VHDN – Vài năm gần đây, trên văn đàn xuất hiện cây viết trẻ Tống Phước Bảo. Anh cho thấy nghề viết nếu chịu khó và tâm huyết vẫn có thể sống khoẻ. Bảo có thế mạnh về truyện ngắn, tản văn…Tác phẩm của anh phủ sóng khắp cả nước đem lại một luồng gió tươi mới trên văn đàn…Nhân dịp đầu năm, Báo Bình Dương đã có cuộc trò chuyện hết sức thú vị về cây viết này.
Nhà văn Tống Phước Bảo
PV: Anh có thể tự giới thiệu đôi nét về bản thân mình. Hình như anh đang sinh sống tại Bình Dương?
Nhà văn Tống Phước Bảo: Tôi sinh ra và lớn lên ở TPHCM, nhưng gốc rễ gia đình lại là người miền Tây. Hiện tại đang sống ở Lái Thiêu, Thành phố Thuận An, Bình Dương. Hơn 5 năm nay tội chọn Bình Dương để ở bởi chính nơi này cho tôi cảm giác thoải mái sau 1 ngày dài làm việc. Kì thực phải nói là một cơ duyên với mảnh đất này. Giữa lúc phân vân để chọn 1 nơi ổn định an cư thì tôi lại tìm đến vùng đất này. Tôi tìm thấy một không gian sống không quá nhanh, chẳng quá chậm, đủ để mình có thể sống và viết. Bình Dương cũng có nhiều câu chuyện mà tôi nghĩ mình có thể cày xới tung tẩy trên trang viết của mình.
PV: Anh đã đón bao nhiêu cái Tết tại Bình Dương. Anh cảm nhận về không khí Tết của Bình Dương như thế nào?
Nhà văn Tống Phước Bảo: Tôi đón cái Tết Quý Mão lần này đã là lần thứ 6 với Bình Dương và nói thiệt lòng tôi thích không khí Tết có phần truyền thống giữ được nét xưa cũ, nếp nhà, tánh quen, nhưng vẫn rất hiện đại và giản lược những điều rườm rà. Ví dụ như nơi tôi ở gần chợ Lái Thiêu, không khí xuân rộn ràng bởi hoạt động bán buôn của chợ Tết tận đêm khuya cũng khiến tôi thấy một cái Tết xưa cũ được lưu giữ giữa người bán, người mua. Những đêm khuya của mấy ngày gần Tết tôi hay chạy từ chợ Lái Thiêu lên chợ Búng, có khi lên luôn thành phố Thủ Dầu Một để xem không khí Tết của các nơi. Quả thật rộn ràng và háo hức. Các chương trình ca nhạc ở các công viên cũng lan tỏa được một mùa xuân đến khắp mọi nơi. Bình Dương vẫn giữ được nét chân phương mộc mạc của tết cũ nhưng đã hợp thời hơn với một sự phát triển đang bắt kịp xu thế mới.
PV: Anh ấn tượng với cây viết nào của Bình Dương nhất?
Nhà văn Tống Phước Bảo: Trên bình diện toàn quốc thì có thể nói lực lượng sáng tác văn học của Bình Dương chưa nổi trội hẳn, chưa bậc lên so với nhiều nơi vốn phát triển mạnh từ kinh tế đến xã hội. Người ta vẫn nói muốn đánh giá 1 nơi văn học phát triển thì nhìn vào lực lượng sáng tác trẻ, tuy nhiên ở Bình Dương rất ít tên tuổi trẻ gây ấn tượng trên văn đàn Việt. Nếu có thể để bạn đọc hay làng Văn quen mặt biết tên tôi nghĩ chắc chỉ mình Nhà thơ Tạ Anh Thư. Chị hiện là tiến sĩ và đang giảng dạy ngữ văn cho trường Đại học Thủ Dầu Một. Tạ Anh Thư ghi dấu ấn thơ trên văn đàn Việt bởi sự gai góc sắc nét của ngôn ngữ và tư duy thơ. Thơ chị cũng đã chinh phục các tờ báo lớn, chất lượng. Còn lại có thể nhắc đến như Nguyễn Minh Ngọc Hà, Kim Loan, Tuyết Lan. Nhưng, thật sự 3 cái tên sau chưa nổi trội và có sự bứt phá để tạo một thương hiệu cá nhân trên văn đàn.
