VHDN – Thượng tướng Phùng Thế Tài là một trong những tướng lĩnh tài ba, trụ cột của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sớm theo Đảng, theo Bác Hồ từ những ngày cách mạng còn trứng nước, ông luôn có mặt trên tuyến đầu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đảm đương nhiều cương vị quan trọng ở các thời khắc lịch sử và có những đóng góp nhất định. Nhân Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi ghi lại hồi ức của Trung tướng Khuất Duy Tiến về ông.
Chân dung Thượng tướng Phùng Thế Tài
Trung tướng Khuất Duy Tiến kể: Thượng tướng Phùng Thế Tài gắn với nhiều giai thoại trong suốt cuộc đời, nhưng với tôi, bằng vào những việc làm trực tiếp, luôn cảm nhận ông là con người gần gũi, sâu sắc và mưu lược. Khi tôi là chiến sĩ, rồi trở thành cán bộ đại đội trong đội hình Đại đoàn 320 ông đã là Đại đoàn phó Tham mưu trưởng nổi tiếng cùng Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng chỉ huy Đại đoàn 320 chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc. Tiếp đó, khi tôi trở thành cán bộ Tiểu đoàn, Trung đoàn vào chiến đấu ở Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào, Tây Nguyên, ông đã lần lượt đảm đương các trọng trách Tư lệnh Pháo binh, Tư lệnh Phòng không, Tư lệnh Quân chủng Phòng Không – Không quân và cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tôi khi đó là Tư lệnh Quân đoàn 3 được điều động từ Tây Nguyên ra Bắc nhiều lần trực tiếp làm việc với ông.
Ấn tượng với tôi nhiều nhất, gắn bó nhất, làm việc trực tiếp với Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài là thời điểm tôi đảm đương cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3. Đầu năm 1979, nhận mệnh lệnh của Bộ tổng Tham mưu mà người trực tiếp đốc chiến sát sàn sạt là Phùng Thế Tài, đội hình Quân đoàn 3 bằng mọi phương tiện máy bay, ô tô, tàu hỏa, hành quân bộ gấp rút từ Campuchia chuyển ra biên giới phía Bắc. Khi đó, anh em chiến sĩ trên chốt cơ sở vật chất rất khó khăn, đặc biệt là thiếu nước nơi điểm chốt hang Làng Lò. Muốn lên đây, bộ đội phải vận động qua một đoạn đường trống khoảng 300m. Địch từ điểm cao đối diện liên tục dùng súng đại liên kiểm soát. Bộ đội gùi can nước 15 – 17kg phải chạy vượt qua lưới lửa đại liên của địch. Chúng tôi đã lập tức cho bộ đội đào giao thông hào sâu lút đầu người để đưa nước lên an toàn. Khi về báo cáo với Bộ tổng Tham mưu xin máy bơm (máy bơm tên lửa của Liên Xô) để khắc phục đưa nước lên chốt, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài khen hay và lập tức điều cho đủ máy bơm, phụ tùng, cho lập các điểm bơm đồng thời cho xây bể chứa nước. Bộ đội vô cùng phấn khởi vì không có thương vong và tốn hàng chục người gùi nước hàng ngày. Anh em đặt tên cho con đường đó là “Đường mùa xuân” thay cho con đường thương vong ngày trước.
Trung tướng Khuất Duy Tiến
Một lần, thấy vị tướng say sưa nói về lịch sử, lại có nhắc đến Bác Hồ, tôi bèn hỏi ông:
– Nhiều người vẫn nói anh rất gần gũi với Hồ Chủ tịch. Nay Bác đã mất nhiều năm nhưng mỗi người chiến sĩ đang chiến đấu đều rất nhớ công ơn của Bác. Hẳn là trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, anh có nhiều ấn tượng và kỷ niệm với ông Cụ lắm?
Vị tướng họ Phùng xúc động nói:
– Tôi luôn coi Bác như cha ruột của mình và chắc chắn ông cụ cũng luôn coi tôi là con cái nên Người thường bảo ban, nhiều khi thâm thúy lắm. Tôi quả thực may mắn khi từ sớm đã được gần gũi với Người. Lời Người ở đâu cũng vô cùng đúng đắn và gan ruột. Tôi nhớ nhất, xúc động nhất và thuộc lòng nhất chính là lời của Người khi kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946.
Nói đến đó, vị tướng họ Phùng bỗng cất giọng trầm hùng đọc luôn:
Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!
Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!
