Tin nổi bật

Ban quản lý KCN Vĩnh Long: Tập trung phát triển Khu – Tuyến công nghiệp

2:41 sáng | 28/06/2018

Tập trung phát triển các KCN mới, tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vĩnh Long trong thời gian tới”, Ông Phạm Thành Khôn, Trưởng Ban quản lý KCN Vĩnh Long khẳng định trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân. Bảo Thi thực hiện

                                     

Xin Ông vui lòng cho biết đâu là lợi thế thu hút đầu tư của các KCN tại Vĩnh Long, giải pháp khai thác hiệu quả lợi thế này là như thế nào?

Vĩnh Long có vị trí thuận lợi, nối liền giữa khu vực Tây Nam Bộ với Tp.HCM và Đông Nam Bộ, hệ thống giao thông thuỷ thuận lợi cho công tác giao thương (sông Tiền và sông Hậu) trong khu vực và quốc tế. Vĩnh Long nằm giữa 02 trung tâm kinh tế lớn: Tp.HCM và Cần Thơ, cách sân bay quốc tế Cần Thơ 30 km và cảng Cần Thơ 16 km. Hạ tầng các KCN như đường giao thông, điện, nước, nhà máy nước thải tập trung, hệ thống thông tin liên lạc…cơ bản đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư.

Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính tại Ban quản lý KCN đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà đầu tư, giúp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 6 trên cả nước (2016, 2017). Chúng tôi cũng tăng cường các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa liên thông.

Ngoài ra, Vĩnh Long có nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động thấp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng áp dụng hệ thống thông quan điện tử hiện đại (do Nhật tài trợ) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại một điểm duy nhất: chi cục hải quan cửa khẩu Vĩnh Long.

Vĩnh Long có kế hoạch cụ thể nào để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt trong khâu đầu tư hạ tầng, quy hoạch đất, giải phóng mặt bằng…?

Hiện chúng tôi tập trung phát triển các KCN mới đến năm 2020 nhằm tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư. Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch các KCN ưu tiên thành lập đến năm 2020 gồm 03 khu với tổng diện tích 950 ha: KCN Đông Bình (350 ha), KCN Bình Tân (400 ha), KCN An Định (200 ha).

Theo nghị quyết 97/2018/NQ-HĐND ngày 01/02/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long, tỉnh có chính sách hỗ trợ 80% chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án đầu tư (không quá 1 tỷ VND/dự án). Ngoài ra, tỉnh cũng có một số các chính sách hỗ trợ khác như: chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng (20% tổng chi phí, không quá 5 tỷ VND/dự án); chi phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn (50% kinh phí, không quá 5 tỷ VND/dự án); hỗ trợ tín dụng (2% lãi suất vay vốn trong thời gian 3 năm từ ngày dự án đi vào hoạt động); hỗ trợ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao, KCN và cụm công nghiệp (100% kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông đến hàng rào KCN, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, 50 tỷ VND/KCN, 25 tỷ VND/cụm công nghiệp).

Theo Ông, nỗ lực hoàn thiện hạ tầng KCN có đóng góp như thế nào vào công tác thu hút đầu tư tại Vĩnh Long?

Kết quả là rất tích cực. Hiện số lượng dự án đầu tư vào các KCN và TCN Cổ Chiên (khu IV) đã tăng lên 48 dự án (20 dự án FDI) so với con số 05 dự án vào năm 2005. Tổng vốn đăng ký là 4.187,86 tỷ Đồng và 439,41 triệu USD so với con số 118 tỷ và 10 triệu USD vào năm 2005. Tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê là 215,06 ha. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 12.223,82 tỷ đồng so với 267,19 tỷ đồng năm 2005 (giai đoạn KCN bắt đầu hoạt động). Tính bình quân 1 ha đất công nghiệp tạo ra giá trị SXCN đạt khoảng 117,68 tỷ đồng/ha/năm.

Việc hoàn thiện hạ tầng KCN đã giúp tăng kim ngạch xuất khẩu lên 362,90 triệu USD (2017) so với 8,03 triệu USD (2005), giải quyết việc làm cho 29.808 lao động so với con số 2.676 năm 2005.

Đóng góp vào ngân sách cũng tăng đáng kể: 200 tỷ Đồng năm 2017 so với 3 tỷ đồng năm 2005. Ngoài ra, các khu và TCN Cổ Chiên (khu IV) cũng đã góp phần tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo nên những vùng kinh tế năng động, đời sống và thu nhập một bộ phận dân cư ổn định và phát triển.

Vĩnh Long có kế hoạch gì nhằm thúc đẩy các KCN ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để tăng giá trị sản phẩm công nghiệp và giá trị xuất khẩu?

Từ nay đến năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2017 và định hướng đến năm 2020.

Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường đối thoại, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện và phát huy cơ chế “một cửa, một cửa liên  thông” trong việc giải quyết các TTHC như đầu tư, xây dựng, thành lập doanh nghiệp, môi trường, PCCC,…tăng cường hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch mời gọi đầu tư; xem xét lại giá cho thuê đất cho phù hợp và cạnh tranh với các KCN trong tỉnh và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp – Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng và 02 công ty hạ tầng đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư vào các KCN; tăng cường hợp tác các Cục Xúc tiến đầu tư tại nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); tăng cường công tác “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử của Ban quản lý các KCN để cung cấp thông tin đầy đủ, tin cậy về các KCN, chính sách ưu đãi… cho các nhà đầu tư.

Chiến lược thu hút đầu tư vào các KCN và lĩnh vực kêu gọi đầu tư của Vĩnh Long là như thế nào, thưa Ông?

Vĩnh Long nói chung, BQL các KCN nói riêng sẽ tiếp tục phát huy những mặt đã làm tốt, phấn đấu góp phần cải thiện nâng cao những chỉ số thành phần còn thấp và giảm điểm trong chỉ số năng lực cạnh tranh nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới.

Tiếp tục thực hiện và phát huy cơ chế “một cửa liên thông” trong việc giải quyết TTHC cho nhà đầu tư đặc biệt là tiếp nhận các hồ sơ đề nghị cấp và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư qua mạng điện tử nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.

Ngoài ra, BQL các KCN tiếp tục đẩy mạnh công tác “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, tăng cường gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để lắng nghe, hướng dẫn và giải quyết kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng, trung tâm xúc tiến đầu tư, các công ty tư vấn đầu tư quốc tế… để giới thiệu và mời gọi đầu tư vào các KCN.

BQL các KCN Vĩnh Long sẽ kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản; chế biến thực phẩm; điện – điện tử; công nghiệp hóa dược; cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; dệt may; và một số lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (Đông Bình, Bình Tân và An Định)./.

Xin cảm ơn Ông!