Tâm lý học đám đông là một nhánh của Tâm lý học xã hội nghiên cứu về tâm lý và hành xử của một người bình thường trong những hoạt động mang tính chất tập thể.
Theo Gustave Le Bon: “Những đám đông luôn chịu tác động trong vô thức, họ xử sự như người nguyên thuỷ, hành động theo bản năng, thiếu đi khả năng suy nghĩ, suy luận mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể trạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa”.
Trong lĩnh vực chứng khoán, tâm lý bầy đàn (herd mentality) là chất kích thích “doping” khiến thị trường rơi xuống một đáy mới hay xác lập một đỉnh cao hơn.
Tâm lý trong đầu tư chứng khoán
Một đợt sụp đổ của thị trường chứng khoán được xác lập mỗi khi thị trường mất hơn 10% trong một hoặc hai phiên giao dịch. Điều này khác biệt với một đợt điều chỉnh khi thị trường mất 10% hoặc ít hơn trong giai đoạn nhiều ngày.
Đợt điều chỉnh của thị trường có thể bắt nguồn từ một số sự kiện tạo ra sự sợ hãi và nhà đầu tư bán ra liên tục bằng mọi giá. Sự sụp đổ giá chứng khoán này có thể lây lan sang các loại tài sản khác và cuối cùng là toàn bộ nền kinh tế.
May mắn thay, nhà đầu tư không cần phải là một nhà kinh tế hoặc nhà phân tích thị trường chứng khoán để có thể cảm nhận được những gì đang xảy ra do tâm lý bầy đàn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải hiểu rằng, nền kinh tế và thị trường chứng khoán là hai lực lượng khác nhau trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán vẫn có thể tăng điểm mạnh mẽ bất chấp tin tức nền kinh tế bất ổn, vì các nhà đầu tư lớn thường đặt cược vào tương lai. Vì tin rằng đó chỉ là Tâm lý bầy đàn nên họ sẽ mua vào làm tăng giá cổ phiếu hoặc khi có tin đột ngột xấu xảy ra, đẩy mạnh bán khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không có kinh nghiệm cũng bán tháo theo, chịu tổn thất lớn còn họ thì mua được giá rẻ và thu lời cao.
Thị trường chứng khoán có thể di chuyển nhanh chóng theo hai hướng tăng giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điển hình như cung và cầu của người mua và người bán. Không giống như các nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư ngắn hạn thường đặt cược vào sự thay đổi giá bằng cách dựa vào biểu đồ phân tích kỹ thuật biến động giá hàng ngày (daily price swings). Có lẽ đây là sở trường khai thác đã được học tắt đón đầu của nhà đầu tư Việt Nam.
Tuy nhiên, phương pháp phân tích kỹ thuật thường không mấy tác dụng khi thị trường chứng khoán gặp phải tâm lý bầy đàn. Phân tích cơ bản có thể giúp nhà đầu tư dài hạn kiếm bộn tiền khi tâm lý bầy đàn bán tháo cổ phiếu chuyển sang tâm lý hưng phấn tột cùng khi họ đã thành công trong việc bắt “đáy” thị trường (market bottom), lúc giá cổ phiếu đi xuống rồi phục hồi xác lập một mức đỉnh cao hơn.
Những nhà đầu tư lớn nhất không sử dụng phân tích kỹ thuật để đánh cược vào tâm lý bầy đàn.
Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng tư đã có đợt sụt giảm mạnh nhất lịch sử, sau các vụ khởi tố, bắt giữ doanh nhân và viên chức. Từ đỉnh ngày 4/4, đến ngày 17/5, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” gần 380 điểm tức 25% từ đỉnh 1.535 điểm xuống 1.145 điểm. Riêng ngày 25/4, thị trường chứng khoán đã mất hơn 68,31 điểm.
Hôm 24/4, truyền thông ước tính vốn hóa thị trường chứng khoán đã mất 34,6 tỷ USD sau hơn hai tuần giao dịch. Cụ thể, vốn hóa thị trường từ phiên 7/4 đến 22/4 giảm 794.033 tỷ đồng, tương ứng 34,6 tỷ USD (-9,92%) xuống 7,21 triệu tỷ đồng. Đến ngày 29/4, thị trường chứng khoán Việt Nam ước tính, vốn hóa đã bốc hơi 40 tỷ USD.
Bài học đắt giá chạy theo đám đông trong các hoạt động đầu tư chứng khoán
Chính tâm lý bầy đàn này mà người đầu tư không đủ bản lĩnh khi thấy người bên cạnh bán tháo dù không rõ lý do gì đã phải chịu rủi ro rất cao khi “cắt lỗ” đúng đáy.
Thảm cảnh của bầy linh dương, bài học đắt giá của việc mù quáng chạy theo đám đông
Vào ngày 23/10/2010, thảm trạng hơn 270 con linh dương đã được tìm thấy tại hẻm núi Grand Canyon ở Nam Phi. Những con linh dương này bị rơi từ trên đỉnh hẻm núi xuống, và không con nào sống sót.
