Ban Chấp hành VCCI nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 93 ủy viên, là lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành kinh tế quan trọng của đất nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu ngành, với tổng doanh thu năm 2020 tương đương gần 100 tỷ Đô la Mỹ, lợi nhuận khoảng 8 tỷ Đô la Mỹ và lực lượng lao động trên 500 nghìn người.
Sứ mệnh lịch sử thời chiến tranh
Cách đây 60 năm, ngày 14/3/1963, tại Hà Nội, Đại hội thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tổ chức với 93 tổ chức hội viên đầu tiên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tiếp đó, ngày 27/4/1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ đã ký Quyết định số 58-CP phê duyệt bản Điều lệ Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Và VCCI đã chính thức ra đời, bắt đầu hành trình đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu, từ khi thành lập đến khi đất nước thống nhất vào năm 1975, hoạt động của Phòng Thương mại gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong điều kiện có chiến tranh, tập trung khai thông thị trường khu vực các nước tư bản chủ nghĩa, đồng thời thông qua quan hệ giao lưu kinh tế thương mại để mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, phá thế bao vây, cấm vận, phong tỏa về kinh tế, thực hiện sách lược ngoại giao nhân dân, vận động sự ủng hộ quốc tế cho cuộc đấu tranh vì hoà bình và thống nhất đất nước.
Nhiệm vụ kiến thiết thời hòa bình
Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, Phòng Thương mại mở rộng hoạt động ra phạm vi cả nước sau khi tiếp thu cơ sở của Phòng Thương mại – Công kỹ nghệ Sài Gòn, thành lập Chi nhánh Phòng Thương mại tại TP.Hồ Chí Minh. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực mở rộng hoạt động ngoại thương của Việt Nam mà Phòng Thương mại còn hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, phát triển các ngành công nghiệp để tái thiết, xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Chính vì ý nghĩa lớn lao đó, năm 1982, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đổi tên thành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Chamber of Commerce and Industry, viết tắt là Vietcochamber, sau này đổi thành VCCI.
Tiên phong trong Đổi mới
Năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước được khởi xướng đã tạo sự hồi sinh cho nền kinh tế nước nhà, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động của VCCI. Với kinh nghiệm tích lũy được trong sự nghiệp thúc đẩy và phát triển thương mại buôn bán với các nước có nền kinh tế thị trường, VCCI đi tiên phong trong việc thực hiện đường lối đổi mới, đã góp phần tích cực quảng bá rộng rãi Luật Đầu tư và các chính sách đổi mới của Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy quan hệ thương mại, buôn bán và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đồng thời VCCI cũng tiên phong tuyên truyền, phổ biến Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, khơi dậy tinh thần kinh doanh trong nhân dân để hình thành khu vực kinh tế tư nhân theo chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước.
Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Chủ tịch VCCI
Nhìn nhận tầm quan trọng và vai trò ngày càng cao của VCCI trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, năm 1993, Chính phủ đã để VCCI từ một tổ chức chịu sự quản lý của Bộ trưởng Bộ Thương mại (theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) được tách ra thành một tổ chức độc lập và tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Duy Thành được bầu là Chủ tịch VCCI. VCCI được giao thêm chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đang hình thành, phát triển rất nhanh tại nước ta. Thời gian này, VCCI vừa đồng hành và thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp, vừa tham mưu, tư vấn chủ trương, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, vận động và thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế về gia nhập WTO, các hiệp định thương mại với các nước. Đây cũng là giai đoạn VCCI tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các chi nhánh, văn phòng đại diện tại các khu vực trong cả nước, hình thành hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, bộ máy cán bộ và chuyên gia giỏi, có trình độ và tâm huyết với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và đất nước.
