Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chia sẻ với Tạp chí Văn hóa Doanh nhân về nỗ lực của tỉnh trong công tác phát triển kinh tế-xã hội cùng giải pháp đưa Cà Mau thành đô thị loại I vào năm 2020. Anh Thi thực hiện.
Mũi Cà Mau
Xin ông chia sẻ nỗ lực của Cà Mau trong việc tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và kết quả đạt được?
Hiện chúng tôi đã và đang đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược: xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính.
Theo đó, Cà Mau đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Nỗ lực của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,9%; GRDP đầu người mỗi năm tăng bình quân 2,6 triệu đồng (trong đó, năm 2019 đạt 47,1 triệu đồng/người); giảm tỷ trọng nông nghiệp (từ 31,1% năm 2015 xuống 29,2% năm 2019) và tăng tỷ trọng ngành dịch vụ (36,1% lên 40,9%).
Về hạ tầng kinh tế – xã hội, hiện tỉnh đang ưu tiên đầu tư vào hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, xã hội, lưới điện… Đặc biệt, chúng tôi đạt nhiều kết quả tiến bộ trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% vào cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, Cà Mau cũng đã thành lập Trung tâm GQTTHC nhằm thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Chỉ số PAPI của tỉnh tăng 18 bậc, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành và thứ nhất khu vực ĐBSCL. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng qua từng năm: hạng 59 (2015), 54 (2016, 51 (2017), 49 (2018).
Cà Mau có kế hoạch cụ thể nào nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế, thưa ông?
Với tiềm năng kinh tế cảng biển, logistic, dự án cao tốc Tp.HCM – Trung Lương – Cần Thơ – Cà Mau, đây là động lực to lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Để khai thác tối đa các lợi thế này, chúng tôi tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
Một là, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu: giao thông, giáo dục, y tế, lưới điện…
Hai là, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh và cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư trọng điểm ngay trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, khai thác tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Ba là, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (tôm, cua biển, lúa chất lượng cao, gỗ).
Bốn là, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tăng cường liên kết vùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo chính sách an sinh-xã hội, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thành phố Cà Mau
Theo Ông, đâu là thách thức của tỉnh trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội?
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế – xã hội tỉnh nhà còn gặp những khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển.
Hiện nguồn vốn đầu tư cho các dự án về hệ thống kết cấu hạ tầng, kết cấu giao thông tại tỉnh là rất hạn chế.
Bên cạnh đó, Cà Mau là vùng có kết cấu nền đất yếu, dễ sụt lún và không có vật liệu xây dựng tại chỗ, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư hàng năm cho các dự án, công trình nêu trên là rất lớn. Do đó, việc xây hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông của tỉnh chưa đạt hiệu quả cao, tính kết nối thấp, dẫn đến hạn chế việc khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu gây sạt lở, sụt lún, triều cường, hạn hán… diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Các hoạt động sản xuất, chế biến vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế dẫn đến sản phẩm được sản xuất, phân phối ra thị trường ở dạng thô, chất lượng và giá thành sản phẩm thấp. Nhận biết những mặt hạn chế đó, Cà Mau đang tiếp tục đề ra những giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ người dân, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh có thể yên tâm sản xuất và thực hiện các dự án đầu tư.
Tỉnh đã xác định các khâu đột phá nào nhằm đưa Cà Mau phát triển nhanh, bền vững, vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL?
Để phát triển bền vững và trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL, ngoài công tác cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh…. chúng tôi đã đề ra những định hướng cụ thể cho từng ngành và lĩnh vực.
Về nông, lâm, ngư nghiệp: đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hiệu quả; đẩy nhanh tái cơ cấu ngành hàng chủ lực (tôm, cua biển, gỗ) dựa trên 04 nội dung: hợp tác-liên kết-thương hiệu-thị trường; hỗ trợ phát triển mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; phát triển thương hiệu; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.
Về công nghiệp: khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích liên kết đầu tư vùng nguyên liệu tại chỗ.
Về dịch vụ: tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, khai thác tiềm năng và lợi thế của từng lĩnh vực: thương mại, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, y tế, vận tải…; tăng cường hợp tác, liên kết vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo các chính sách an sinh, xã hội; phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường; ứng phó biến đổi khí hậu…
PV