Nhà văn Tống Phước Bảo đạt giả nhất cuộc thi viết Sài Gòn – Thành phố tôi yêu do Báo Thanh Niên tổ chức.
PV: Nghề viết văn, nói thật rất khó nuôi sống tác giả. Với anh là trường hợp ít tỏi vẫn sống khoẻ với nghề. Anh đã làm gì để giữ đam mê trước áp lực “cơm áo gạo tiền”?
Nhà văn Tống Phước Bảo: Thực sự với thời buổi này người viết rất khó sống với nhuận bút, dù viết khỏe, cộng tác với nhiều báo nhưng thu nhập từ viết lách khó đáp ứng được chi tiêu cuộc sống. Phần lớn người viết vẫn phải có 1 nghề nào đó tay phải để nuôi sống mình và viết lách chỉ như một đam mê, một cái nghiệp của kiếp tằm nhả tơ. Xã hội phát triển với nhiều hình thức giải trí, văn hóa đọc cũng bị ảnh hưởng, văn chương vẫn phải loay hoay để tìm lại thời vàng son xưa cũ. Tác giả viết vì thế phải cân bằng được cuộc sống của mình trước. Khi đã ổn định thì đầu óc mới tập trung viết. Không ai có thể thỏa đam mê khi cái bụng mình đói cả. Và điều tiên quyết để tác giả có thể sống với viết lách thì phải đa dạng mình hơn, làm mới mình và chinh phục bạn đọc bằng một thứ văn chương kĩ càng, tử tế và tinh cất. Một điều nữa mà các tác giả viết thời nay cần chú trọng đó chính là tâm lý sống với văn chương. Chuẩn bị một tâm lý văn chương không thể nào bù đắp vật chất, nó chỉ là một liều thuốc tinh thần. Tuy nhiên đã là nghiệp viết thì không ai có thể bỏ được. Cứ sống dung hòa với viết lách và đừng mưu cầu điều gì lớn lao với văn chương. Tự khắc hành trình đi bền bỉ sẽ như một loài cây lành sanh trái ngọt.
Theo Tống Phước Bảo, điều vinh dự nhất của một tác giả viết chính là được độc giả nhớ tới mình, lưu cái tên mình hay tên tác phẩm của mình trong lòng họ.
PV: Anh có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ khi có ý định dấn thân vào nghiệp viết lách?
Nhà văn Tống Phước Bảo: Kì thực nếu nói là khuyên thì cũng không ai dám khuyên ai nhất là với văn chương. Bởi văn mình vợ người, gu thưởng thức của người đọc chẳng thể nào đoán định được. Nhưng với hành trình hơn 5 năm viết thì bản thân tôi thấy điều tiên quyết của người trẻ muốn dấn thân vào nghề viết cần nên đọc. Đọc là học. Học từ các tác giả nổi tiếng. Càng đọc sẽ càng thấm. Cái thấm đó nó tự khắc khiến bạn nảy lên bản năng văn chương và khi ấy bạn bắt đầu hãy viết. Dĩ nhiên viết là hành trình dài, chông gai và miệt mài. Trài nghiệm cuộc đời cũng là thứ khiến tác phẩm bạn đầy đặn và sâu lắng hơn. Thêm một điều mà tôi luôn hay nói với các bạn viết trẻ, người viết chỉ có hai thứ, cứ vịn vào hai thứ đó mà viết. Chính là bản năng và bản xứ. Từ hai thứ gần gũi có sẵn đó bạn mới tập những bước đi đầu đời cho mình trên hành trình viết. Đi qua những quãng đời viết, hành trình tự động sẽ mở lối cho bạn.
Cám ơn anh!
Thực hiện: Phùng Hiếu