Tin nổi bật

Lê Lựu, người đã về đồng cói mênh mang

7:39 sáng | 11/11/2022

VHDN – Nhà văn Lê Lựu sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật đã từ trần chiều ngày 9 tháng 11 năm 2022 tại quê nhà.

Cách đây đã trên nửa thế kỷ, Lê Lựu khởi sự nghiệp văn bút ở tờ báo Quân khu 3 từ năm 1959 với nhiều phóng sự nóng hổi về bộ đội. Lê Lựu khi đó đã bắt đầu có những truyện ngắn đầu tiên in trên Văn nghệ quân đội như Tết làng Mụa và nổi tiếng với Người về đồng cói. Lê Lựu là tay cự phách với nhiều thể loại báo chí: phóng sự; ký sự; bút ký… rất sống động và có một giọng văn riêng. Những ngày ông viết Người cầm súng (tập truyện ngắn, 1970); Phía mặt trời (tập truyện ngắn, 1972); Mở rừng (tiểu thuyết,1976)… là những ngày đi thực tế tại các trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Ông đã viết nhiều bài báo và được Tư lệnh bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên hết sức khen ngợi. Đã nhiều lần, vị Tư lệnh “cấm” ông và nhà thơ Phạm Tiến Duật xuống các trọng điểm đang bị bắn phá. Nhưng với bản tính nhà báo, Lê Lựu vẫn nhiều lần trốn xuống với bộ đội, thanh niên xung phong. Nhiều bài viết nóng hổi khét lẹt mùi đạn bom đã tới tay bạn đọc. Cũng bởi vậy, tiểu thuyết Mở rừng mới ăm ắp tư liệu chiến trường đã trở thành một đặc sản văn chương viết về người chiến sĩ Trường Sơn cùng với các tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu và những bài thơ cực chất của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Tiếp đó, nhà văn Lê Lựu đến và ở lại Văn nghệ quân đội cho tới lúc về hưu. Cá nhân tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với nhà văn Lê Lựu.

Một hôm, cách đây gần hai mươi năm, Lê Lựu đưa cho tôi một tờ giấy A4 đã vi tính hớn ha hớn hở: “Này, đơn xin về hưu của tao, cho mày đấy!”. Tôi, chàng trai hăm sáu hăm bảy, phấn đấu mờ mắt chưa được vào biên chế nghe chuyện về hưu như sét đánh ngang tai, tò mò đọc lá đơn nọ. Đơn rất ngắn, đại ý là “Tôi, Lê Lựu, đại tá, nhà văn, nhập ngũ ngày… đã bốn mươi tuổi quân, nay đến tuổi năm mươi tám, xin các cấp có thẩm quyền cho về hưu để lo việc gia đình”. Cha ơi là mẹ ơi! Lo việc gia đình mà chọn cái thời điểm này phi Lê Lựu không ai chọn cả vì ai nghe cũng không thể cả tin thế được. Bảo là đủ tuổi, ừ. Bảo là đủ năm công tác, ừ. Hoặc là năng lực hoặc là gì gì chứ viện dẫn lý do thu xếp việc gia đình, lại là gia đình nhà văn nghe nó thế nào ấy, cứ hài hài, cứ chương chướng như là móc máy giễu cợt gì ai.

Tôi được gặp nhà văn cách đây hai mươi bảy năm, mùa hè năm 1995, tôi đi dự trại viết của Văn nghệ quân đội, khi ấy Lê Lựu là trại trưởng, đọc tác phẩm văn xuôi cho anh chị em. Lúc ấy, do chị Như Bình và chị Thanh Hà (hiện nay đã là các Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam) rất xinh đẹp coi như chiếm thời gian và tình cảm của Lê Lựu nên tôi dựa vào thế mạnh đồng hương, thế mạnh binh nhì mà tiến công. Ông đọc sáng tác của tôi rất kỹ và phán ngay: “Cơ bản là hỏng. Hỏng nhưng còn cứu được chứ không hỏng hẳn. Cậu viết thì có văn mà đọc thì không có chuyện”. Rồi ông an ủi: “Binh nhì cơ à. Lại đồng hương với tớ thì lo gì. Thôi, ra biển mà chơi. Tớ còn làm việc”. Tôi nhìn các bản thảo chữ tím của các chị kia ấm ức. Cơ mà không nản lòng. Cái sự văn chương là một sự dài, phải cày sâu cuốc bẫm, phải lăn lóc, phải biết giết đi chính mình mới mong có một cái gì. Ấy là sau này khi tôi đã có một số truyện in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn… ông mới bảo tôi thế.

