Một ngày đầu tháng 7 năm 2017, Lê Duy Hảo gọi cho tôi. Sau vài lời thăm hỏi, anh bảo: “Tôi bán Công viên nước Hà Phương cho tỉnh Hà Giang rồi ông ạ. Phải buông thôi, không cố được nữa!”. Tôi hơi bất ngờ trước quyết định này của anh, bởi đúng vào thời gian này năm trước chính anh đã khoe với tôi là quyết định trở lại Hà Giang. Anh giải thích rằng, sau khi Bí thư Tỉnh ủy và tiếp đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang (đương nhiệm) đích thân dẫn theo thị trưởng thành phố Hà Giang và lãnh đạo các sở, ngành chủ chốt về tận nhà anh (số 35, phố Lạc Nghiệp, đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội – NV) để trò chuyện, mời anh trở lại Hà Giang tiếp tục đầu tư xây dựng Công viên Hà Phương, anh đã nhận lời. Vì anh tin vào thiện chí của họ và thực tâm muốn đem công sức của mình để hoàn thành phần còn lại của công trình mà anh tâm huyết. Vậy mà bây giờ anh Hảo phải buông bỏ Công viên Hà Phương là sao? Tôi hỏi lý do, anh Hảo bảo: “Sau khi Công ty Sông Lô tổ chức “Lễ khởi công xây dựng Công viên Hà Phương giai đoạn II” vào cuối tháng 7 năm 2016 thì lại nảy sinh hàng loạt “vấn đề rắc rối” không thể giải quyết được giữa tỉnh và doanh nghiệp, nên tôi buộc phải buông bỏ! Sự việc lùm xùm kéo dài suốt cả chục năm trời vẫn chưa đi đến đâu, khiến tôi thấy thật sự mệt mỏi!”. “Giá cả thế nào hả anh?” – Tôi hỏi. “Chỉ bằng 10% so với giá thực.” “Vậy thì khác gì cho không?”. “Thì cũng gần như thế. Gọi là bán, chứ thực ra là tôi giao lại cho tỉnh, chỉ lấy một phần tiền đã đầu tư vào các hạng mục trước đó. Chỉ thu hồi được chừng 50% số tiền đã bỏ ra. Nếu tính trừ tiền lãi phải trả nợ ngân hàng thì coi như về mo!” Tôi bỗng thấy tấm tức, gắt lên: “Vậy thì ông trắng tay à?”. Im lặng một chút, anh Hảo đáp lời, giọng nhẹ như không: “Trắng tay với tôi nhưng được cho người dân Hà Giang thì cũng tốt chứ sao”.
Tôi lặng người trước câu nói đó của anh Hảo. Và tôi chợt nhớ lại, cách đây 17 năm, anh Lê Duy Hảo – Giám đốc Công ty TNHH Sông Lô – nói với tôi trong một lần trò chuyện tâm tình: “Tôi muốn xây dựng một công viên nước ở hồ cây số bốn xã Phương Độ, nhà báo ạ. Ở Hà Giang mình chưa có cái công viên nước nào để làm nơi vui chơi, giải trí, tắm mát và tập bơi cho người dân, đặc biệt là các cháu bé. Tôi thấy năm nào ở địa bàn thị xã Hà Giang mình cũng có vài em học sinh bị chết đuối trên sông Lô do không có chỗ tắm an toàn, do không biết bơi, đau xót lắm ông ạ!” Tôi hỏi Lê Duy Hảo: “Xây dựng một công viên như vậy có tốn nhiều tiền không?” “Cỡ dăm bảy chục tỷ đồng cho giai đoạn một. Nếu làm hết các hạng mục trong giai đoạn hai thì số kinh phí tăng lên chừng gấp đôi”. “Các hạng mục đó là gì?” “Ngoài bể bơi và các trò chơi dưới nước còn có đu quay, tầu chạy điện, máy bay chạy điện… cùng các trò chơi cảm giác mạnh khác. Tôi sẽ đắp một cái hồ lớn và xây dựng hệ thống nhà hàng – khách sạn đa năng. Mục đích của tôi là xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái, một điểm nhấn du lịch của tỉnh, thành trung tâm sinh hoạt văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi thư giãn và thưởng thức các món ăn, các loại rượu đặc trưng vùng miền… để phục vụ du khách gần xa và nhân dân địa phương. Tôi làm việc này không vì mục đích