“Việc thăng hạng PCI lên vị trí thứ 4/63 tỉnh thành của Bến Tre đến từ sự yêu mến của doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng khẳng định trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN, Đỗ Thi thực hiện.
Xin ông chia sẽ một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản – 2 trụ cột kinh tế của Bến Tre?
Thông qua công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nông nghiệp Bến Tre đã có chuyển biến tốt, cơ cấu mùa vụ được chuyển đổi nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được khai thác hiệu quả.
Năm 2018, diện tích lúa giảm 7,91% do chuyển sang trồng cây ăn trái, dừa, hoa kiểng…mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Hoạt động chăn nuôi gia cầm và bò thịt phát triển khá tốt, Bến Tre cũng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm.
Nuôi trồng thuỷ sản năm 2018 khá thuận lợi với diện tích thả giống đạt 100% kế hoạch, hầu hết doanh nghiệp và hộ nuôi đều có lợi nhuận cao do giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức cao. Sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 101% kế họach, chúng tôi tiếp tục duy trì mô hình khai thác theo tổ và đội, toàn tỉnh có 160 THT với 880 hộ/1.745 tàu/14.256 thuyền viên.
Trong năm 2018, Bến Tre tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm và xây dựng nông thôn mới (NTM), liên kết nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, hình thành 04 chuỗi giá trị sản phẩm gồm dừa, bưởi da xanh, nhãn và chôm chôm. Công tác tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững. Hiện 77/821 tổ hợp tác (THT), 29/64 hợp tác xã (HTX) đã tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Bến Tre đang tiếp tục mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Theo ông, đâu là thách thức của Bến Tre trước tác động của biến đổi khí hậu?
Bến Tre đối mặt rủi ro tổn thương về xâm nhập mặn do thiếu các công trình thuỷ lợi, thiếu hệ thống quan trắc cảnh báo mặn tự động cộng thêm nguồn nước hạ lưu sông Mekong không ổn định. Ngoài ra, tình hình sạt lỡ bờ sông, bờ biển gia tăng, sản lượng phù sa suy giảm do ô nhiễm đất và nước. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tại Bên Tre vẫn còn manh mún và quy mô nhỏ, tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp còn mờ nhạt, năng lực hoạt động của một số HTX, THT chưa cải thiện đáng kể; tiến độ xây dựng NTM còn chậm…
Bến Tre có những giải pháp nào nằm khai thác thế mạnh và tiềm năng một cách hiệu quả và bền vững?
Trước các thách thức trên, Bến Tre cũng đã đề ra một số giải pháp cụ thể nhằm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch đất đai và tổ chức lại dân cư nông thôn.
Trước mắt, chúng tôi tập trung phát huy vai trò chủ thể “thật sự” của người dân trong xây dựng NTM, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện “ngày chủ nhật NTM”.
Tiếp theo, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, bổ sung quy hoạch để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hoá lớn gắn với phát triển du lịch, khu dân cư, trung tâm thương mại…đặc biệt là phát triển nền nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao.
Một giải pháp khác là tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế của địa phương. Theo đó, Bến Tre tập trung khai thác tốt tiềm năng đất đai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực; củng cố và xây dựng các tổ hội nghề nghiệp THT, HTX; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển nông nghiệp và nông thôn (phấn đấu đến năm 2025, 08 sản phẩm nông nghiệp chủ lực có truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chỉ dẫn địa lý); nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, kết nối và mở rộng thị trường, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản; tăng cường đào tạo, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ phát triển cộng đồng và lực lượng kỹ thuật nông nghiệp các cấp; lồng ghép, phân bổ vốn và nguồn lực trung hạn cho nông nghiệp và nông thôn, khuyến khích ứng dụng khoa học-công nghệ, hỗ trợ phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM.
Ông đánh giá như thế nào về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre cũng như nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện chỉ số này?
Chỉ số PCI của Bến Tre liên tục tăng trong vòng 3 năm trở lại đây và xếp thứ 4/63 tỉnh thành trong năm 2018. Bến Tre luôn nằm trong nhóm điều hành tốt trong thời gian gần đây.
Kết quả này đến từ nỗ lực của chúng tôi trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, tỉnh luôn phát huy tinh thần sáng tạo và quyết liệt trong các vấn đề liên quan đến đầu tư và doanh nghiệp; luôn đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư và kinh doanh thông qua Tổ chức dịch vụ công do Trung tâm xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp đảm nhận ngay cả khi trung tâm này chưa vận hành; Bến Tre thường xuyên tăng cường đối thoại doanh nghiệp thông qua diễn đàn đối thoại, cà phê doanh nghiệp, bàn tròn khởi nghiệp; ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xã hội hoá; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, chủ động kêu gọi đầu tư vào nghiên cứu và triển khai dự án; thực hiện hiệu quả chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Để duy trì cũng như nâng cao chỉ số PCI, Bến Tre đã đề ra những giải pháp nào trong những năm tới, thưa ông?
Chỉ số PCI hiện tại phản ánh sự yêu mến của doanh nghiệp dành cho Bến Tre. Đây vừa là niềm khích lệ lớn đối với chúng tôi nhưng cũng tạo ra áp lực lớn trong việc giữ vững và nâng cao vị trí xếp hạng.
Tuy nhiên, ngoài việc giữ vững chỉ số này, chúng tôi luôn quan tâm công tác làm thế nào để thu hút mạnh mẽ đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới. Bến Tre sẽ tập trung một số các giải pháp để đạt mục tiêu này bao gồm: vận hành hiệu quả Trung tâm dịch vụ hành chính công; xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy cải cách và nâng cao chất lượng điều hành cũng như hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng KCN Phú Thuận tạo quỹ đất đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các CCN hiện hữu (Long Phước, Phong Nẫm, An Đức); quy hoạch mạng lưới điện giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030; tăng cường đối thoại doanh dưới nhiều hình thức nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục những chỉ số còn yếu kém, tạo sự hài lòng và gắn bó chặt chẽ hơn với doanh nghiệp…