Đồng Nai hiện có 32 KCN, khu công nghệ cao được thành lập, trong đó có 31 KCN đã đi vào hoạt động với hệ thống kết cấu hạ tầng mới, hiện đại, tương đối hoàn chỉnh và có giá trị lâu dài, tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa, 01 KCN đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng (KCN cao Long Thành). Nối tiếp những kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư của các năm trước, năm 2017, các KCN Đồng Nai tiếp tục đạt được thành tích đáng khích lệ. Phóng viên Tạp chí VHDN đã có cuộc trao đổi với Ông Mai Văn Nhơn – Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN Đồng Nai xoay quanh những vần đề này.
Trong tư duy phát triển, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn đặt KCN lên vị trí hàng đầu, luôn xác định KCN là nền tảng, là động lực của sự nghiệp CNH-HĐH tại tỉnh Đồng Nai. Vậy tính đến tháng 9/2017, đâu là những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư vào KCN?
Thu hút đầu tư những năm gần đây đều đạt và vượt con số 1 tỷ USD; năm 2016 thu hút đạt trên 1,4 tỷ USD và gần 1,6 nghìn tỷ đồng. Ngành nghề trong các KCN hết sức đa dạng, có nhiều DN có trình độ công nghệ cao và không ít DN có thương hiệu nổi tiếng thế giới. Tính riêng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, các KCN Đồng Nai đã thu hút thêm hơn 1.017,96 triệu USD, trong đó có 56 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 345,44 triệu USD và 93 dự án FDI thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn 686,18 triệu USD, vượt kế hoạch năm 2017 (01 tỷ USD). Đứng đầu là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút được khoảng 10 dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên.
Các dự án mới có ngành nghề đa dạng, phù hợp định hướng thu hút của tỉnh như ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chi tiết máy móc thiết bị…, trong đó tập trung vào công nghiệp phụ trợ của 03 ngành lớn là công nghiệp cơ khí, điện tử và công nghiệp dệt may, giày dép, thu hút 01 dự án có tính chất công nghệ cao (sản xuất màn hình tinh thể lỏng). Đặc biệt, hiện Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đang xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 01 dự án mới của Tập đoàn Schaeffler tại KCN Amata có tổng vốn đầu tư 67,8 triệu USD để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí chính xác.
Thưa Ông, đâu là những điểm đáng chú ý trong hoạt động của doanh nghiệp FDI ở các KCN Đồng Nai trong thời gian qua?
Các doanh nghiệp FDI trong KCN đã tạo ra sản lượng hàng hóa xuất khẩu lớn và đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách nhà nước: năm 2015 đóng góp hơn 553 triệu USD; năm 2016 đóng góp gần 574 triệu USD; năm 2017 (đến tháng 10/2017) đóng góp hơn 539,70 triệu USD.
Tỉnh Đồng Nai luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư vào tất cả các ngành nghề phù hợp các nguyên tắc của WTO và các cam kết của Chính phủ đối với quốc tế. Do đó, ngành nghề của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các KCN hết sức đa dạng, có nhiều DN có trình độ công nghệ cao và không ít DN có thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Thời gian gần đây, các dự án mới đã có sự đầu tư phân bố về các huyện (Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành,…), không tập trung vào các KCN gần trung tâm như trước. Các dự án được cấp phép trong năm 2017 đều cam kết sử dụng công nghệ và máy móc thiết bị mới, hiện đại, tiên tiến, không sử dụng công nghệ lạc hậu trong quá trình sản xuất; góp phần đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đóng góp vào nguồn thu ngân sách và các cân đối vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, tăng năng suất lao động, đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Trong kêu gọi thu hút đầu tư hiện nay, Ông nhận định thế nào về tầm quan trọng của công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ?
Công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ có vai trò quan trọng, được tỉnh đặc biệt quan tâm. Bên cạnh công tác ngoại giao của cấp Trung ương thì chính quyền địa phương luôn chú trọng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nhà đầu tư hiện hữu, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự thành công của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh chính là minh chứng chân thật nhất để thu hút thêm nhiều dự án mới và thực tế tại Đồng Nai có không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, quyết định đăng ký thành lập dự án tại địa phương thông qua sự giới thiệu, kết nối của nhà đầu tư hiện hữu.
Nhiều năm qua tỉnh Đồng Nai xác định chủ trương không thu hút đầu tư bằng cách ban hành các ưu đãi riêng ngoài quy định pháp luật hiện hành mà luôn nhất quán với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Thực hiện chủ trương của tỉnh, bản thân Ban Quản lý đã đề ra khẩu hiệu “Đổi mới – Sáng tạo – Phục vụ tốt doanh nghiệp”; từ năm 2016, Ban quản lý đã tiến hành khảo sát tại các doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ KCN với 10 tiêu chí liên quan đến hệ thống hạ tầng; an ninh trật tự; giá cả các loại phí hạ tầng; chất lượng phục vụ của công ty hạ tầng KCN. Bên cạnh đó, chúng tôi còn khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong công tác cải cách thủ tục hành chính, phục vụ doanh nghiệp trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Đề từ đó, chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh kịp thời những điểm chưa hợp lý và tiến tới cung cấp cho doanh nghiệp những dịch vụ hành chính công tốt nhất. Trong đó, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết thay đổi tư duy hoạt động từ cung cách “xin”, “cho” thành cung cách “phục vụ”. Đó sẽ là cách đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ KCN.
Hiện nay, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, dù rất muốn nhưng rất khó “vào” được các KCN. Ban quản lý các KCN có những giải pháp gì cho vấn đề này?
Phần lớn doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đầu tư ít, nắm bắt quy định, thủ tục pháp lý yếu trong khi chi phí thuê đất, phí quản lý hạ tầng, xử lý nước thải… trong các KCN khá cao nên còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện dự án trong KCN, nhất là về chi phí đầu tư ban đầu.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả thu hút các dự án trong nước vào KCN thì Nhà nước cần có sự hỗ trợ cụ thể như: ổn định lãi vay với mức thấp nhất có thể; quan tâm kêu gọi đầu tư và phát triển các cụm công nghiệp có hạ tầng chất lượng tốt tương tự KCN; có chính sách hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường và vấn đề pháp lý; thành lập tổ chức làm đầu mối giúp nhà đầu tư trong nước tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…
Đối với BQL thì chúng tôi đã đặt ra và thực hiện một số giải pháp là tiếp tục tăng cường rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan; Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những giải pháp thiết thực hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công khai quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành cho các doanh nghiệp biết lựa chọn vị trí phù hợp với sản xuất kinh doanh. Vận động các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN bố trí quỹ đất, xây dựng các cụm nhà xưởng cho thuê lại với chi phí hợp lý để ưu tiên thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng cơ chế dành khu đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh…./.
Xin cảm ơn Ông