VHDN – Trong 2 ngày 3 và 4/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến làm việc tại 2 tỉnh: Bình Dương và Bạc Liêu. Sau khi khảo sát thực tế, Thủ tướng đã có những chỉ đạo sát thực…
Tại Bình Dương, báo cáo với Thủ tướng, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt kinh tế có mức tăng trưởng khá cao. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,29%, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Dự kiến cả năm 2022, tỉnh vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch.
Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh mới đạt hơn 48%, đứng thứ 15/63 địa phương xếp theo thứ tự từ thấp đến cao…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong thời gian tới, Bình Dương đề xuất cho phép tỉnh huy động nguồn lực triển khai một số dự án; Áp dụng mức trần dư nợ vay của ngân sách địa phương như TP.HCM và Hà Nội để tiến hành các thủ tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đề xuất Trung ương cho tạm ứng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Thủ Dầu Một…
Ngoài ra, địa phương kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan một số nội dung về cơ chế, vốn liên quan các dự án: Đường Vành đai 4 TP.HCM; Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; Đường sắt Bàu Bàng – Thị Vải – Cái Mép; Điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận Bình Dương là tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Địa phương cũng luôn là tỉnh năng động, có kinh tế và công nghiệp phát triển, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn gắn bó để phát triển. Giai đoạn gần đây, Bình Dương luôn nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương chiều 3/12. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Định hướng để địa phương phát triển hơn thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, bởi theo ông, “doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển được”.
“Phải xem khó khăn của doanh nghiệp như việc của mình, xem thành công của họ như thành quả của chính mình, thậm chí hy sinh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với những vị trí “đất vàng”, Thủ tướng nhắc nhở tỉnh phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm, từ đó thu hút người lao động đến địa phương, phát triển đồng bộ các loại hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục…. Từ đó, Bình Dương sẽ phát triển bền vững các dự án đô thị, bất động sản.
Tại Bạc Liêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh và quy hoạch vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN
Coi trọng và đẩy mạnh công tác quy hoạch
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội trong vùng ĐBSCL, Bạc Liêu có đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế-xã hội xanh, nhanh và bền vững, đặc biệt về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ, du lịch.
Trước bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, Thủ tướng đã gợi mở thêm một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà Bạc Liêu cần thực hiện để phát triển xanh, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
“Dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo sợ trước tình hình, mà phải giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì trong những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình, nhất là trước các vấn đề phát sinh” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Bạc Liêu phải phát huy tối đa nội lực “đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”; đẩy mạnh phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới; tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài…
Thư Trần – N. Thảo