Chính ra, chuyện viết lách của Lê Lựu cũng nên bổ sung là: Ông rất chăm viết. Viết công văn giấy tờ với Lê Lựu cũng là viết văn, ông gọi vui là văn chính luận nên cẩn tắc lắm, chữa đi chữa lại be bét cả ra cuối cùng chính ông cũng không đọc được. Ông lại hay vớ cái gì viết vào cái đó. Có một cái giấy mời chẳng hạn, lắm lúc nó được sang trang từ vỏ bao thuốc lá sang giấy bọc thuốc lào bố ai luận ra được. Lại còn hút thuốc lào không có diêm thì xé dần cái vỏ bao thuốc lá ra làm đóm. Thế là toi đời giấy mời. Làm nhân viên của Lê Lựu thậm khổ là thậm khổ ở những chi tiết như trên.

Tôi nhớ một lần, cũng là chưa xa ngày hôm nay. Khi ấy, Lê Lựu còn đang công tác tại Tạp chí, còn nhận trọng trách thực hiện những cuộc đối thoại hằng tháng của Tạp chí. Cuộc đối thoại trên lại nhằm vào một vấn đề nhạy cảm, vấn đề đất ở nông thôn. Cuộc ấy, có nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Sương Nguyệt Minh và tôi. Trời hôm ấy mưa dầm, bong bóng mưa giương mắt nhìn giời từ những hôm trước, báo hiệu sẽ mưa liên miên, nếu là anh phóng viên truyền hình, hoàn toàn có thể dựa vào lý do thời tiết mà bỏ cuộc.

Chủ tịch thị trấn mà chúng tôi sẽ đối thoại là một người lính chiến. Từng đánh nhau, từng bị đấu đá và thị phi, từng qua thời kỳ bao cấp và bị oan, bị ức hiếp giữa mưa gió, đội mưa đội gió đến Ủy ban từ rất sớm, bảo: “Lê Lựu bảo đến là đến đấy, các đồng chí có liên quan cứ chuẩn bị, sau đó thì đi ăn thịt chó ở ngoài quán. Tôi biết anh Lựu từ thuở Trường Sơn”.

Mấy anh em, thầy trò đến nơi ấy, bàn về việc ấy. Ai chả con nhà nông, từng là nông dân, khi ngã xuống lại về với đất cho nên bàn luận, lo lắng, sốt ruột, cả những ngẫm ngợi và suy diễn, cả sự thái quá bồng bột cố hữu của cánh văn nghệ sĩ cũng là một sự thật, có khi thoạt nghe thoạt đọc còn thấy gờn gợn chứ đọc kỹ nghĩ sâu thì thật là cái thật, cái chín muồi rồi. Chẳng qua gờn gợn là do các vị có chức sắc, quyền lực cũng có khuyết điểm, cụ thể là khuyết điểm do lợi dụng vào đất đai của nhân dân mà trục lợi, hoảng quá mà sợ sệt thôi. Cuộc ấy, rất nhiều người hỏi, sắc sảo, liên tưởng xa với gần, chiến lược với phúc lợi, cả nhân cách, đạo đức, cả sự viễn tưởng của nhà văn. Người trả lời tài năng không kém, toàn những ông từng ở chiến trường ra, đánh nhau liên miên để giành đất, giữ đất. Cầm lên miếng đất, thấy có mồ hôi và máu của mình phập phồng trong đấy làm sao không cẩn trọng, làm sao lơ là, và có thể làm sao dễ bề bị ai đó lợi dụng? Cho dù người đó có là anh em, bè bạn, hoặc là địch, hoặc là tư bản miệng nói tay đã dúi ngay vào túi mình tiền đô la, kể cả bọn lưu manh dùng súng, dùng búa dọa nạt đã đâu có dễ. Nghĩa là hoàn toàn có thể đường đường chính chính mà trả lời tay bo với mấy bố nhà văn, nói thẳng với mấy bố rằng bố ạ, chính các bố mới là mây khói, là lý thuyết giời ạ chứ bọn tôi đâu vào đấy rồi, đất vào tay doanh nghiệp nào y như là cơ ngơi doanh nghiệp ấy mọc lên, con em mình vừa có việc làm vừa có thu nhập tiền triệu cả đấy. Các bố nhà văn đừng có lo hão lo huyền. Thấp thoáng trong số 55 nghìn công nhân làm việc trong 43 doanh nghiệp có nhiều đồng chí cứ hao hao các bác nhà văn đấy ạ.