Lời vị tướng họ Phùng đã dứt mà dư âm của lời kêu gọi như một hịch văn vẫn còn rung động tâm can. Tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Không thể xúc động hơn, nghĩa tình hơn khi vị tướng cao to gân guốc đã thể hiện vô cùng biểu cảm lời hịch hay đến vậy. Tôi xúc động nói:
– Xin cảm ơn anh! Anh thật có trí nhớ tuyệt vời.
Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài vẫn còn như chưa ra khỏi dư âm của lời hịch nói:
– Ừ! Cứ mỗi khi nhắc tới ông Cụ, mình lại như thấy Cụ đang ở đâu đây. Mà Tiến cũng đâu khác gì mình, tham gia cách mạng sớm, hết đánh Pháp rồi đánh Mỹ, chắc hẳn cậu cũng thuộc không ít lời tâm huyết của ông Cụ?
Như bị thôi miên, tôi lập tức nói:
– Báo cáo anh, tôi cũng thuộc nhiều lời của Cụ Hồ lắm. Tôi đặc biệt thích Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Cụ được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng ngày 17 tháng 7 năm 1966 trong thời điểm đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam đồng thời, leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm đè bẹp ý chí đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Khi ấy tôi đang chiến đấu ở chiến trường. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đồng tâm, nhất trí, anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hiến dâng máu xương, chiến đấu, hy sinh đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, hung bạo, giải phóng dân tộc và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Nhà văn Phùng Văn Khai tham dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học Trung tướng Phùng Thế Tài: Thân thế, đời sống và sự nghiệp.
Nói đến đó, tôi xúc động đọc to:
…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!
Tôi đọc xong mà thấy huyết quản mình chạy rần rật. Vị tướng họ Phùng chừng như cũng thế. Chúng tôi đã có những khoảnh khắc thật đặc biệt trong chiến tranh.
Sau này, khi về đảm đương cương vị Cục trưởng Cục Quân lực và tiếp đó là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, tôi còn được nhiều lần trực tiếp làm việc nhiều lần với Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài. Ở ông luôn dồi dào năng lượng và đặc biệt trí nhớ rất phi thường. Nhiều câu chuyện trong chiến tranh tưởng đã xa lơ xa lắc mà ông vẫn nhớ rất chính xác. Ông là vị tướng gắn liền với những dấu mốc lịch sử có tính bước ngoặt của dân tộc ta, quân đội ta. Phùng Thế Tài luôn được Đảng, Bác Hồ, quân đội giao phó nhiều trọng trách. Những việc khó khăn, mới mẻ đều có mặt vị tướng họ Phùng. Ông cũng là người được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là nghiên cứu và đánh thắng B52 của Mỹ. Trận chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ trên không năm 1972 gắn liền với tên tuổi Phùng Thế Tài.
Cá nhân tôi luôn khâm phục vị tướng họ Phùng. Một người như Phùng tướng quân đã trải qua biết bao thăng trầm, ghềnh thác mà sao vẫn bình yên như nước. Những buổi họp Ban liên lạc Sư đoàn 320 mà tôi được giao trọng trách tập hợp anh em, vị tướng họ Phùng đều đến sớm và chân thành chia sẻ. Ông ngồi đó, thoáng trầm mặc và vững vàng như một trái núi mà khi anh em đến, vị tướng lại cười nói vô tư như ngày nào còn trong chiến trận. Ông thường bảo mình may mắn hơn rất nhiều các đồng đội hi sinh nên trong cuộc sống hôm nay chớ có so đo, tính toán thiệt hơn để làm gì. Nhìn mái đầu phơ bạc của ông, anh em cựu chiến binh Sư đoàn 320 ai cũng thấy ấm lòng và xúc động.
Đại biểu tham dự hội thảo Hội thảo khoa học Trung tướng Phùng Thế Tài: Thân thế, đời sống và sự nghiệp.
Trong tháng 12 lịch sử này, chúng ta lại nhớ đến Thượng tướng Phùng Thế Tài. Thế hệ ông, thế hệ chúng tôi đã nhiều người lần lượt trở về với thế giới của người hiền, trở về đất mẹ. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân và Tổ quốc giao cho. Cũng chính nhân dân và Tổ quốc đã nuôi dưỡng chúng tôi chiến đấu trưởng thành. Nhớ về vị tướng họ Phùng mà tôi luôn coi là người anh, là cấp trên, là thủ trưởng, tôi đã thấy được vẻ đẹp ẩn sâu của ông đã và đang được trao truyền cho các thế hệ trẻ hôm nay.
Nhà văn Phùng Văn Khai
(Ghi từ Trung tướng Khuất Duy Tiến)