Tin nổi bật

Báo cáo Đào tạo TMĐT 2022 – Vì sự phát triển nguồn nhân lực TMĐT quốc gia

11:35 sáng | 24/08/2022

VHDN Sáng ngày 24/8, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) phối hợp với Trường Đại học Thương Mại Hà Nội tổ chức cuộc họp báo công bố báo cáo Đào tạo TMĐT (TMĐT) năm 2022. Báo cáo đã mang đến cái nhìn tổng quan đầu tiên về thực trạng nguồn nhân lực TMĐT hiện nay tại nước ta, là tài liệu quý để định hướng hoạt động của đơn vị phù hợp với xu hướng và nhu cầu hiện nay trong lĩnh vực TMĐT.

Trong hai năm 2020 – 2021 nước ta trải qua đại dịch Covid-19 với những tác động nặng nề tới kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Đứng trước thực trạng này, sự khan hiếm nguồn nhân lực tài năng được đào tạo chuyên nghiệp là một trong số những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của TMĐT ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Buổi họp báo được diễn ra thu hút nhiều cơ quan báo chí và các thầy cô của các trường đại học.

Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực TMĐT, Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT nước ta trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao là các trường đại học.

Báo cáo Đào tạo TMĐT 2022 sẽ là một trong những cơ sở để thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển TMĐT, trong đó Báo cáo đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình đào tạo nguồn nhân lực TMĐT tại các trường đại học tại Việt Nam, cung cấp những thông tin hữu ích để đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp, là tư liệu nghiên cứu, học tập hữu ích.

Các thầy cô cùng Ban biên tập và khách mời tham dự buổi họp báo

Báo cáo với những con số ấn tượng

Báo cáo Đào tạo TMĐT 2022 chỉ ra, các trường đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học (mã ngành 7340122) và liên tục tăng nhanh. Trong đó có 36 trường đào tạo TMĐT trình độ đại học (14 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 17 trường ở miền Nam).

Đồng thời, có tới 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT tại nhiều ngành liên quan như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, tiếp thị số (digital marketing), tài chính – ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh thương mại hay du lịch.

Như vậy, đã có trên 110 trường giảng dạy TMĐT từ mức học phần tới ngành đào tạo. Phần lớn các trường bắt đầu đào tạo ngành này trong giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình đào tạo TMĐT càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (Infomation Technology and Telecomunication – ICT). Điều này dẫn tới càng ngày càng nhiều trường giao cho các khoa kinh tế – thương mại giảng dạy ngành này. Cùng với đó, đội ngũ giảng viên TMĐT đông đảo và chất lượng cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước.

Ông Bùi Trung Kiên – Phó chủ tịch VECOM đánh giá ý nghĩa của Báo cáo Đào tạo TMĐT 2022

Cũng theo Báo cáo, trong số các trường đào tạo ngành TMĐT trả lời khảo sát, có 23% trường mở ngành này từ năm 2015 trở về trước. Số trường mở ngành này từ năm 2016 tới năm 2020 là 49% và từ năm 2021 đến nay là 28%. Các khoa kinh tế đào tạo TMĐT tăng đáng kể từ 66% (2008) lên tới 88% (2022)…

Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức

Tuy có những bước tiến lớn như trên nhưng các trường đại học còn nhiều thách thức cần vượt qua để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa

Thứ nhất, đội ngũ giảng viên TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Trong khi số trường đại học mở ngành TMĐT hay chuyên ngành TMĐT tăng nhanh, số lượng giảng viên chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu. 

Thứ hai, học liệu phục vụ đào tạo TMĐT chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập. Với lĩnh vực thay đổi nhanh và liên tục như TMĐT, bên cạnh các giáo trình và tài liệu tham khảo dạng in cần có các phiên bản điện tử để có thể cập nhật kịp thời sự tiến bộ về công nghệ cũng như thực tiễn kinh doanh. 

Thứ ba, hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức, dù là hợp tác giữa các trường đại học, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay giữa nhà trường với doanh nghiệp. 

Thứ tư, các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bao gồm hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp hay các câu lạc bộ sinh viên chưa thường xuyên và hấp dẫn. 

Thứ năm, cần có dự báo khách quan về nhu cầu học TMĐT với chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm tới, đảm bảo số lượng chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Thứ sáu, hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến, tuyên truyền về học TMĐT chưa mạnh mẽ. Một mặt, đây là nhiệm vụ của mỗi trường, nhưng mặt khác đây cũng là nhiệm vụ chung của tất cả các trường, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực này. 

Thứ bảy, số lượng các trường đại học đào tạo ngành TMĐT tăng nhanh chưa tương xứng với chất lượng của chương trình đào tạo. Tỷ lệ các trường có chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học ngành TMĐT đã được kiểm định chất lượng và đạt yêu cầu còn rất thấp.

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Hội đồng TV Cấp cao VECOM (Bên trái), TS. Nguyễn Trần Hưng – Phó Trưởng khoa HTTTK và TMĐT, ĐH Thương Mại HN (Bên phải).

Báo cáo là cơ sở khuyến nghị và hành động

Căn cứ vào kết quả khảo sát, kiến nghị của các trường, tình hình hiện tại và xu hướng phát triển TMĐT giai đoạn tới năm 2025 và trung hạn tới năm 2030, VECOM đề xuất cần triển khai ngay 10 hoạt động được nêu rõ trong Báo cáo:

Thứ nhất, khảo sát định kỳ tình hình đào tạo TMĐT tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, xây dựng Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT.

Thứ ba, bồi dưỡng giảng viên TMĐT.

Thứ tư, tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo TMĐT.

Thứ năm, đào tạo và cấp chứng nhận một số học phần TMĐT.

