự thành công của Tập đoàn Hòa Bình hôm nay do nhiều yếu tố mang lại, nhưng trong đó yếu tố con người là quyết định. Bởi thế, đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Ngày nay, trước xu thế cạnh tranh toàn cầu, yếu tố con người càng được các quốc gia quan tâm, bởi đây là nguồn lực quyết định chỉ số cạnh tranh cũng như sự ưu việt trong sự phát triển bền vững của một quốc gia. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm. Triết lý, “kinh doanh tạo ra con người” thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của các nhà kinh tế, cũng giống như triết lý thương gia “ Hạ trữ áo bông, Đông trữ áo hè” của người Trung Quốc vậy.

“Đừng tránh bóng tối Mà hãy thắp sáng lối đi cho mình”

PV: Thưa ông, nhiều người nói rằng, DN doanh nhân nên đồng hành cùng xã hội, có trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Viết Hải: Tôi cho rằng, trong hoạt động kinh doanh của DN tự thân họ đã đóng góp ít nhiều cho xã hội. Tuy vậy vẫn chưa đủ, vì xã hội vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn. Do đó, với tôi công tác từ thiện còn là nghĩa vụ quan trọng của DN.

Nhiều năm qua, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã coi công tác từ thiện cũng là hoạt động chính của DN. Bên cạnh mở rộng vòng tay góp một phần nhỏ giúp đỡ đồng bào khó khăn, tôi nhìn nhận công việc này cũng là một cách giáo dục các thành viên của tập đoàn hướng tới những giá trị nhân văn, từ đó mọi người càng gần nhau hơn, có ý thức với xã hội hơn. Từ đó hình thành trong tổ chức lòng nhân ái, vị tha, là cái gốc của mọi hành vi hướng thiện của mỗi người.

DN Lê Viết Hải rất đam mê âm nhạc, ông đã sáng tác, phổ nhạc rất nhiều tác phẩm

PV: Là thế hệ doanh nhân đi trước, nhân sinh nhật ngày Doanh nhân Việt Nam – hẳn ông có đôi điều nhắn nhủ đến tuổi trẻ khởi nghiệp, thưa ông!

Ông Lê Viết Hải: Theo tôi, muốn có nền tảng khởi nghiệp tốt thì các bạn trẻ phải biết nhìn xa, phải có mục tiêu rõ ràng, chọn lĩnh vực kinh doanh phù hợp với năng lực của mình. Con người ai cũng có sở trường, năng lực tiềm tàng, nhưng quan trọng là phải biết phát huy như thế nào. Đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh mà hãy nhìn vào yếu tố tích cực. “Đừng tránh bóng tối mà hãy thắp sáng lối đi cho mình”. Đất nước nào cũng có khó khăn và thuận lợi, có mặt mạnh yếu, có thách thức và cơ hội. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra và khai mở lối đi phù hợp cho mình. Tôi luôn tin tưởng và chúc các bạn doanh nhân trẻ tự tin khởi nghiệp thành công.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này! Chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc. Chúc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp tục vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.

Mai Thanh Phong 

“Chúng ta cần tự tin đi ra biển lớn, coi đại dương chính là một đại lộ thênh thang mà ai cũng có thể bước đi, xem trái đất là quê hương của chúng ta để dành tình cảm, dành sự trân quý, dành trọn tâm huyết và đem hết nỗ lực bảo vệ trái đất cụ thể là bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ những di sản của loài người, bảo vệ sự sống vô cùng quý giá trên trái đất”.

KTS. LÊ VIẾT HẢI

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình được nhiều tổ chức có uy tín xếp hạng là DN: Đứng số 1 ngành xây dựng – kiến trúc về nơi làm việc tốt nhất Việt Nam; đứng số 1 nhà thầu xây dựng uy tín Việt Nam; tốp 10 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam; tốp 50 DN Việt Nam có thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn nhất; là 1 trong 10 “DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” do Hiệp hội phát triển Văn hóa DN Việt Nam tổ chức lần đầu tiên.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp hàng đầu tại Việt Nam, sản phẩm chủ lực của Tập đoàn Hòa Bình là các công trình lớn trong lĩnh vực thi công xây dựng dân dụng, tiếp đến là công trình công nghiệp và hạ tầng. Sau 35 năm nỗ lực trên hành trình “ Từ 0 đến 1”, hệ sinh thái mới của DN đã thành hình, mở ra một kỷ nguyên kiến tạo những giá trị mới.