Khi ấy, tôi thấy Lê Lựu ngồi lặng lẽ, trầm mặc nhìn ra ngoài trời mưa gió. Nhà văn Trung Trung Đỉnh chừng như cũng tỏ ra quan hoài, im lặng, vân vi khi chưa thấy ông anh nói gì. Tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh cứ thao thao với đồng chí chủ tịch, với các đồng chí phụ trách các mảng kinh tế – xã hội khác. Mãi gần trưa, Lê Lựu mới lên tiếng, vẻ mặt rất là nghiêm chỉnh: “Tôi xin hỏi thực các anh thế này, bây giờ miếng ăn của nhân dân, của con em mình từ các doanh nghiệp nó có lấm láp lắm không?”. Tất cả lắng đi, Lê Lựu hỏi thế tức là ông đã có nhiều thông tin từ những bất cập nảy sinh thời gian gần đây của thị trấn, nào là chuyện hùa nhau đình công đốt phá công ty, nào là chuyện các doanh nghiệp bắt phạt vô cớ, xúc phạm công nhân, đánh đập thành thương tật, rồi tai nạn lao động gây chết người ỉm đi. Kể cả chuyện một số doanh nghiệp ma về với dự án ma chiếm đất để bỏ cỏ, rồi kiện cáo, vu cáo, rồi nghiện hút, mại dâm và rất nhiều vấn đề khác. Văn hóa bị phá hoại, xây dựng tùy tiện các công trình dân sinh, ngay cả các đồng chí lãnh đạo thị trấn, lãnh đạo huyện đứng chân trên địa bàn thị trấn và cả lãnh đạo tỉnh cũng có đơn thư của nhân dân tố cáo, thậm chí có cả tờ rơi, hò vè… Dân đã phẫn nộ là có vấn đề đấy, vấn đề nan giải rồi vì lòng dân vốn bao dung làm vậy. Mấy đồng chí trong thị trấn nhìn ông, một nhà văn tưởng như đi mây về gió, nếu quan tâm là quan tâm chuyện bên Mỹ bên Pháp hoặc là ở Trung ương cao kia chứ biết đến sự vụ tạp nhạp ở cái thị trấn này làm gì. Nhưng ai nấy tươi tỉnh và tỏ vẻ thán phục khi chủ tịch điềm tĩnh bảo: “Anh Lê Lựu ạ. Chúng tôi biết rất rõ điều đó, thực ra là đang chiến đấu vật lộn với nó cũng căng thẳng lắm, cũng khi thắng khi bại cả đấy nhưng không buông trôi đâu anh. Có phải chết trên đồng đất nhà mình chúng em cũng sẵn sàng. Chứ không chiến đấu, chứ đóng cửa bưng bít với nhau không cho doanh nghiệp vào, không cho con em của mình đi đâu mới là cái chết mòn mỏi, tức tưởi trong sự tự làm ngu dốt mình. Chẳng nhẽ chiến đấu hy sinh bao nhiêu xương máu rồi cứ ôm lấy hào quang chiến thắng với mái nhà dột, manh áo rách, cái bát mẻ, cổ cày vai bừa nó nhục lắm ông anh ạ. Cho nên rằng bọn em đây chấp nhận tay bo một cuộc nữa, cuộc này cũng sinh tử lắm, có tiền cầm tiền không có bản lĩnh, kể cả lương tâm và tài năng là chết như chơi, mà cũng chết nhục nhã chứ sung sướng gì. Nhưng không làm gì thì lấy đâu bộ mặt bây giờ hả anh, khu công nghiệp của chúng em đây năm vừa qua các doanh nghiệp nộp ngân sách tỉnh trên 100 tỉ đồng để lần đầu tiên tỉnh nhà không phải ngửa tay xin Trung ương cân đối thu chi. Một tỉnh kề ngay Hà Nội mà phải ngửa tay xin Trung ương cân đối thu chi trong đầu thế kỷ 21 này mới là một nỗi nhục nhã.