Nhiều người tự hỏi, một vài con có thể hiểu, làm sao chúng lại có thể rơi xuống với số lượng lớn thế được?
Sau khi điều tra, nhân viên công tác cũng không thấy có dấu hiệu nào của việc chúng bị con vật khác đuổi theo.
Nhưng nếu là ngẫu nhiên rơi xuống thì một hai con ngã xuống còn có thể lý giải được chứ hơn 270 con đều rơi xuống chết dưới vực sâu thì không thể giải thích nổi. Lẽ nào hàng trăm con linh dương lại thực hiện việc tự kết liễu tập thể? Nhưng tại sao chúng phải làm thế? Hơn nữa, chưa ai từng nghe thấy loài linh dương có tập tính như vậy.
Những bí ẩn chờ lời giải đáp…
Sự việc này khiến mọi người ở khắp nơi không ngừng suy đoán. Sau một thời gian dài, các ý kiến về nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của đàn linh dương vẫn chưa được thống nhất. Điều này đã thu hút sự chú ý của Giáo sư Bella, một nhà động vật học tại Đại học Cape Town.
Để làm rõ sự thật, ông lập tức quyết định lên đường đến nơi xảy ra vụ việc để điều tra nhằm tiết lộ sự thật khó hiểu của đàn linh dương.
Đầu tiên, Giáo sư kiểm tra xác linh dương đã được bảo quản lạnh. Sau đó, ông cùng với trợ lý của mình đến hẻm núi nơi đàn linh dương rơi xuống để xem xét hoàn cảnh. Ông xuống dưới đáy vực xem xét rồi lại để cho trợ lý dẫn lên đỉnh hẻm quan sát địa thế.
Khi lên đến đỉnh hẻm núi, Giáo sư Bella cẩn thận quan sát và nhận thấy phía trên hẻm núi có một khoảng đất trống rộng lớn. Quan sát kỹ hơn, ông lại thấy rìa hẻm núi có một ít cỏ mọc ra cao nửa mét. Ông lại lui về phía sau để quan sát, hé lộ từ con linh dương đầu đàn.
Thông thường con đầu đàn sẽ dẫn cả đàn thú đi theo, giáo sư yêu cầu nhân viên trợ lý đưa con linh dương này đến phòng thí nghiệm để kiểm tra thị lực của nó. Một ngày sau, kết quả giám định được đưa ra, báo cáo cho thấy, khi con linh dương này còn sống, nó mắc bệnh về mắt rất nghiêm trọng, gần như bị mù một nửa.
Sau khi đọc báo cáo, giáo sư Bella gật đầu hài lòng và nói: “Có vẻ như suy đoán của tôi là đúng. Giờ đây, bí ẩn về nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của đàn linh dương đã được hé lộ”. Ông tiếp tục quan sát tiếp và dùng máy ảnh chụp lại từng góc độ khác nhau.
Thảm cảnh của bầy linh dương, bài học đắt giá của việc mù quáng chạy theo đám đông
Sự thật được sáng tỏ
Trong buổi họp báo sau đó, Giáo sư Bella đã báo cáo với mọi người kết quả nghiên cứu của mình: “Nguyên nhân là, loài linh dương này có tập tính di cư vào mùa thu hàng năm, cuộc di cư được thực hiện theo đàn, và mỗi đàn đều có một con dẫn đầu, là con lớn nhất trong bầy. Con đầu đàn này sẽ dẫn đường và những con còn lại sẽ đi theo nó. Thông qua kết quả kiểm tra phát hiện con đầu đàn bị bệnh về mắt, khi dẫn đàn linh dương đến gò đất trên đỉnh hẻm núi. Bởi vì sườn hẻm núi có cỏ mọc cao nửa mét nên nó không thể phát hiện được phía trước là vực sâu rộng lớn, nó vội vàng lao tới, kết quả là đã rơi xuống vách núi”.
Bi kịch lấy con đầu đàn làm chuẩn
Giáo sư Bella nói: “Hiện tại có một vấn đề, đó là những con linh dương khác không bị bệnh về mắt nên chúng có thể phát hiện ra phía trước là một hẻm núi, tại sao chúng cũng rơi xuống theo con đầu đàn?”
“Bởi vì loài linh dương có một tập tính, lấy con đầu đàn làm chuẩn, con đầu đàn đi như thế nào thì những con còn lại sẽ đi như vậy, dần dần tạo thành tâm lý ỷ lại và mất đi năng lực phán đoán, cho nên chúng mới lần lượt nhảy xuống vực sâu theo con đầu đàn”.
Giáo sư Bella kết luận: “Đây thật ra là một bi kịch của sự mù quáng chạy theo đám đông”.
Trên đây là lời giải đáp cho bi kịch của đàn linh dương, nhưng nó cũng là bài học cảnh tỉnh trong các hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng. Không phải số đông lúc nào cũng đúng. Chúng ta không được ỷ lại dựa theo người khác mà cần có phân tích, phán đoán của chính mình.
Đức Quân