lợi nhuận, mà là muốn trả nghĩa với đồng bào Hà Giang đã cưu mang, che chở, giúp đỡ bộ đội trong những ngày chiến đấu cực kỳ gian khổ, ác liệt để bảo vệ biên cương phía Bắc. Là một cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu tại biên giới Hà Giang, tôi muốn tạo dựng nơi này thành một “Tượng đài chiến sĩ” trong lòng mọi người, nhằm ghi nhớ sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Hà Giang – quê hương thứ hai của tôi – để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và chủ quyền biên giới quốc gia. Tôi dự tính sẽ đặt tên công viên nước này là Công viên Hà Phương. Hà là Hà Giang, Phương là Phương Độ. Nhà báo xem cái tên ấy có được không? Có ủng hộ ý tưởng xây dựng công viên nước của tôi không? Đây là một công trình văn hóa mang tính chất phúc lợi xã hội nên tôi đặt gần như toàn bộ tâm huyết, tiền bạc và sức lực của mình vào đó.”
Hôm ấy tôi nhìn doanh nhân Lê Duy Hảo bằng đôi mắt ngưỡng mộ pha chút ngạc nhiên. Ngưỡng mộ bởi cái ý tưởng xây dựng công viên nước hết sức nhân văn của anh, và ngạc nhiên vì một người làm kinh doanh mà lại không tính đến lợi nhuận, chỉ nhăm nhăm san sẻ và dâng hiến cho đời một phần không nhỏ thành quả lao động khó nhọc của mình. Dĩ nhiên là tôi ủng hộ cái ý tưởng ấy của anh. Một ý tưởng khá táo bạo, thậm chí là “điên rồ”, nhưng lại rất cần cho sự phát triển của Hà Giang nói chung và cái thị xã nhỏ bé miền rừng này nói riêng. Tôi tin vào cái tâm của anh với đồng bào Hà Giang, như anh từng nói: “Chính đồng bào Hà Giang là những người đã giúp chúng tôi thành đạt trên con đường lập nghiệp. Tôi biết ơn và luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm báo đáp đồng bào Hà Giang về điều đó”.
Được tỉnh ủng hộ về chủ trương, anh Hảo tự tin bắt tay ngay vào việc thực hiện ý tưởng của mình. Anh thuê những chuyên gia giỏi tiến hành khảo sát thiết kế, làm dự án trình tỉnh. Khi dự án được tỉnh phê duyệt (theo hướng tỉnh hỗ trợ 50% vốn, doanh nghiệp tự đầu tư 50%) Công ty Sông Lô chủ động triển khai thi công luôn. Nhận thấy chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc giải tỏa một số diện tích đất thuộc phạm vi dự án (vì mắc míu chuyện đền bù), anh đã phải tự giải quyết bằng cách trực tiếp thỏa thuận và đền bù cho dân để kịp tiến độ thi công, mặc dù anh biết làm như vậy sẽ thiệt thòi cho doanh nghiệp, nhưng anh nghĩ, thiệt với dân một chút cũng chẳng sao.
Sau hơn một năm thi công khẩn trương, Công viên nước Hà Phương đã hoàn thành các hạng mục của giai đoạn I trong niềm vui hân hoan của tất cả mọi người, nhất là đồng bào quanh vùng. Từ khi có công viên nước, thật vui là không còn tình trạng học sinh chết đuối do tắm ở sông Lô như mọi năm. Các bậc phụ huynh đã cho con em mình đến tập bơi, tắm mát ở bể bơi công viên vừa sạch vừa an toàn. Ngay trong năm đầu tiên Công viên Hà Phương đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và thị xã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và thể thao, như mở cuộc thi “Giọng hát Hà Phương”, mở lớp dạy khiêu vũ cho thanh niên, lớp dạy bơi cho thiếu nhi… cùng các cuộc giao lưu văn nghệ quần chúng có sự tham gia của đồng bào sở tại, tạo không khí vui tươi, bổ ích, thu hút đông đảo người dân và du khách đến với công viên.
