VHDN – Năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng và đầy ý nghĩa cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ý – Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ý là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trải qua năm thập kỷ, hai bên luôn duy trì quan hệ đối tác quan trọng dựa trên tinh thần đoàn kết, tình hữu nghị và đối thoại.
Duy trì hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương
Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ý được tăng cường và mở rộng thông qua các cuộc trao đổi chuyến thăm cấp cao, gần nhất là cuộc gặp giữa Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và người đồng cấp phía Việt Nam – Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – EU tại Brussels, Bỉ vào tháng 12/2022.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Ý và ASEAN, trong đó có Việt Nam đã tiếp tục phát triển một cách toàn diện và hiệu quả. Đặc biệt là sau khi hai nước nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2013. Trong 50 năm qua, Việt Nam và Ý đã luôn duy trì là những đối tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư đến văn hoá, giáo dục đào tạo trong các khuôn khổ song phương và đa phương. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược song phương vào năm 2013 đã mở rộng hơn nữa phạm vi hợp tác giữa hai nước, mang lại một cách tiếp cận cụ thể hơn cũng như tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy tăng trưởng và sự hiểu biết lẫn nhau.
Hướng tới kỷ nguyên hợp tác thương mại và đầu tư mới
Trong tất cả các cuộc gặp gỡ gần đây, lãnh đạo Ý đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương toàn diện với Việt Nam, xem Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư và doanh nhân Ý. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á, một thị trường rộng lớn, sôi động với khoảng 100 triệu dân, giai cấp trung lưu mới nổi, dân số trẻ và một lực lượng lao động năng động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại Brussels (Bỉ) năm 2022
Năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 với GDP tăng trưởng 8,02%. Là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cấu trúc kinh tế Việt Nam đang chuyển hướng mạnh mẽ tiến tới công nghiệp hoá và hiện đại hoá, tỷ trọng nông nghiệp ngày một giảm trong khi sản xuất công nghiệp và dịch vụ đóng góp ngày càng tăng cho nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện cải cách kinh tế. Việt Nam cũng kiên trì theo đuổi chính sách hội nhập toàn diện, tập trung vào hội nhập kinh tế quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đã góp phần thúc đẩy các cơ chế thương mại đa phương giữa Việt Nam và châu Âu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Ý. Hiệp định EVFTA là một trong những chất xúc tác tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam và Ý đang xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ trong việc phát triển ngành tư nhân, cả hai nước có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là vai trò then chốt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khi hai nước tận dụng được tối đa những cơ hội từ hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA).
Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Ý cũng là rất lớn trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lựơng tái tạo. Việc mở các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước cũng là rất cần thiết nhằm tăng cường trao đổi hàng hoá và kết nối nhân dân hai nước.
Cùng với việc thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động hiện thực hoá quan hệ đối tác chiến lược song phương, hai bên cũng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường kết nối, thúc đẩy hình ảnh, chia sẽ thông tin đối với các vấn đề khu vực và quốc tế.
Ý hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ý tại khu vực ASEAN. Việt Nam và Ý đã tăng cường quan hệ thương mại với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm trong một thập kỷ qua, thương mại hai chiều tăng gấp 2 lần kể từ năm 2010 đạt mức kỷ lục 6,2 tỉ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2011. Hiện các nhà đầu tư Ý tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như may mặc, da giày, máy móc, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo…
Đức Quân