Sở hữu các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho phát triển nông nghiệp (đất đai bằng phẳng, ít ảnh hưởng của bão lũ), Tây Ninh là địa phương đầu tiên được Bộ NN&PTNT chọn thí điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC), hội nhập thị trường quốc tế. Đây được xem là nền tảng quan trọng để địa phương này hướng tới xây dựng một nền NNUDCNC, nông nghiệp hữu cơ bền vững và hiệu quả.
Chuyển động tích cực
Hiện nay tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh vào khoảng 340.000ha; tuy cơ cấu đất không đa dạng, đất xám chiếm chủ yếu (84,37%) nhưng lại là loại đất thích ứng với nhiều cây nông nghiệp nhiệt đới. Tỉnh đang sắp xếp quỹ đất nông nghiệp khoảng hơn 2.000 ha và sẽ thuê theo dự án ưu tiên đầu tư cho một số doanh nghiệp nông nghiệp làm hạt nhân phát triển vùng nguyên liệu, phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Bên cạnh lợi thế đất đai, nguồn nước của Tây Ninh cũng rất dồi dào với hoạt động của sông Vàm Cỏ Đông và đặc biệt có hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng với diện tích mặt nước 27.000 ha, dung tích 1,5 tỷ m³, tưới cho hơn 48.000 ha đất canh tác và cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt. Nguồn nước ngầm của tỉnh cũng khá lớn với tổng lưu lượng nước ngầm có thể khai thác được 50.000 – 100.000 m3/giờ; phân bổ khá đều khắp từ giàu đến trung bình, chất lượng nước khá tốt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, thời gian qua phát triển nông nghiệp Tây Ninh đã có sự bứt phá với trình độ thâm canh và ứng dụng khoa học kỹ thuật khá mạnh mẽ; trong đó có thể kể đến những nông sản thế mạnh như: mía, mì, cao su, mãng cầu, bò thịt… Tuy nhiên “nút thắt” ở đây là bà con nông dân vẫn đi theo lối canh tác truyền thống nên sản xuất còn bấp bênh, phần lớn các nông sản của tỉnh tiêu thụ và chế biến ở dạng thô… Sau nhiều năm loay hoay trong điệp khúc “được mùa rớt giá”, những năm gần đây nông dân Tây Ninh đã dần chuyển đổi từ hình thức làm nông nghiệp truyền thống sang làm NNCNC, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị với nông sản như: cây ăn quả, rau, bò sữa nhất là những nông sản có giá trị cao và có tiềm năng xuất khẩu…
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh – ông Võ Đức Trong cho biết hiện nay chủ trương của UBND tỉnh Tây Ninh nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng là thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển dần diện tích đất lúa năng suất thấp sang sản xuất rau, củ, quả; chuyển dần một số diện tích cao su, mì sang phát triển cây ăn trái có giá trị cao như xoài, thơm, chuối, bưởi, chanh dây; tập trung phát triển mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó tỉnh rà soát quy hoạch một số vùng sản xuất NNUDCNC, nông nghiệp hữu cơ gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Sau khi ban hành danh mục và tiêu chí mời gọi đầu tư vào các vùng sản xuất NNUDCNC, nông nghiệp hữu cơ này, Tây Ninh đang thúc đẩy kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư; trong đó dành ưu tiên cho các dự án phục vụ vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau, củ, quả, cây ăn trái….”Bước đầu tỉnh cũng đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau quả và hiện đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến rau, quả tươi với công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày” – ông Trong thông tin.
Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã thu hút được 30 dự án đầu tư vào NNUDCNC, trong đó có 24 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 23,5 triệu USD và 541,9 tỷ đồng; 6 dự án đang triển khai với tổng vốn đầu tư 752 tỷ đồng. Nhà đầu tư vào lĩnh vực NNUDCNC được lựa chọn và thụ hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư Nhà nước đã ban hành và các chính sách đặc thù của tỉnh như: Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 – 2020; Chính sách hỗ trợ xây dựng Cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020…Ngoài ra tỉnh chuẩn bị ban hành các chính sách: hỗ trợ lãi suất phát triển thực hành nông nghiệp tốt, NNCNC, NNUDCNC; hỗ trợ đầu tư tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn…; đồng thời thời tập trung rà soát quỹ đất công để ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho một số dự án NNCNC, nông nghiệp hữu cơ.
Lấy người nông dân làm chủ thể
Với mục tiêu phát triển trở thành tỉnh NNUDCNC, từ nay đến năm 2020 Tây Ninh dành trọng tâm cho việc xây dựng 3 vùng NNCNC diện tích 500ha; quy hoạch tối thiểu 11 vùng NNUDCNC, nông nghiệp hữu cơ trên 4.000ha; xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật một số vùng. Đối với đất công tỉnh chủ trương thu hút đầu tư vào vùng bằng tiêu chí cụ thể để lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư đủ năng lực. Từng bước quy hoạch vùng sản xuất chuyên cây trồng gắn với xây dựng cánh đồng lớn và đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu chuyển đổi cây trồng giá trị cao cho công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu; chuyển đổi phát triển các vùng nguyên liệu cây ăn trái ít nhất 15.000ha, rau quả 30.000ha (trong đó có 1.000ha chuyên canh chất lượng cao).
Ngoài ra tỉnh Tây Ninh sẽ đẩy mạnh việc mời gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực NNUDCNC, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng cánh đồng lớn trên một số cây trồng chủ lực như: lúa chất lượng cao, xoài, khóm, chanh dây, bưởi, chuối, mía…; xây dựng 2 thương hiệu nông sản của tỉnh và đặc sản địa phương gắn liền với các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với các thị trường trong nước và quốc tế. “Để làm NNUDCNC hiệu quả, chúng tôi xác định lấy người nông dân làm chủ thể. Nhằm giúp bà con không bở ngỡ khi chuyển đổi từ hình thức làm nông nghiệp truyền thống sang làm NNCNC, ngành nông nghiệp sẽ tích cực hỗ trợ bà con tiếp cận và hiểu biết sâu hơn về NNUDCNC, trong đó đặc biệt chú trọng 3 vấn đề: nguồn lực, kỹ thuật công nghệ và thị trường” – ông Trong cho hay.
Cường Nguyễn