Thứ sáu, tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên TMĐT.

Thứ bảy, tổ chức cuộc thi toàn quốc về TMĐT.

Thứ tám, nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu TMĐT.

Thứ chín, đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành TMĐT.

Thứ mười, chú trọng hơn tới kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành TMĐT.

Ông Trần Văn Trọng – Tổng Thư ký VECOM giới thiệu về Báo cáo

Báo cáo là cơ sở hành động trong Chương trình phát triển TMĐT quốc gia

Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra hai mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực. Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạoTMĐT. Mục tiêu thứ hai là một triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụngTMĐT.

Với mong muốn góp phần vào việc đạt được hai mục tiêu trên và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên của mình với các trường đại học trên cả nước, năm 2022 VECOM tiến hành khảo sát tình hình đào tạo TMĐT tại 132 trường đại học và xây dựng Báo cáo Đào tạo TMĐT.

PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại phát biểu tại buổi họp báo

Phát biểu tại buổi công bố, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết: “Ngành TMĐT của Trường Đại học Thương mại là một trong những ngành hiện nay được coi là trọng điểm không phải chỉ đối với công việc đào tạo của nhà trường mà còn đối với cả nhu cầu của xã hội. Trong khảo sát nhà trường về các ngành đào tạo thì ngành TMĐT có tỷ lệ sinh viên tìm kiếm được việc làm trong nhiều năm qua luôn luôn trên 95%. Đây là con số rất đáng tự hào và cũng rất đáng ngưỡng mộ với ngành. Qua hai năm dịch COVID-19 một lần nữa lại khẳng định nhu cầu về TMĐT trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và công nghiệp 4.0 cũng là một bước tiến và cũng là môi trường làm cho ngành TMĐT càng trở thành môi trường để tất cả các trường đại học có điều kiện mở rộng hơn, phát triển hơn nữa với ngành này”.

Báo cáo với sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức uy tín

Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2022 VECOM đã khảo sát trực tuyến nhiều trang thông tin điện tử và gửi Phiếu khảo sát tới 132 trường đại học trên cả nước (chiếm chưa tới một nửa so với tổng số khoảng 320 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước), nhưng có thể đại diện khá chân thực toàn cảnh đào tạo TMĐT tại các trường đại học ở Việt Nam tới giữa năm 2022. Phiếu khảo sát được thiết kế chi tiết để có thể thu thập thông tin toàn diện hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường. Đã có 67 trường nhiệt tình giúp đỡ trả lời Phiếu khảo sát.

Đồng thời, VECOM đã làm việc trực tiếp với 25 trường đại học, phỏng vấn lãnh đạo các khoa và bộ môn giảng dạy ngành, chuyên ngành hay học phần TMĐT. Nhiều Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng các trường đại học quan tâm, ủng hộ hoạt động này và trực tiếp tham gia tiếp đoàn công tác của VECOM.

Cùng với đó là sự giúp đỡ của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và các đơn vị trực thuộc Hiệp hội. Và sự quan tâm, ủng hộ của các hội viên VECOM như: Sàn TMĐT Lazada, Công ty CP Công nghệ SAPO, Công ty CP Công nghệ Haravan, Công ty CP FADO GLOBAL và Nền tảng Droppii. Nhiều doanh nghiệp hội viên khác như AXYS Group, LadiPage, Gotadi, Moonka, Metric, Anneco Agency và Pingpong…

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Vũ Thị Minh Tú – Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam đánh giá ý nghĩa của Báo cáo: “Chúng tôi đánh giá rất cao và luôn đồng hành với TMĐT Việt Nam tiến hành báo cáo khảo sát và xây dựng báo cáo về đào tạo ở các trường đại học năm 2022. Thông qua báo cáo chúng tôi rất vui mừng được biết có tới 80% các trường đại học có đào tạo TMĐT và hiện nay đã có những hợp tác nhất định với các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực TMĐT. Đặc biệt là có những trường đại học đã đạt được những con số vô cùng ấn tượng như: Trường Đại học Thương Mại, có tới 90% đang là sinh viên năm thứ ba đã có việc làm từ TMĐT. Đây chính là minh chứng rõ nét cho việc nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội trong công tác đào tạo và lựa chọn nghề nghiệp cho các em sinh viên”.

Bà Vũ Thị Minh Tú – Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam

Bà chia sẻ, với kinh nghiệm hơn một thập kỷ đầu tư vào thị trường Việt Nam, Lazada tự hào đồng hành cùng với hàng triệu các thương hiệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước hoạt động chuyển đổi số trong kinh doanh thông qua TMĐT. Các hoạt động của Lazada đang góp phần tạo ra hàng ngàn việc làm trực tiếp góp phần đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành TMĐT cũng như là công nghệ số của Việt Nam nói chung. Trong bối cảnh TMĐT đang phát triển rất mạnh mẽ và nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cũng tăng rất nhanh.

Với ý nghĩa của Báo cáo, ông Bùi Trung Kiên – Phó chủ tịch VECOM đánh giá, đây là bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa VECOM với các Trường Đại học đào tạo chuyên ngành TMĐT. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng cùng sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa, Báo cáo này sẽ càng ngày đầy đủ với các thông tin có ý nghĩa sâu sắc hơn nữa cho xã hội, cho các trường đặc biệt là cho các em sinh viên có thể tìm hiểu thông tin. Báo cáo đào tạo đã cung cấp một bức tranh khá toàn diện về ngành TMĐT, cung cấp thông tin rất hữu ích cho các bên liên quan như là: các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, các cơ sở đào tạo nắm bắt được tình hình từ đó có định hướng để góp phần phát triển có hiệu quả hơn trong chiến lược của mình”.

Vũ Đào