Trong bữa thịt chó buổi trưa hôm ấy trời thì cứ việc mưa, 55 nghìn công nhân cứ việc chia ca mà làm giàu cho mình, cho các doanh nghiệp và nhà nước, và trong một quán lá ở bìa sông Lăng, sáu, bảy ông cán bộ và ba, bốn ông nhà văn cứ tiếp tục bàn đủ thứ chuyện trên trời, dưới bể. Bong bóng mưa nổ lép bép nhẫn nại cả mấy ngày trời da thịt thị trấn xanh lên từ mái nhà cao tầng, cái ống khói nghễu nghện và sắc áo quần công nhân lấp lóa. Lê Lựu sau hồi hăng hái giờ lặng lẽ nhấm nháp mưa rơi muôn thuở. Các nhà văn khi cười khi nâng chén rượu quê nút lá chút sủi tăm bóng nồng đậm. Nhà văn Trung Trung Đỉnh mơ mơ màng màng phán ngay một câu: “Ơ, cái bác Lựu nhà mình, hóa ra là hiểu đất đai doanh nghiệp ra phết. Cơ mà giao đất cho bố thì rất nguy bởi bố thì làm gì biết tổ chức sản xuất mà lại hứng lên cho béng ai đó hoặc bán bừa đi thì tình hình sẽ ra làm sao nhỉ?”. Tất cả phá lên cười. Lê Lựu vừa nhai củ sả như nhai trầu, cười tít mắt bảo: “Bố láo nào” thì mưa gió vần vũ như đột nhiên lùi xa cả.

Mấy tháng trước, khi chị Lương đón nhà văn Lê Lựu trở về căn nhà tuổi thơ nơi bối cảnh ông viết Thời xa vắng, ai cũng thấy mừng thầm. Người đi ừ nhỉ thấm thoắt mây bay mấy chục năm rồi cũng đến lúc trở về làng cũ. Cái tên Lê Lựu lừng danh khắp trời Việt, trời Âu, Phi và đặc biệt là nước Mỹ. Lê Lựu có rất nhiều người bạn Mỹ và không ít người nhìn bộ tóc xoăn tít của Lê Lựu cứ nghĩ ông là người lai Mỹ nhưng tính cách ông lại đặc sệt chất nông dân Việt Nam bờ bãi sông Hồng. Lê Lựu dẫu có giày tất comple cravat trông vẫn cứ tất tả, tơi bời như ông nông dân vừa đánh xong mười mấy luống cày vụ chiêm nóng nực. Lê Lựu uống nước cứ chộp choạp vất vả thế nào. Cái cách Lê Lựu vuốt tóc cũng khiến người khác phát mệt bởi tóc ông vốn xoăn tít vô tổ chức, lại lúc viết lách văn chương bí bách hay sao mà ngài cứ vuốt bừa mái đầu bò đầu bướu. Bây giờ thì cái đầu ấy đã trọc lốc chỉ còn lơ thơ vài sợi. Tóc về với đất trước người cũng như lẽ đời, lẽ trời biển nông sâu.

