VHDN – Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị cũng đề cập về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh, là yếu tố thống nhất về nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, từ đó tạo nền tảng hình thành và phát triển văn hóa kinh doanh của đất nước. Văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân cũng là nhiệm vụ được xác định cần phải chú trọng xây dựng của VCCI trong nhiệm kỳ mới 2021-2026.
Lần đầu tiên một hội thảo khoa học có quy mô với chủ đề “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh” được VCCI phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức trước thềm sự kiện Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10. Chủ đề của Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, văn hóa, nhà khoa học, các doanh nhân, DN tiêu biểu đại biểu cho giới doanh nhân Việt Nam.
“Văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để DN xây dựng, gìn giữ phát triển thương hiệu”. Đây là nhận của ông Nguyễn Xuân Thắng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày trong bài tham luận tại Hội thảo.
Chuẩn mực của đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh
Ông Nguyễn Xuân Thắng Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nhận định: “Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc hấp dẫn và lan tỏa. Nói rộng ra văn hóa chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hóa vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững”. Theo đó đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh là yếu tố tạo nên uy tín, thương hiệu của một doanh nghiệp.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc đề dẫn Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”
Tính trung thực được thể hiện ở việc người đứng đầu DN có dùng những thủ đoạn gian xảo hoặc phi pháp để kiếm lời, cạnh tranh thiếu lành mạnh hay không. Ngoài ra, còn được thể hiên qua chữ “tín” trong kinh doanh. Đó là việc khi sản phẩm được phân phối ra thị trường có đủ tiêu chuẩn chất lượng, có gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng hay không? có vi phạm bản quyền sở hữu của đơn vị khác? sản phẩm có đúng với nhãn mác, xuất xứ như đang ký và có truyền tải về tác dụng, công dụng của sản phẩm đúng sự thật, có gây hiểu lầm cho người tiêu dùng hay không?
Ông Nguyễn Xuân Thắng phân tích thêm: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Không ít doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt mà bất chấp mọi thủ đoạn làm ăn phi pháp, trốn thuế. Những hệ lụy từ việc làm đó là khôn lường. Bởi không chỉ làm thiệt hại đến sức khỏe người tiêu dùng vì phân phối hàng giả, hàng nhái, tàn phá môi trường trong quá trình sản xuất, không đảm bảo theo đúng quy trình xử lý chất thải, mà còn làm thất thoát tới nguồn ngân sách của Nhà nước.
Văn hóa là “khiên chắn”, trách nhiệm xã hội là “hộ chiếu”
“Văn hóa, đạo đức kinh doanh chính là khiên chắn, là thành trì bảo vệ doanh nghiệp”, mà trong đó, trách nhiệm xã hội là “hộ chiếu” thông hành để doanh nhân chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ – ông Nguyễn Xuân Thắng một lần nữa khẳng định quan điểm của mình khi bàn về tầm quan trọng của đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh của DN.
Doanh nghiệp phát triển bền vững được tạo dựng bởi yếu tố đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Lợi nhuận, doanh thu không thể tách rời với việc doanh nghiệp đó thực hiện xây dựng nền tảng văn hóa như thế nào, đạo đức doanh nhân thể hiện ra sao và trong quá trình kinh doanh văn hóa của họ được khách hàng, đối tác, người tiêu dùng đánh giá ở mức độ nào?
Tất cả các yếu tố đạo đức doanh nhân, đạo đức kinh doanh cấu thành nên một tổng thể chung được gọi là văn hóa kinh doanh. Một DN có đạo đức, có văn hóa trong kinh doanh là DN tạo được sự tin cậy trong lòng đối tác, khách hàng và người tiêu dùng. Đó là sợi dây bền chắc gắn kết DN với các mối quan hệ liên quan. Sợi dây đó càng bền chặt thì sự phát triển của DN càng mạnh, uy tín, thương hiệu càng được khẳng định, vị thế trên thương trường càng lớn. Nói cách khác, DN muốn phát triển bền vững thì phải xây dựng được một nền tảng văn hóa mang nét đặc trưng riêng có cho DN mình.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng: Mỗi DN đều xây dựng một nền tảng văn hóa kinh doanh riêng. Vì vậy, văn hóa của họ tạo nên hình ảnh và thể hiện qua diện mạo thương hiệu đặc sắc của DN. Không bao giờ có hai công ty lại có chung một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ từ chiến lược sản phẩm, quy trình kể cả bí quyết công nghệ. Song không thể sao chép được những giá trị văn hóa tinh thần.
Mặc dù sự phát triển có thể tiến tới đỉnh cao, công nghệ có thể giải phóng triệt để sức lao động cho con người. Tuy nhiên, không thể thay thế duy nhất một điều đó là niềm tin, đạo đức và kết nối tinh thần giữa mọi người. Văn hóa có sức mạnh to lớn truyền cảm hứng và tác động trực tiếp đến thái độ, động cơ và ý chí của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của DN. Đặc biệt, văn hóa, đạo đức kinh doanh càng có vai trò quan trọng giúp DN vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển thành công trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự đoán. Văn hóa có tầm quan trọng đối với sự tồn vong hay phát triển của DN, ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh một lần nữa nhấn mạnh: Văn hóa là “trụ đỡ, điểm tựa giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố chấn động bất ngờ, các cú sốc của thị trường, của đại dịch COVID-19 và cả những tác động sâu sắc của làn sóng toàn cầu hóa. Sự biến động của kinh tế toàn cầu, hay những bước nhảy vọt về công nghệ hay bất cứ lĩnh vực nào đều có thể tác động trực tiếp đến sự phát triển của các DN trên thế giới. Và cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến.
Phân tích ở một khía cạnh trách nhiệm với cộng đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Ở Việt Nam các doanh nghiệp, doanh nhân có uy tín trong xã hội cũng là những doanh nghiệp doanh nhân đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và môi trường, bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố trách nhiệm pháp lý, kinh tế, đạo đức, kể cả từ thiện trong sản xuất kinh doanh. Đó là những minh chứng sinh động cho thấy rằng trách nhiệm xã hội cũng là một nét đẹp của đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta”.
Vai trò của đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh đối với sự tồn tại phát triển bền vững của chính DN cũng như nền kinh tế của đất nước là rất to lớn. Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc vào đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay xây dựng phát triển gìn giữ nền tảng văn hóa đạo đức góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam thịnh vượng, hùng cường như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và của toàn dân tộc.
Đức Quân