Vươn lên trong thời kỳ hội nhập quốc tế
Tháng 4/2003, tại Đại hội đại biểu VCCI toàn quốc lần thứ IV, ông Vũ Tiến Lộc được bầu làm Chủ tịch. Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp 18 năm, dưới sự lãnh đạo của ông và tập thể Ban Chấp hành, hoạt động của VCCI tiếp tục được mở rộng và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước. Nếu 15 năm đầu, công cuộc đổi mới của đất nước là giai đoạn hình thành của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, thì thời gian 3 nhiệm kỳ này của VCCI là giai đoạn trưởng thành và khẳng định vai trò, vị thế, sự đóng góp cho đất nước của khu vực kinh tế tư nhân. VCCI có những đóng góp và dấu ấn sâu sắc trong cả 2 tiến trình này. Theo đề xuất của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Để thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, được Bộ Chính trị tin tưởng giao nhiệm vụ, năm 2011, Đảng đoàn VCCI đã chủ trì tham mưu xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” – văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về doanh nhân.
Để góp phần tạo động lực cải cách từ cơ sở, trong điều kiện Chính phủ thực hiện chủ trương phân cấp mạnh mẽ, VCCI đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bên cạnh đó, VCCI còn tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh quan trọng, có uy tín ở Việt Nam như: Hội nghị thường niên Thủ tướng với doanh nghiệp, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – VBF, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp ASEAN-EU, ASEAN BIS, ASEAN BAC… và các diễn đàn kinh doanh với các nước có sự tham gia của các CEO hàng đầu và nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước trên thế giới. Để định hướng và tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp, VCCI cũng chủ trì nhiều hoạt động như trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, danh hiệu “Bông hồng Vàng” cho các nữ doanh nhân, danh hiệu “Doanh nghiệp bền vững” và các giải thưởng có uy tín khác.
Khát vọng mới 2045
Thực hiện đường lối phát triển đất nước được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, Đại hội đại biểu VCCI toàn quốc lần thứ VII tổ chức tháng 12/2021 đã đưa VCCI bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn và sứ mệnh xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”. Đây là tầm nhìn cho giai đoạn mới của đất nước ta, đó là phấn đấu thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Ông Phạm Tấn Công – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI
Đại hội đã thông qua việc đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (tên tiếng Anh và tên viết tắt VCCI vẫn giữ nguyên), đồng thời đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và củng cố, phát triển, nâng cao năng lực, vai trò của VCCI. Ba đột phá là: (1) Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; (2) Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; (3) Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. VCCI vừa phát huy các hoạt động truyền thống đã có, vừa đổi mới, phát triển thêm các nội dung và phương thức hoạt động mới để đem lại chất lượng, hiệu quả cao hơn. Các hoạt động như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó đại dịch Covid-19, tổ chức các hội nghị đối thoại với các cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, công bố và phát động thực hiện bộ 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, định hướng, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, hoạt động phát triển doanh nghiệp bền vững, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nhân nữ,… đều được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Nhiệm kỳ mới cũng ghi nhận việc VCCI có sáng kiến và vai trò tích cực mới trong thúc đẩy liên kết, hợp tác kinh tế giữa các địa phương theo vùng, tiểu vùng.
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước, VCCI luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp giao phó, có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Từ 93 hội viên ban đầu, đến nay, VCCI có mạng lưới hội viên rộng lớn toàn quốc với trên 200 hiệp hội doanh nghiệp và trên 200 nghìn doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi thành phần kinh tế. VCCI đã vinh dự đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều hình thức khen thưởng bậc cao khác.
Chúng ta trân trọng ghi nhận công lao, sự cống hiến và xin tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên VCCI cũng như các hội viên, các doanh nghiệp, các đối tác trong nước, quốc tế đã góp sức tạo ra những thành quả to lớn, đáng tự hào của VCCI trên chặng đường 60 năm qua. Chặng đường sắp tới đất nước ta có mục tiêu và khát vọng phát triển mới, VCCI cũng có tầm nhìn và sứ mệnh mới, nhiều thách thức mới sẽ đặt ra. Chúng ta sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo xây dựng VCCI trở thành một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp vững mạnh, xứng tầm là tổ chức quốc gia đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cùng phấn đấu thực hiện khát vọng đưa Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, văn minh, hạnh phúc.
Hà Nội, tháng 4/2023
Ông Phạm Tấn Công – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI