Bình Dương

Bình Dương: Đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông

2:36 sáng | 20/12/2022

VHDN – Trong xu thế phát triển, du lịch luôn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn và là một tiêu chí của phát triển bền vững. Với tỉnh Bình Dương, tiềm năng du lịch được đánh giá như một mỏ vàng đã phát lộ nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Ngày 09-12-2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch“Phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây được xem như một hướng đi đột phá nhằm đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh nhà.

Bình Dương là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Thứ nhất Bình Dương là một địa phương nằm trong khu vực Đông Nam Bộ với đất rộng, có sông, suối, hồ, núi, khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trong đó lợi thế lớn nhất là được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và 2 phụ lưu của nó là sông Thị Tính và sông Bé  rất thuận lợi để khai thác du lịch. Thứ hai Bình Dương có nhiều di tích, làng nghề, chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của hành trình mở cõi phương nam hơn 300 năm. Thứ ba Bình Dương nằm rất gần trung tâm đô thị lớn nhất nước là thành phố Hồ Chí Minh, có hạ tầng giao thông hiện đại kết nối với các cảng sông, cảng biển, cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Long Thành. Thứ tư, Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có lợi thế về động lực để phát triển. Thứ năm là Bình Dương có được sự quan tâm rất lớn trong việc phát triển du lịch từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành và nhất là người dân rất năng động, có khả năng đáp ứng tốt với ngành công nghiệp không khói. Tất cả những tiềm năng và lợi thế ấy nếu được khai thác và có chiến lược phát triển đúng thì ngành du lịch Bình Dương sẽ thật sự được đánh thức.

Du lịch đường sông- Bến Bạch Đằng, thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trên Sông Sài Gòn.

Từ tiềm năng và những lợi thế ấy, tỉnh Bình Dương đã lựa chọn phát triển du lịch đường sông như một hướng đi chiến lược. Cụ thể là tỉnh sẽ phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn phù hợp với “Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” và “Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Mục đích của kế hoạch phát triển ấy là nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các vườn cây ăn trái ven sông kết hợp khai thác các di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống phục vụ du khách đến bằng đường sông, từ đó hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách. Thông qua du lịch đường sông sẽ góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các vườn cây ăn trái ven sông, các di sản văn hóa, các giá trị môi trường sinh thái, sử dụng nguồn thu từ hoạt động du lịch để tái đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các vườn cây ăn trái, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Khu du lịch Đại Nam

Một đoạn đường hầm được mô phỏng trong Khu di tích Tam giác sắt

Cù Lao Rùa thuộc xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, Bình Dương nhìn từ trên cao là điểm du lịch hấp dẫn du khách

Một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của du lịch chính là việc tạo ra các sản phẩm du lịch phải thật sự đa dạng phong phú, vừa độc đáo hấp dẫn, không chỉ cuốn hút du khách đến mà còn phải quay trở lại. Trong chiến lược phát triển du lịch đường sông, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch các sản phẩm du lịch thành 3 không gian. Không gian phía nam gồm thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một và một phần phía nam của thị xã Bến Cát. Trong không gian này sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái trên sông Sài Gòn và sông Thị Tính như vườn cây trái Lái Thiêu, vườn cây trái Phú Thọ, làng tre Phú An…Đây là không gian có rất nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa và những ngành nghề truyền thống chắc chắn sẽ cuốn hút du khách dù chỉ một lần tìm đến.

 

Nhà cổ Ông Trần Văn Hổ (Đốc Phủ Đẩu) – nguyên là Đốc Phủ Sứ thời thuộc Pháp do cha ông xây dựng 1980 niên hiệu Thành Thái thứ 2.

Không gian phía Tây bắc gồm khu vực phía bắc thị xã Bến Cát, khu vực hồ Dầu Tiếng-núi Cậu, hành lang ven sông Sài Gòn và vùng phụ cận huyện Dầu Tiếng, sẽ tập trung phát triển các loại hình gồm: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở núi Cậu, hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm, hồ Than Thở, vườn cây ăn trái xã Thanh Tuyền. Đây cũng là không gian có thể kết hợp nhiều loại hình với nhiều tuyến điểm như: Du lịch tâm linh chùa Thái Sơn núi Cậu; du lịch văn hóa lịch sử với các địa danh rừng Kiến An, sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, rừng cao su thời Pháp thuộc, khu di tích địa đạo Củ Chi mở rộng sang phần đất Thanh Tuyền; du lịch sinh thái với các dự án trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ rừng, phát triển vườn thú bán hoang dã tại rừng phòng hộ núi Cậu và bán đảo Tha La.

Khu di tích lịch sử rừng Kiến An, sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh

Không gian phía Đông gồm khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai, sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên, Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo. Điểm nổi bật của không gian này chính là sự xuất hiện dày đặc các di tích khảo cổ, văn hóa, di tích lịch sử như di tích khảo cổ Dốc Chùa, cù lao Bạch Đằng, cù lao Thạnh Hội, chiến khu Vĩnh Lợi, chiến khu Đ. Đây cũng là vùng đất có nhiều vườn cây ăn trái, những trang trại công nghệ cao thích hợp tổ chức các chuyến dã ngoại kết hợp học tập thực tế cho các em học sinh sinh viên, các chuyến du lịch sinh thái trong ngày dành cho khách du lịch vùng phụ cận vào những dịp cuối tuần.

     Du thuyền đưa khách du cập bến Bạch Đằng, Thủ Dầu Một, Bình Dương trên sông Sài Gòn vào ban đêm- nhìn từ trên cao

    Tàu cao tốc đưa du khách từ TP. Hồ Chí Minh cập Bến Bạch Đằng, Bình Dương.

Có thể khẳng định rằng sau “Đề án Quy hoạch phát triển Du lịch tỉnh Bình Dương năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, việc tỉnh Bình Dương tiếp tục ban hành kế hoạch “Phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022 các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã phục vụ khoảng 52.438 lượt khách, tổng doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. đặc biệt là lượng khách chi trả cao trong thời gian qua tiếp tục gia tăng nên hình thành những cơ sở dịch vụ, khách sạn cao cấp. Với mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, ngành du lịch Bình Dương đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng lượng khách du lịch đạt 8,1 triệu lượt, trong đó: Khách quốc tế đạt 480.000 lượt, doanh thu du lịch đạt mức 3.700 tỷ đồng./.

                                                                                Quốc Hòa