Cái tâm của doanh nhân Lê Duy Hảo luôn được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, rất có ích với nhiều người từ hàng chục năm nay. Xin kể ra đây hai việc điển hình mà anh và Công ty Sông Lô đã làm trên mảnh đất Hà Giang: Tận mắt chứng kiến không ít người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã phải từ giã cõi đời chỉ vì không được cấp cứu kịp thời (do thiếu phương tiện), anh Hảo đã bỏ tiền mua hẳn một chiếc xe ô tô cứu thương hiện đại, mới coóng, cùng đầy đủ trang thiết bị y tế dành cho việc cấp cứu (đi kèm với xe) để tặng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Chiếc xe cứu thương này đã góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân trong mười lăm năm qua. Năm 2002 trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra một trận lũ quét kinh hoàng ở 2 xã Du Già và Du Tiến của huyện Yên Minh. Trận lũ quét đã cuốn trôi cả một bản người Mông và một bản người Dao, làm chết và mất tích hàng chục người. Nhận được tin dữ, giám đốc Lê Duy Hảo đã điện thoại cho anh em công nhân đang làm đường ở khu vực xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê (cách Du Già chừng 70 cây số) “điều” ngay máy ủi, máy xúc chạy suốt đêm vào nơi xảy ra thảm cảnh để tham gia cứu hộ. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của những chiếc máy xúc, máy ủi ấy mà đường giao thông đã sớm được khai thông để các lực lượng cứu hộ mang lương thực, thực phẩm, lều bạt, thuốc bệnh, thuốc khử trùng… vào cứu giúp bà con vượt qua cơn hoạn nạn một cách nhanh nhất.
Tôi biết Lê Duy Hảo từ năm 1998. Khi ấy tôi là phóng viên báo Hà Giang và là cộng tác viên của báo Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Nhân có cuộc thi của báo về chủ đề bảo hiểm xã hội, tôi tìm đến Công ty TNHH Sông Lô để tìm hiểu viết bài dự thi theo lời giới thiệu của lãnh đạo ngành bảo hiểm xã hội tỉnh. Bài dự thi “Công ty ba nhất” của tôi năm đó được giải khuyến khích. Lúc ấy Công ty Sông Lô của giám đốc Lê Duy Hảo có ba cái nhất: Tạo được công ăn việc làm cho nhiều người địa phương nhất; đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đầy đủ nhất và nộp thuế nhiều nhất. Nhưng tôi và anh Hảo thân nhau không phải từ chuyện bài báo được giải ấy, mà là xuất phát từ một chuyện tình cờ. Chẳng là, vào năm 2000, khi tự mình lái xe từ Hà Giang về quê ở làng Đào, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), anh Hảo mở radio đúng vào lúc Chương trình văn nghệ thiếu nhi đang đọc truyện ngắn “Cái cuốc của bà” của tôi. Nghe xong anh gọi cho tôi, khen cái truyện ngắn ấy hay và bảo người bà trong truyện của tôi có nhiều nét giống mẹ anh đang ở quê. Rồi anh đọc mấy câu thơ viết về mẹ cho tôi nghe: Mẹ tôi ngồi ở đầu nồi/Xới cơm lưng bát một đời nhường ăn/Thương con nước mắt vòng quanh/Tháng năm kết ngọc mẹ dành cho con!