Tôi ngồi mãi bên ông, nhà văn Lê Lựu giờ nằm thiêm thiếp, đôi mắt nhắm nghiền, hơi thở khe khẽ như đã từ lâu bỏ mặc xung quanh. Trong buổi trưa ngồi cùng chị Lương – con gái nhà văn, tôi nói rằng Lê Lựu là một người hạnh phúc.

Xưa nay, nhiều người cho rằng ông quá lam lũ, cơ cực, đắng cay, khúc khuỷu trên suốt chặng đường đời có lẽ còn chưa thấu đáo chăng? Lê Lựu từ bé đã được độc lập làm người lính, độc lập làm báo, làm văn, độc lập mở mang sự nghiệp, lại còn được bao nhiêu người xúm vào nghe ông nói, các thế hệ đua nhau đọc tác phẩm của ông, các lãnh đạo lắng nghe và tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho ông… Tóm lại là muốn sao được vậy thì cơ cực nỗi gì? Lê Lựu đích thực là một người hạnh phúc! Trời đất! Còn phải nghi ngờ gì nữa?

Ngày 9 tháng 11, khi nghe tin nhà văn Lê Lựu mất, tôi thấy thật là thanh thản, tuy nhiều nỗi bâng khuâng. Ông đã thực sự có một cuộc trường chinh mới, mênh mông, dài rộng. Người đã về đồng cói, cũng là người đã về phía mặt trời cao xanh thăm thẳm mây bay.

Vĩnh biệt ông!

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

Lê Lựu sinh ngày 2 tháng 2 năm 1938.

Quê quán: thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Năm 1959, Lê Lựu nhập ngũ vào Quân khu 3 làm báo, viết văn đến đầu thập niên 70 thì chuyển về Tạp chí Văn nghệ quân đội. Từng là Biên tập văn xuôi, Thư ký tòa soạn; Đại tá, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt; Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nhân (VCCI).

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

Giải A Hội Nhà văn Việt Nam 1976 cho tiểu thuyết: Thời xa vắng.

Tác phẩm đã xuất bản:

– Người cầm súng (1970);

– Phía mặt trời (NXB Văn học, 1972);

– Trong làng nhỏ (1977);

– Campuchia một câu hỏi lớn (NXB Thanh niên);

– Ranh giới (Tiểu thuyết, NXB Quân đội nhân dân);

– Ở phía sau anh (Truyện ký, NXB Hội Nhà văn);

– Thời xa vắng (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn);

– Đại tá không biết đùa (Tiểu thuyết, NXB Thanh niên);

– Chuyện làng cuội (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn);

– Sóng ở đáy sông (Tiểu thuyết, NXB Hải Phòng);

– Hai nhà (Tiểu thuyết, NXB Thanh niên, 1999).

TỰ BẠCH

Tôi là con út thứ (thứ tám) của một gia đình nhà Nho nghèo. Đến đời cha tôi là năm đời dạy chữ Nho. Năm tôi lên ba tuổi, cách mạng thành công nên không còn ai học chữ Nho. Tôi không biết một chữ Nho nào nhưng những gì cha tôi nói với chú và anh ruột tôi, tôi đều nhớ. Chẳng hạn như: “Chú và anh làm việc phải nhớ lúc lui về” hoặc “Hãy giúp người hết lòng mình. Nó như một thứ của để dành. Nhưng không được đòi, không được kể lể. Đòi và kể là hết”. Tôi là người ít học, ít đọc và lười nghĩ ngợi. Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là “Thật”. Tôi không thể viết được nếu không bám lấy sự thật. Tôi chỉ là người kể chuyện thật “có gì viết nấy”.

Nhà văn Phùng Văn Khai