Đứng thứ 2 cả nước về diện tích trồng mì (chỉ sau Gia Lai) và dẫn đầu về sản lượng là những điều kiện vô cùng thuận lợi để Tây Ninh vươn lên trở thành địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất và chế biến tinh bột khoai mì. Trong thành công chung này có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tinh bột mì trên địa bàn tỉnh, trong đó có Công ty TNHH Nông sản Quốc tế Hiệp Phát (Công ty Hiệp Phát). Những năm qua hoạt động của doanh nghiệp này không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng của cây mì, cải thiện thu nhập và đời sống của bà con nông dân.
Chất lượng là yếu tố tiên quyết
Có thể thấy ngày nay tinh bột mì đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Các dữ liệu thống kê cho thấy hiện tinh bột mì có hơn 4.000 ứng dụng và loại tinh bột này có thành phần cũng như đặc tính gần giống với tinh bột khoai tây, tuy nhiên xét về giá cả, tinh bột mì lại có giá thấp hơn nhiều so với tinh bột khoai tây. Với các ưu điểm hấp dẫn về đặc tính và giá nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tinh bột mì ngày càng gia tăng. Nắm bắt nhu cầu của thị trường rộng lớn này, những năm qua Công ty Hiệp Phát liên tục đầu tư cải tiến, thay thế toàn bộ máy móc trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín công nghệ cao, đưa Nhà máy Bột mì Hiệp Phát phát triển trở thành một trong những nhà máy có công suất chế biến tinh bột mì lớn nhất tỉnh Tây Ninh với công suất trung bình 150 tấn tinh bột khô/ngày (40000 tấn sản phẩm/năm). Với công suất này, Nhà máy đủ sức cung cấp sản phẩm chất lượng cao đáp ứng hiệu quả nhu cầu của những khách hàng khó tính nhất.
Chia sẻ về quy trình sản xuất tinh bột mì, Giám đốc Công ty Hiệp Phát – ông Nguyễn Trần Đức Lợi cho biết doanh nghiệp thu mua trực tiếp củ mì tươi từ nông dân, khoai mì nguyên liệu này phải trải qua khâu lấy mẫu thí nghiệm để xác định hàm lượng tinh bột trước khi được đưa vào chế biến. Quy trình sản xuất tinh bột mì của Hiệp Phát hoàn toàn khép kín theo công nghệ của Đức. Từ nguyên liệu ban đầu, củ mì được rửa sạch, bóc vỏ và tạp chất, băm nhỏ rồi nghiền nát thành hỗn hợp lỏng. Hỗn hợp này được đưa vào máy ly tâm để tách xơ, bã và tinh bột lỏng. Sau khi đưa xơ bã ra ngoài, phần tinh bột lỏng được tách ra lại, đưa vào bồn chứa qua hàng loạt máy ly tâm để loại sạch mủ, tách ra tinh bột thuần và tiếp tục đưa qua máy tách nước để tách ra tinh bột thô. Tinh bột thô thành phẩm sẽ được đóng gói, bảo quản trong kho cẩn thận và được vận chuyển theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Không chỉ chú trọng đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại từ các nước tiên tiến trên thế giới, với phương châm “chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu quyết định sự tồn tại cũng như phát triển của doanh nghiệp”, Công ty Hiệp Phát còn dành sự quan tâm cải tiến quy trình quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó doanh nghiệp đã trang bị cho Phòng Đảm bảo chất lượng (QA) các thiết bị thí nghiệm hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu, đảm bảo các sản phẩm đưa ra thị trường đều đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng các quy định về ATVSTP. Đó cũng chính là bí quyết giúp các sản phẩm tinh bột mì Hiệp Phát đều đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, ATVSTP theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, ISO 22000:2005; ISO 14001:2004, TCVN 5603:2008.
Với chất lượng vượt trội, lại tốt cho sức khỏe con người, hiện các sản phẩm tinh bột mì của Hiệp Phát được khách hàng đánh giá cao, phục vụ tốt cho các ngành công nghiệp nhẹ và chế biến thực phẩm trong nước. Không chỉ chinh phục thị trường nội địa, sản phẩm của doanh nghiệp còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc (chiếm 60%), Chi Lê, Hà Lan, Đông Âu…; mở ra những cơ hội mới, những bước tiến quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh bột mì, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của cây mì thông qua sản xuất các sản phẩm chất lượng cao từ khoai mì, Hiệp Phát còn mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến mạch nha với trang thiết bị hiện đại để cung ứng ra thị trường.
Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường
Trên cơ sở nhận thức rõ môi trường là vấn đề nhạy cảm và được toàn xã hội quan tâm, chính vì vậy ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Công ty Hiệp Phát luôn đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu, chú trọng gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Bên cạnh nỗ lực cải tiến dây chuyền sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm…, doanh nghiệp luôn chủ động thực hiện hàng loạt biện pháp để giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng môi trường sản xuất bền vững.
Cụ thể Hiệp Phát đã mạnh dạn đầu tư 2 hầm Biogas quy mô lớn (vốn đầu tư hơn 10 tỷ) cùng hệ thống xử lý nước thải hậu Biogas (vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng); qua đó góp phần bảo vệ môi trường sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực quanh nhà máy. Lượng khí mê tan sinh ra từ hầm biogas được Hiệp Phát sử dụng làm chất đốt, cung cấp nguyên liệu cho lò sấy, qua đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn năng lượng lớn. Ngoài ra chất thải sau hầm biogas còn là nguồn phân bón hữu cơ hữu hiệu cho cây trồng, qua đó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn góp phần gia tăng năng suất nông nghiệp. Nỗ lực gắn sản xuất với bảo vệ môi trường của Công ty Hiệp Phát không những chiếm được thiện cảm của người dân cư ngụ xung quanh khu vực sản xuất của Nhà máy mà còn được lãnh đạo tỉnh Tây Ninh hết sức biểu dương.
Ông Nguyễn Trần Đức Lợi cho biết với hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, nhiệt huyết, được trang bị kiến thức công nghệ hiện đại, Hiệp Phát luôn trong tâm thế sẵn sàng phát triển, tự tin khẳng định mình trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh và thách thức như hiện nay. “Bằng nội lực và nhiệt tâm cống hiến, chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu để lập nên nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần công sức nhỏ bé của mình vào bức tranh kinh tế sôi động của tỉnh tây Ninh thời kỳ hội nhập”– ông Lợi nhấn mạnh.
Chí Cường