Sau này anh Hảo còn nghe những truyện ngắn khác của tôi viết cho thiếu nhi trên radio. Lần nào nghe xong anh cũng gọi cho tôi để vừa khoe, vừa khen. Một lần anh rủ tôi đi uống cà phê, tặng tôi tập thơ “Hát mãi với Sông Lô” của anh và hỏi: “Mỗi truyện ngắn đọc trên đài, ông được trả nhuận bút bao nhiêu?” Tôi bảo: “Từ một trăm rưỡi đến hai trăm ngàn”. Anh lại hỏi: “Thế trung bình một bài báo đăng trên báo Hà Giang nhuận bút là bao nhiêu?” “Từ hai trăm đến ba trăm ngàn”. “Ông viết một truyện ngắn mất bao nhiêu ngày?” “Cũng tùy, có thể một tuần, có khi cả tháng”. “Thế một bài báo ông viết bao lâu?” “Khoảng một, hai tiếng gì đó”. “Tức là viết báo dễ kiếm tiền và nhiều tiền hơn viết văn?” “Đúng thế”. “Vậy ông còn viết văn làm gì cho nó nhọc thân?” “Với tôi viết báo là nghề, viết văn là nghiệp”. “Lập thân tối hạ thị văn chương. Ông không nghe người xưa thường nói thế sao?” “Tôi có nghe. Nhưng tôi đã trót đam mê văn chương rồi, không bỏ được!” Nghe tôi nói thế, Lê Duy Hảo nhìn tôi bằng đôi mắt rất lạ. Lát sau anh gật gù bảo: “Tôi rất thích người có cách nghĩ và sự đam mê như ông. Nói thật với ông, tuy làm doanh nghiệp nhưng tôi cũng rất yêu thích văn thơ, rất ngưỡng mộ những người làm văn chương như ông. Nghe những truyện ngắn thiếu nhi của ông, tôi thấy mình như được trở lại cái thời niên thiếu hồn nhiên, trong sáng”. Từ đó tôi và anh Hảo coi nhau như những người bạn tâm giao.
Đọc xong tập thơ của anh Hảo, tôi không khỏi ngỡ ngàng về tâm hồn thi sĩ của anh. Tập thơ có 54 bài, đa phần được tác giả thể hiện bằng lối tự sự, trong đó có đến 12 bài “không đề” và có 7 bài được các nhạc sĩ phổ nhạc, in ở cuối tập. Nhiều bài trong số đó được viết dung dị nhưng không kém phần sâu sắc, và đặc biệt là rất có tình, nhất là những bài anh viết về Hà Giang. Hình như anh muốn mượn thơ để nói lên lòng mình với mảnh đất anh chọn để lập nghiệp. Trong bài thơ “Hát mãi với Sông Lô” – được nhạc sĩ Văn Quang phổ nhạc thành bài hát rất hay – có những câu khiến độc giả đọc một lần nhớ mãi: Tự bao giờ vẫn cháy trong tim ta/Một tình yêu Hà Giang thiết tha/Vì Hà Giang ta chiến đấu/Vì Hà Giang ta dâng hiến/Sông Lô ơi! Ta nợ Người…
Sau này cứ rảnh lúc nào là anh Hảo lại gọi tôi đi uống cà phê để trò chuyện về báo chí, văn thơ và mọi sự trên đời như một người bạn tri âm, tri kỷ. Một lần tôi trêu anh: “Nhà thơ Phạm Tiến Duật nhận xét Lê Duy Hảo là “doanh nhân mang tâm hồn thi ca”, nhưng anh đừng có vội mừng. Phàm những ai đa di năng thì đều vất vả. Doanh nhân mà làm thơ là dấu hiệu đầu tiên của sự khổ nạn đấy!” Hảo cãi: “Tôi đâu dám lấn sân nhà các ông. Tôi chỉ làm mấy bài cho vui để xả xì-chét thôi mà”. Tuy anh Hảo nói vậy, nhưng đọc tập thơ của anh thấy có nhiều bài tâm trạng lắm. Ví như bài “Khóc thầm” anh viết sau khi xảy ra “sự cố” giữa tỉnh với Công ty Sông Lô, có những câu đọc thấy xót xa: Bao năm vật lộn đất Hà Giang/Nay tim ứa máu, lệ tuôn tràn/Vận đời chìm nổi trời mây gió/Hà Phương vô ảnh, nước mênh mang…
Bên cạnh những điểm mạnh như trí sáng, tâm trong, sự nhanh nhạy, giàu ý chí và bản lĩnh, song doanh nhân Lê Duy Hảo cũng bộc lộ một số “điểm yếu”, trong đó “điểm yếu” nhất của anh là không biết “nịnh” và “đối đãi tốt” với “bề trên”, nhất là với những người nắm quyền sinh, quyền sát trong tay. Chẳng biết có phải vì thế hay không mà có một số người chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của tỉnh Hà Giang (giai đoạn 2005 – 2009) không ủng hộ, thậm chí gây khó dễ với anh. Họ không thực hiện việc hỗ trợ vốn như đã thỏa thuận để doanh nghiệp tiếp tục xây dựng Công viên Hà Phương giai đoạn II. Không những thế họ còn ngang nhiên rút dự án khai thác, tuyển luyện quặng sắt Tùng Bá và quặng chì – kẽm Na Sơn (trên địa bàn huyện Vị Xuyên) do Công ty sông Lô đang triển khai thực hiện để chuyển quyền khai thác, tuyển luyện cho các doanh nghiệp khác (là sân sau của họ) bằng các quyết định hành chính sai trái. Các quyết định sai trái đó đã kéo theo nhiều hệ lụy, khiến một số dự án đang thực hiện của Công ty Sông Lô (như Công viên Hà Phương, hang động Tùng Bá, khách sạn đa năng bờ Đông sông Lô…) bị “treo”, trở thành dang dở, gây tổn thất lớn cho công ty cũng như tiền bạc của Nhà nước và nhân dân! Tất nhiên những kẻ có quyền lực nhưng thiếu sự công tâm ngày ấy đã tạo dựng, thậm chí là bịa tạc ra đủ mọi lý lẽ để bảo vệ cho cái “lợi ích nhóm” của họ. Nhưng anh Hảo không chịu sự bất công ấy. Sau rất nhiều lần khiếu nại, kiến nghị và thương lượng trực tiếp nhưng không thành, anh đã kiên quyết đòi quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp mình bằng cách đưa vụ việc này ra tòa án, nhờ pháp luật phân xử. Người bị kiện là ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lúc bấy giờ (ông này sau đó đã mất hết chức vụ và bị khai trừ khỏi Đảng vì chuyện gái gú và nhiều chuyện khác). Báo chí hồi ấy gọi vụ kiện này là “Châu chấu đá Voi”, là “Trứng chọi đá”. Nhưng công lý đã thuộc về lẽ phải. Anh Hảo và Công ty Sông Lô thắng kiện. Tuy nhiên, cái sự “thắng kiện” ấy lại làm khó dễ thêm cho anh và công ty. Bằng chứng là các phán quyết của tòa án đã không được thực thi nghiêm túc, những chuyện “mắc mớ” liên quan đến Công ty Sông Lô kéo dài cả chục năm trời vẫn không được giải quyết thấu đáo. Đến nỗi Thủ tướng Chính phủ đã phải 10 lần có ý kiến chỉ đạo, giao cho các bộ, ngành chức năng và chính quyền tỉnh Hà Giang phối hợp giải quyết dứt điểm để báo cáo Thủ tướng. Thế nhưng “nước xa không cứu được lửa gần”, mọi chuyện vẫn bế tắc. Và vụ việc liên quan đến Công ty Sông Lô đã trở thành một trong những vấn đề “nóng” tại nghị trường Quốc hội, khiến một số đại biểu phải lên tiếng chất vấn Thủ tướng. Nhưng rồi mọi thứ cứ như “rơi vào quên lãng”, mặc dù mỗi năm có tới hàng chục cuộc họp và làm việc lớn nhỏ giữa lãnh đạo Công ty Sông Lô với chính quyền tỉnh và các ban ngành để giải quyết dứt điểm “vụ việc” giữa hai bên, song kết quả vẫn cứ “dậm chân tại chỗ”. Điều đó đã khiến cho một doanh nhân có nghị lực, giầu ý chí và tâm huyết như Lê Duy Hảo nản lòng. Và anh đã phải bỏ dở công cuộc làm ăn ở Hà Giang, trở về Hà Nội và quê hương Đào Xá để tìm hướng đi mới. Anh Hảo tâm sự: “Cái đau đớn nhất của tôi là tâm nguyện góp phần phát triển Hà Giang đã không được một số lãnh đạo chủ chốt của tỉnh lúc bấy giờ ghi nhận và ủng hộ, mặc dù họ thừa biết Công ty TNHH Sông Lô là một trong những “cánh chim đầu đàn” của các doanh nghiệp trẻ trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc; là “lá cờ đầu” của các doanh nghiệp Hà Giang; từng được Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”; bản thân tôi từng đoạt Giải thưởng Sao Vàng đất Việt và Doanh nhân Sao Đỏ; tập thể Công ty TNHH Sông Lô và cá nhân tôi đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, cùng nhiều bằng khen của tỉnh và các bộ, ngành trung ương. Chưa dừng lại ở đó, người ta còn triệt tiêu vai trò và ảnh hưởng của tôi bằng cách giải thể Hội doanh nghiệp Trẻ của tỉnh do tôi làm Chủ tịch hội từ khi thành lập hội đến nay; và kỳ lạ hơn nữa, là người ta còn chỉ đạo Thị ủy Hà Giang ra quyết định giải thể Chi bộ Công ty Sông Lô – một chi bộ doanh nghiệp luôn được đánh giá là trong sạch, vững mạnh trước đó!”
Lê Duy Hảo kể: “Từ khi rời Hà Giang về Hà Nội, tôi dành thời gian nghiên cứu về Phật pháp và ngộ ra nhiều điều. Hóa ra cái “vận hạn” mà tôi gặp phải ở Hà Giang vô hình chung đã đưa tôi đến với giáo lý nhà Phật. Đúng như ý Phật nói “Không đau khổ, không thấy niết bàn”. Chính điều ấy đã giúp tôi cởi bỏ được những oán giận, bức xúc, chán nản… để tìm đến với sự thanh thản, từ bi. Tôi đã viết hẳn một cuốn sách mang tên “Vượt qua vận hạn”, in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2011. Cuốn sách có một phần tự truyện của tôi, nhưng trên hết là tôi dùng Phật học ứng dụng để soi chiếu, lý giải, chiêm nghiệm quãng đời mà tôi đã trải qua, để tránh xa tham sân si và hướng tới những điều thiện tâm. Cũng nhờ được tiếp cận với giáo lý nhà Phật, thậm chí được trực tiếp được nghe thầy Thích Chân Quang thuyết pháp, tôi đã nghĩ đến việc phải làm một điều gì đó cho quê hương, trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Và ý tưởng về dòng Gốm sứ Văn hóa – Tâm linh NASON ra đời từ đó”.
Thật nể phục và bất ngờ, sau một chặng đường đầy gian nan, giờ đây sản phẩm Gốm sứ NASON của Lê Duy Hảo đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có mặt ở nhiều nơi trong nước và một số quốc gia trên thế giới.
Để bạn đọc hiểu thêm về sản phẩm Gốm sứ Tâm linh NASON của Công ty Sông Lô, tôi xin trích một số bài viết của các văn nghệ sĩ – trí thức khi đánh giá về dòng sản phẩm này (in ở cuốn “Gốm sứ Tâm linh NASON” – Nhà xuất bản Công an nhân dân – 2014):
Trong bài “NASON – một thương hiệu gốm sứ đậm chất văn hóa và tâm linh độc đáo của Việt Nam”, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã viết: “Để tạo ra hàng trăm sản phẩm Gốm sứ NASON như hôm nay, Lê Duy Hảo đã phải nhiều bữa quên ăn, nhiều đêm quên ngủ, quên thời gian ngày tháng… Nhiều tỷ đồng đã bị anh “đốt” không thương tiếc. Người anh cũng teo tóp theo tháng ngày, tụt đến 10 kí chỉ bởi sự đam mê gốm sứ.
Bắt đầu sự nghiệp gốm sứ từ con số không, Lê Duy Hảo một mình tìm về các làng nghề gốm sứ nổi tiếng nhất Việt Nam để học hỏi các nghệ nhân. Anh không ngần ngại mời gọi và trả thù lao hấp dẫn cho các “cao thủ” gốm sứ, rước những người thợ cao tay nhất về Đào Xá truyền nghề. Rồi chính Lê Duy Hảo đã trực tiếp tham gia tạo mẫu, vẽ trang trí, pha men và thậm chí cả dựng lò đốt và đốt lò. Anh chăm chút cụ thể, tỷ mỷ, điều chỉnh từng con số nhỏ.
Bao lần thất bại, bao lần tia hi vọng lóe lên, rồi mừng vui vỡ òa trong đầm đìa mồ hôi và nước mắt. Đã có lúc tưởng chừng như Lê Duy Hảo đã thất bại và trắng tay. Đã nhiều lúc người ta tưởng anh hoàn toàn gục ngã và buông xuôi… Không ai giải thích được Lê Duy Hảo đã lấy đâu ra nhiều sức lực và niềm tin đến vậy?…”
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nhận xét: “Những sản phẩm Gốm sứ Tâm linh NASON mà Thạc sĩ Lê Duy Hảo sáng tạo ra đã thuyết phục được các nhà khoa học và nhiều chuyên gia đầu ngành của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Trong cuộc tọa đàm ngày 13 tháng 1 năm 2014 về công nghệ và sản phẩm Gốm sứ NASON, các ý kiến đều nhất trí đánh giá cao chất lượng của sản phẩm này.
Điểm độc đáo của Gốm sứ Tâm linh NASON là tiêu chuẩn an toàn và trong sạch được đặt lên hàng đầu… Qua khảo sát, thấy được sản phẩm đều nung đốt ở nhiệt độ vượt qua giới hạn thông thường trên 1300 độ C. Cấu trúc của Gốm sứ NASON chủ yếu là ngọc thạch anh, nên các sản phẩm đều có màu sáng và trong suốt. Theo kinh nghiệm dân gian, nguyên liệu này giúp cân bằng âm dương, phù hợp với sức khỏe con người và an toàn thực phẩm. Điểm độc đáo của Gốm sứ NASON là nhà sản xuất không sử dụng bất cứ loại hóa chất tạo màu nào, mà dùng “hỏa biến” để nung luyện…”
Họa sĩ, PGS, TS Lê Huyền, Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế và Sáng tạo Mỹ thuật Việt Nam, khẳng định: “…những bản thiết kế mẫu Gốm NASON có phong cách riêng, có tính thẩm mỹ độc đáo về kiểu dáng, về mô tip trang trí, men mầu phong phú, phảng phất lộ diện vừa hiện đại vừa truyền thống, đem đến cho người thưởng ngoạn mê hồn! Thêm nữa, Đất làm nên loại gốm này được khai thác tại vùng Đất Tổ Vua Hùng nên trắng trong, mỏng mịn chỉ duy nhất có ở nơi ấy. Dân trong nghề cho rằng đó là “Lộc trời ban cho”…
Được biết, một đối tác thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã mời doanh nhân Lê Duy Hảo tới thành phố Dubai để giới thiệu một gian hàng sản phẩm, với tư cách là “Cha đẻ” và Người sáng tạo ra một dòng sản phẩm gốm sứ mới đầu Thế kỷ XXI này”…
Đọc bài viết của các bậc trí giả và được tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm Gốm sứ Tâm linh NASON đẹp lung linh, đủ các nhóm sản phẩm, với rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau, được sáng tạo trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam “vừa mang tính Nghệ thuật, vừa mang tính Tâm linh và đậm nét Văn hóa truyền thống”, tôi thấy thật tự hào và vui thay cho bạn tôi – doanh nhân Lê Duy Hảo./.
Bút ký: Nguyễn Trần Bé
(Tác phẩm dự thi giải thưởng Quỹ Nhà văn Lê Lựu)